Lặng lẽ bóng đá hạng nhất

04:12, 14/12/2011

Chỉ còn hơn tuần nữa là giải Bóng đá Vô địch Quốc gia V-League và giải Hạng nhất bắt đầu mùa giải 2012 trong đó có đội Lâm Đồng tham dự. Trong lúc nhiều cặp mắt dồn về V-League thì Hạng nhất dự báo sẽ trôi đi trong ít nhiều lặng lẽ …

Chỉ còn hơn tuần nữa là giải Bóng đá Vô địch Quốc gia V-League và giải Hạng nhất bắt đầu mùa giải 2012 trong đó có đội Lâm Đồng tham dự. Trong lúc nhiều cặp mắt dồn về V-League thì Hạng nhất dự báo sẽ trôi đi trong ít nhiều lặng lẽ …

Vắng người xem vẫn là ám ảnh của giải hạng nhất.
Vắng người xem vẫn là ám ảnh của giải hạng nhất.

“ĐẠI GIA” NÀO TRÊN SÂN CHƠI HẠNG NHẤT?

13 đội cùng Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng tham dự giải hạng nhất năm nay gồm TDC Bình Dương, Than Quảng Ninh, Hà Nội ACB, Hà Nội, An Giang, Trẻ SHB Đà Nẵng, Đồng Tâm Long An, Đồng Nai, SQC Bình Định, Xi măng Fico Tây Ninh, Quảng Nam, Xổ số Kiến thiết Cần Thơ, Thành phố HCM. Trong số này có 2 đội vừa từ hạng nhì lên hạng nhất trong năm 2011 là Lâm Đồng và Trẻ SHB Đà Nẵng (hiện Đà Nẵng có 2 đội SHB, một đang chơi ở V-League và đội trẻ cùng Lâm Đồng vừa từ hạng nhì lên); có 2 đội vừa rớt hạng từ V-League xuống mùa giải vừa qua là Đồng Tâm Long An và Hà Nội ACB. Giải hạng nhất năm nay được mang tên nhà tài trợ Cúp Tôn Hoa Sen 2012, 2 lượt đi và về, tổng cộng 182 trận thi đấu, mỗi đội thi đấu 26 trận; lượt đi bắt đầu từ 30/12/2011 đến 7/4/2012; lượt về từ 14/4/2012 đến 18/8/2012. Hai đội đứng cuối bảng xuống hạng nhì, hai đội đầu bảng lên V-League.

“Đại gia” hay ông lớn trên sân chơi hạng nhất hiện nay tất nhiên là Đồng Tâm Long An. Là khuôn mặt bóng đá hàng đầu của giải Vô địch Bóng đá Việt nam trong suốt một thời gian dài, Đồng Tâm Long An nay như một con hổ sa bẫy đang nhốt trong sân hạng nhất và với tiềm lực của mình, tất nhiên đội bóng này sẽ làm mọi cách để lên lại V-League. Tuy nhiên, đội này hiện nay đang trong quá trình làm lại từ đầu, chấp nhận lột xác đau đớn để làm lại, cải tổ toàn bộ, Ông bầu của đội này dù không thiếu tiền nhưng vẫn kiên quyết dùng cầu thủ trẻ, dùng nội lực có sẵn, không lao theo thị trường chuyển nhượng ảo. Dù chuyến tập huấn của đội bóng này tại Gia Lai vừa qua không mấy ấn tượng và vẫn phải chờ đợi thêm thời gian nhưng đây vẫn là đội bóng đáng được xem nhất trong hàng ngũ các đội hạng nhất.

Gọi “đại gia” là hơi quá nhưng SQC Bình Định vẫn là một khuôn mặt lớn của Bóng đá Việt Nam xét về bề dày thành tích lẫn truyền thống. Mùa giải hạng nhất vừa qua, Bình Định được 45 điểm, xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng, chỉ kém Kienlongbank Kiên Giang - đội về nhì và giành suất lên V-League chỉ 2 điểm. Đây là lần thứ 2 họ bị lỡ hẹn chuyến tàu vô địch quốc gia nên năm nay đặt cược rất nhiều hy vọng khi tăng cường hàng loạt cầu thủ từ mọi nơi trong nước, thay đổi cả Ban Huấn luyện. Tuy nhiên tại Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung tổ chức ngay tại sân nhà Qui Nhơn, một giải “Tứ hùng” (4 đội tham dự) khởi động cho mùa giải mới chủ nhà lại lẹt đẹt về chót trong 4 đội. Cứ thử chờ có phải đội bóng này dụng chiêu “khổ nhục kế” để mọi người khỏi chú ý rồi một mình lặng lẽ tiến lên?

Hai đội khác cũng nổi lên trong những mùa bóng hạng nhất gần đây như những khuôn mặt sáng giá cho suất lên V-League là Than Quảng Ninh và Xổ số Kiến thiết Cần Thơ. Than Quảng Ninh mùa rồi xếp thứ 4 và cũng cách không xa điểm số các đội lên V-League nhiều lắm, còn Cần Thơ nuôi khát vọng lớn nhưng đuối dần trên đường đi. Năm nay, Than Quảng Ninh và Cần Thơ đang hướng mục tiêu của mình cho một tấm vé nhưng hãy để xem họ thể hiện thế nào trước các kẻ ngáng đường “chuyên nghiệp” khác như An Giang hay TDC Bình Dương, Hà Nội… Đây là những đội vào loại khá trong giải, nếu có dịp thì thẳng tiến. Cũng có thể nhắc đến Hà Nội ACB - đội mới rớt hạng năm nay với kinh nghiệm chinh chiến của mình tại V-League các đội khác dù muốn cũng khó vượt mặt.

Còn lại trong giải là những kẻ làng nhàng như Tây Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai… chờ chực có cơ hội thẳng tiến không thì an phận giữa bảng là được. Riêng 2 đội mới lên hạng Lâm Đồng cùng Trẻ SHB Đà Nẵng, trụ hạng vẫn là mục tiêu hàng đầu.

NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI

Song hành cùng V-League nhưng rõ ràng trong khi V-League ồn ào thu hút giới truyền thông với chuyện thành lập Cty Cổ phần Bóng đá VPF, chuyện chuyển nhượng cầu thủ nổi đình nổi đám thì giải hạng nhất vẫn có vẻ đầy lặng lẽ, các đội thủ thân tự lo những gì tốt nhất cho mình. Thực tế đây vẫn là một sân chơi hạng hai và cho đến nay trong cơn bão hoà bóng đá, nó dường như ngày càng ít thu hút được khán giả đến sân lẫn người quan tâm.

Thống kê của VFF tại giải hạng nhất vừa qua cho biết lượng người đến sân xem bóng đá hạng nhất đang giảm dần. Với những trận đấu trên sân nhà của những đội ở địa phương lâu nay ít có các giải bóng đá đỉnh cao như Kiên Giang, Cần Thơ, Quảng Nam… thì còn được vì vẫn có khoảng vài nghìn người hâm mộ đến sân cổ vũ, còn vùng đô thị bão hoà bóng đá như Hà Nội chẳng hạn, rất ít người muốn đến sân. Chẳng hạn trận Hà Nội hoà TDC Bình Dương 1-1 ngày 6/6/2011 trên sân Hàng Đẫy, tính đi tính lại chỉ có chừng… 100 khán giả chịu khó ngồi xem.

Ít khán giả, ít được chú ý cũng là một điều buồn cho bóng đá hạng nhất nhưng với không ít đội, đây cũng là… góc khuất để có dịp là “múa gậy vườn hoang” thao túng giải, cần thì rộng tay ban phát điểm, nhất là khi đội đã đạt mục tiêu trụ hạng. Trong nhận xét tổng kết giải, Ban tổ chức giải Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không ngần ngại chỉ thẳng: “Ở thời điểm cuối mùa giải, một số CLB đã đạt chỉ tiêu có dấu hiệu thi đấu chững lại, có những trận đấu không phản ảnh đúng thực lực của đội gây nên sự nghi ngờ trong công luận, ảnh hưởng đến uy tín của CLB và của giải”.

Nhiều khiếm khuyết khác cũng được chỉ ra, không chỉ cho hạng nhất mà còn cho V-League. Chẳng hạn, hiện tượng cầu thủ có biểu hiện thiếu văn hoá, xâm phạm thân thể cầu thủ đối phương, xúc phạm trọng tài, khiêu khích khán giả; công tác quản lý cầu thủ ở một số CLB lỏng lẻo dẫn đến một bộ phận cầu thủ có tác phong sinh hoạt “không lành mạnh”, ảnh hưởng đến kết quả chuyên môn của CLB trong các trận đấu; việc quản lý, giáo dục cầu thủ còn chưa được coi trọng đúng mức, một số cầu thủ có dấu hiệu thi đấu sa sút ở những thời điểm quyết định; sai sót của trọng tài có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu; giám sát tận đấu không hoàn thành trách nhiệm; việc xúi giục ngầm cầu thủ vi phạm kỷ luật để thanh lý hợp đồng hoặc tự ý bỏ không thực hiện hợp đồng với CLB đang quản lý để chuyển sang thi đấu ở CLB khác vẫn diễn ra, làm phức tạp thị trường chuyển nhượng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các CLB đào tạo cầu thủ…

Những tồn tại này thật ra không mới và như một căn bệnh đang làm bóng đá Việt Nam giật lùi, mất niềm tin từ khán giả. Với sự ra đời của VPF ngay trước thềm V-League và giải hạng nhất, người ta đang chờ thuốc mạnh từ VPF để cứu vãn tình hình.

VIẾT TRỌNG