VPF sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm

09:12, 14/12/2011

Không chịu đựng nổi cách điều hành bóng đá của VFF thời gian qua, các ông bầu đã bắt tay ngay vào thành lập và cho ra Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF).

Không chịu đựng nổi cách điều hành bóng đá của VFF thời gian qua, các ông bầu đã bắt tay ngay vào thành lập và cho ra Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF). Tuy nhiên, trong một thị trường bóng đá đầy bất ổn và "không giống ai" như Việt Nam, VPF vẫn xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Một thị trường bóng đá đầy bất ổn

Sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam có mục đích lớn nhất là góp phần phát triển nền bóng đá, điều hành nên bóng đá đi đúng quĩ đạo. Những ông bầu đã chung tay tự làm điều đó, và kết quả cụ thể nhất là VPF ra đời, khi mà VFF đã không hoàn thành được nhiệm vụ trong suốt một thời gian dài.

Giá của một cầu thủ vẫn cả chục tỷ đồng thì chưa thể gọi là một thị trường bóng đá ổn định và mọi thứ đúng giá trị thực
Giá của một cầu thủ vẫn cả chục tỷ đồng thì chưa thể gọi là một thị trường bóng đá ổn định và mọi thứ đúng giá trị thực

Những ông bầu đều là những nhà doanh nghiệp lớn, những doanh nhân lớn thành đạt trong khía cạnh làm kinh doanh, thành đạt trên thương trường. “Cuộc chơi VPF” của họ, nhìn nhận theo một khía cạnh nào đó cũng giống như một loạt hành động quyết liệt để ổn định lại thị trường bóng đá, cái thị trường đầy những bất hợp lí, bất ổn và dễ đổ vỡ. Bóng đá Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa thực sự nuôi sống mình mà vẫn sống nhờ bầu sữa doanh nghiệp.

Tiền chuyển nhượng cầu thủ tăng cao vô tội vạ, việc chuyển nhượng cũng bị các tay cò thao túng, tình trạng “đi đêm” trong những hợp đồng chuyển nhượng xảy ra. Mỗi đội bóng vẫn cứ là những cối xay tiền,  nhưng những khoản thu về từ bán vé lại chẳng đáng bao nhiêu. Chuyện những ông bầu đến rồi đi để lại nhiều hệ quả cho bóng đá địa phương. Chuyện chạy đua tiền thưởng vô tội vạ, rồi việc các trung tâm đào tạo trẻ thui chột do bị chảy máu tài năng. Vô số những ví dụ cho thấy sự bất ổn và thiếu minh bạch của thị trường bóng đá.

Những động thái đầu tiên đã được VPF đưa ra: hạn chế ngoại binh, tăng cường cầu thủ trẻ, hạn chế việc chạy đua tiền thưởng trong các trận đấu. Những động thái đó chính là góp phần ổn định lại những hoạt động của bóng đá Việt Nam sao cho phù hợp và đúng giá trị hơn.

Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm

Trong một nền bóng đá còn thiếu chuyên nghiệp thì cái cần hơn là một giải pháp đồng bộ và tổng thể, có chiến lược đúng đắn và lâu dài. Cũng giống như kinh tế, mọi quyết định dù xuất pháp từ những mục tiêu và động cơ đúng đắn, nhưng không có sự cân nhắc cẩn trọng mà đã đưa vào thực hiện sẽ rất dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường trước. VPF cần có những ý kiến đóng góp trước khi đưa một quyết định vào thực hiện.

Chẳng hạn như việc tiếp tục hạn chế ngoại binh, đưa ra yêu cầu các đội bóng phải có thêm nhiều cầu thủ trẻ vào danh sách. Điều này bắt nguồn từ việc muốn nâng cao chất lượng cầu thủ khi mà thất bại tại SEA Games đã cho thấy sự cần thiết phải có một lực lượng cầu thủ trẻ tốt. Tuy nhiên, có thể chính quyết định này lại dẫn đến việc giá chuyển nhượng cầu thủ trong nước sẽ lại tăng phi mã. Thực tế đã chỉ ra rằng, việc hạn chế ngoại binh cũng chưa chắc đã dẫn đến việc giảm chi phí tuyển mộ cầu thủ ngoại, khi càng hạn chế thì các đội bóng lại càng phải tung tiền tuyển hàng xịn. Việc các ngoại binh đến chơi bóng tại V-League sẽ làm tăng chất lượng của giải, hay làm hạn chế cơ hội ra sân của nội binh cũng cần phải nhìn nhận thấu đáo. Vấn đề nào cũng có 2 mặt, vì vậy mỗi quyết định cần phải được cân nhắc kĩ.

Nói đơn giản như chuyện tăng mức lương, mức tiền làm nhiệm vụ cho trọng tài. Ai dám chắc việc này sẽ hạn chế được hoàn toàn các tiêu cực đến từ các quyết định trọng tài. Tăng lương bao nhiêu là đủ, mức bồi dưỡng làm nhiệm vụ cho các trận đấu liệu có lớn được đủ đến mức các vị vua sân cỏ không còn phải lăn tăn gì trước những lời đề nghị hấp dẫn đằng sau hậu trường.

Để tổng thể bóng đá Việt Nam đi vào quĩ đạo chuẩn, bóng đá phát triển thực sự với chiến lược đúng đắn và lâu dài thì có rất nhiều điều phải làm, cần đến nỗ lực tập thể, chất xám tập thể của rất nhiều người. Bản thân các ông bầu khi lập ra VPF cũng đã xác định cần một lộ trình cụ thể và vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Để bóng đá thực sự chuyên nghiệp, thì những vấn đề tài chính, mua bán, thị trường của nền bóng đá đó phải thực sự chuyên nghiệp và minh bạch. Điều này, hi vọng những ông bầu- doanh nhân sẽ làm được, và sẽ thành công.

(Theo vnmedia)