Có một cuộc thi tài thật đặc biệt khi tất cả các VĐV tham dự đều là người chiến thắng. Đó là giải thể thao dành cho người khuyết tật lần đầu tiên được Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt đầu tháng 11 vừa qua.
Có một cuộc thi tài thật đặc biệt khi tất cả các VĐV tham dự đều là người chiến thắng. Đó là giải thể thao dành cho người khuyết tật lần đầu tiên được Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt đầu tháng 11 vừa qua.
Mỗi số phận - một cuộc đời
|
VĐV Mai Phương Thúy |
Khuôn mặt tươi xinh như một đóa hoa, lẽ ra Mai Phương Thúy bây giờ đã có một gia đình riêng cho mình với một cuộc sống an bình như bao cô gái khác ở xứ đạo An Bình - Liên Hiệp, Đức Trọng. Nhưng cuộc đời không cho cô gái năm nay 28 tuổi này nhiều may mắn như vậy. Năm lên 5 tuổi Thúy bị sốt một trận nhớ đời, sau khi dứt sốt đôi chân của cô dần teo lại rồi không đi được nữa, căn bệnh quái ác đã cướp mất của cô niềm mơ ước được sống như một con người bình thường. Đời cô đến lúc đó đã phải bầu bạn với chiếc xe lăn, quanh quẩn ở nhà ngồi nhìn những người đồng lứa với mình ngày ngày đến lớp qua song cửa. Rồi với sự giúp đỡ của người thân trong nhà cô cũng tự học được chữ để biết đọc biết viết, học thêm nghề đan len để dần tự mưu sinh cho mình.
Và rồi Hội Người khuyết tật như đã mở ra một cánh cửa hy vọng mới cho Mai Phương Thúy: “Ngày trước cũng mặc cảm lắm, đi đâu cũng ngại, có người chỉ nhìn vào đôi chân của mình với ánh mắt thương hại là tự nhiên muốn về lại nhà. Nhưng từ khi tham gia Hội Người khuyết tật của huyện, thấy rất nhiều người cũng cùng hoàn cảnh như mình nên cũng đỡ tủi thân, bớt mặc cảm, giờ ra ngoài không còn ngại nữa”. Là thành viên tích cực của Hội Người khuyết tật Đức Trọng, Thúy được các cô chú trong hội giúp đỡ rất nhiều, giao hàng len về nhà cho cô làm, mỗi tháng thu nhập cũng được 500 - 600 nghìn đồng, phụ thêm tiền sinh hoạt của gia đình. Thúy đang ở cùng cha mẹ, nhà có 4 anh em, 2 người đã có gia đình ra ở riêng. Đây là lần đầu tiên cô tham gia một cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật, thi nội dung xe lăn nữ. “Các cô chú trong hội cử đi, với lại lên đây rất vui vì biết thêm nhiều người mới cùng hoàn cảnh với mình”- Thúy nói.
|
VĐV Trần Chí Thành |
Với anh Trần Chí Thành, 45 tuổi, người ở phường Lộc Phát, Bảo Lộc, cũng căn bệnh sốt bại liệt cướp đi đôi chân của anh từ lúc 4 tháng tuổi ngay khi anh còn chưa biết đi. Lớn lên với mặc cảm đôi chân tật nguyền, cả ngày anh quanh quẩn trong nhà, ít muốn đi đâu. Rồi Hội Người khuyết tật như mở toang cánh cửa cuộc đời với anh. “Có nhóm, có hội cùng sinh hoạt rất vui, đến đó mới biết rằng mình còn có đôi tay để làm lụng được, có người còn chẳng được như mình đâu. Phải thường xuyên ra ngoài, giao lưu với mọi người trong hội thì mới dạn dĩ được” - anh Thành cho biết. Với sự động viên của mọi người trong nhà anh đi học nghề rồi mở một cửa hàng chữa xe máy, xe đạp, kiêm thêm nghề đổi nước. Trước anh dùng xe lăn, sau đó nhờ Hội anh được hỗ trợ một chiếc máy 3 bánh, anh dùng để đi lại hằng ngày. Anh được Hội Người khuyết tật Bảo Lộc cử đi tham dự nội dung xe lắc.
|
VĐV Lò Văn Dũng |
Còn anh Lò Văn Dũng, 45 tuổi, người ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn, Đơn Dương, có phần may mắn hơn khi còn đi lại được bằng chiếc nạng gỗ. Năm lên 10 tuổi anh bị một tai nạn, trật khớp và bị co rút toàn thân. Gia đình chữa chạy “tổng lực” tiền bạc cạn kiệt anh mới đỡ bệnh, nhưng một chân teo hẳn, chân còn lại cũng không bình thường. Anh đã làm đủ việc để kiếm sống, hiện đã có gia đình, vợ anh cũng là người khuyết tật, bị teo cả 2 chân phải sử dụng đôi nạng đi lại. Hai vợ chồng anh sinh sống bằng nghề kéo len máy, nhưng vài tháng nay anh cho biết đứt hàng, không có việc để làm, chỉ xoay xở bằng tiền trợ cấp của nhà nước trên 700 nghìn đồng cho cả hai vợ chồng. Niềm hy vọng nhất của vợ chồng anh hiện nay là cậu con trai đang học lớp 6, đang xin phép trường nghỉ học ngày thứ bảy để hộ tống cha đi thi đấu thể thao.
Khi tất cả đều chiến thắng
Một thống kê của ngành chức năng cho biết, Lâm Đồng có đến gần 85 nghìn người khuyết tật, trong đó có trên 12 nghìn người được cấp giấy xác định mức độ khuyết tật theo dạng.
Như bà Quảng Thị Ngọc Thạch, Hội trưởng Hội Người khuyết tật Đức Trọng cho biết, rất khó để một người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng theo nghĩa đầy đủ của cụm từ thường nói này. Trước nhất là không dễ kiếm được việc làm để mưu sinh, vì ít có nếu không muốn nói là không có cơ quan, xí nghiệp nào “can đảm” nhận người khuyết tật vào làm việc; không có máy móc bố trí cho người khuyết tật, không có đường đi bố trí cho người đi xe lăn, không có chỗ sinh hoạt riêng cho người khuyết tật… Rất nhiều thứ bất tiện mà người khuyết tật phải đối mặt với đời thường, như bà Thạch cho biết, mà người bình thường rất khó thấy được. Còn với TDTT thì số người khuyết tật tiếp cận được cực kỳ hiếm.
Đây là lần đầu tiên Lâm Đồng tổ chức một giải thể thao dành riêng cho người khuyết tật như thế với trên 90 VĐV tham dự trong 2 bộ môn điền kinh và cờ vua. Trong điền kinh có rất nhiều nội dung như chạy 100m, chạy 200m nam nữ, đua xe lắc, xe lăn. Giải như ông Vũ Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nhận xét, là nỗ lực của tỉnh để phát động phong trào vận động người khuyết tật cùng tham gia tập luyện, thi đấu thể thao, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.
Phải đến để thấy nỗ lực của từng VĐV khi tham gia lẫn công sức của Ban tổ chức để tổ chức được một giải như thế. Có trường hợp tham gia chạy 100m khi mọi người đã sẵn sàng thì VĐV nghễnh ngãng đi đâu không biết, Ban tổ chức phải cử người đi tìm đưa vào vị trí. Có trường hợp đang chạy thì rớt dép (chân không mang giày được), phải quay lại lấy dép trong tiếng cổ vũ của người xem. Có trường hợp xe lăn đang chạy bỗng xẹp lốp, Ban tổ chức phải bế VĐV qua xe khác để thi tiếp… Trên hết tại cuộc thi này chính là niềm vui của những người kém may mắn trong cuộc đời khi được dự một giải thể thao như vậy. Họ đến với nhau, tay bắt mặt mừng, trò chuyện, chia sẻ, để cảm thông và được cảm thông, để thấy mình như là một con người bình thường, được trổ tài, được vỗ tay cổ vũ, được nhận huy chương. Đây là một cuộc thi không có kẻ thắng người thua, mà tất cả mọi VĐV tham dự đều là người chiến thắng.
Trên bình diện quốc tế, theo sau Thế vận hội Olympic là giải Para Olympic dành cho người khuyết tật; tại Á Vận hội, Đại hội Thể thao Đông Nam Á cũng vậy. Đã là muộn nhưng vẫn chưa muộn khi đến nay Lâm Đồng mới tổ chức được một giải thể thao như vậy. Khi chia tay rất nhiều VĐV đã hẹn sang năm sau sẽ cùng gặp lại tại giải lần thứ hai.
Viết Trọng