Trong vòng 5 - 6 năm đến, Lâm Đồng phấn đấu nâng tỷ lệ dân cư trong tỉnh tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) thường xuyên lên 39%. Đây là con số được nêu ra trong Kế hoạch 2714/KH - UBND do UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành trong đầu tháng 4/2024 vừa qua nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 12/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
Cần khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu và cung cấp các dịch vụ TDTT. Trong ảnh: Một hồ bơi nước mặn do tư nhân đầu tư xây dựng tại TP Đà Lạt |
• NHỮNG CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU
Mục tiêu của Kế hoạch 2714/KH-UBND nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong giai đoạn mới hiện nay. Đây cũng là bước cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 12/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Kế hoạch xác định nội dung, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và thực hiện.
Yêu cầu đặt ra là việc thực hiện phải đạt tính hiệu quả, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia thực hiện.
Kế hoạch đã đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, trong đó số người dân trong tỉnh tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2030 đạt tỷ lệ trên 39% và đến năm 2035 đạt tỷ lệ trên 43% dân số của tỉnh; số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2030 đạt tỷ lệ trên 30% và năm 2035 đạt tỷ lệ trên 32% số hộ gia đình trong tỉnh. Trong vòng 6 năm đến, đến năm 2030, toàn bộ số xã trong tỉnh đều có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 1 câu lạc bộ (CLB) TDTT cơ sở trở lên được thành lập và công nhận; đến năm 2035, toàn bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có ít nhất 3 CLB TDTT cơ sở trở lên được thành lập và công nhận.
Tỉnh cũng yêu cầu toàn bộ xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố trong tỉnh đều phải tổ chức thành công Đại hội TDTT theo định kỳ quy định; toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã đều tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm.
Cùng với TDTT phong trào, Lâm Đồng cũng sẽ thúc đẩy TDTT trong học đường, trong đó đến năm 2030, phấn đấu trên 95% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh có các chương trình thể thao ngoại khóa; phấn đấu trên 92% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2030 và 98% vào năm 2035.
Đến năm 2030, toàn bộ trường học, cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng và giữa giờ, trong đó, có 70% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non, 85% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy hoặc phổ biến Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Đến năm 2035, 85% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 60% trường mầm non, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy hoặc phổ biến Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.
Đến năm 2030, toàn bộ các trường học phổ thông trong tỉnh đều có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT; thực hiện tốt các hoạt động TDTT ngoại khóa; số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2030 đạt trên 90% và đến năm 2035 đạt trên 95% tổng số học sinh bậc phổ thông các cấp.
Với lực lượng vũ trang và Công an Nhân dân, theo yêu cầu, toàn bộ các đơn vị đều phải tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên; thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sĩ theo quy định; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt từ 93 - 97% trở lên; toàn bộ đơn vị cấp trung đoàn có sân tập luyện thể thao cơ bản, trên 60% đơn vị có hồ bơi đơn giản. Công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động TDTT đạt 100%.
Trong thể thao thành tích cao; phấn đấu đến năm 2035, tỉnh tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 350 VĐV thuộc các đội tuyển tỉnh; trong đó có 120 VĐV đội tuyển tỉnh, 80 VĐV đạt thành tích tại các giải vô địch quốc gia và quốc tế; tuyển chọn và đào tạo khoảng 50 HLV tài năng. Tại các giải quốc gia, phấn đấu nâng con số huy chương giành được hằng năm từ 250 hiện nay lên 350; huy chương quốc tế giành được từ 18 hiện nay lên 27.
• NHỮNG GIẢI PHÁP
Để đạt được những con số như trên, Kế hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó có việc đẩy mạnh truyền thông, vận động các tầng lớp người dân tham gia tập luyện TDTT. Nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tích cực vận động thành viên, đoàn viên, hội viên tham gia tập luyện TDTT gắn với các Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở” hiện nay.
Cùng đó, ngành chức năng tỉnh trong thời gian đến cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT, trong đó có phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí; tăng cường xây dựng các công trình thể thao công cộng ở khu dân cư, lắp đặt các trang thiết bị tập luyện tại các khu vui chơi, giải trí, công viên; quan tâm, chỉ đạo phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật… trong hoạt động thể thao.
Các đơn vị trường học trong tỉnh cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên - giảng viên cho các cấp học, trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, TDTT học đường.
Cần đẩy mạnh công tác huấn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; tăng cường huấn luyện thi đấu thể thao, ứng dụng nghiệp vụ phục vụ cho công tác, chiến đấu, thể thao thành tích cao; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong phát triển TDTT nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Lâm Đồng trong thời gian đến cũng cần tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, quốc tế; nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, huấn luyện, thi đấu cho vận động viên tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Và một nhiệm vụ quan trọng ngành chức năng tỉnh cần chú ý quan tâm, đó là việc tăng cường các nguồn lực cho phát triển TDTT; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, mạng lưới cơ sở thể thao, thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở với các điều kiện đảm bảo đồng bộ và hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu và cung cấp các dịch vụ TDTT; đặc biệt là các môn thể thao gắn với phát triển du lịch...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin