Học đường là nơi tốt nhất để bắt đầu rèn luyện thể dục thể thao, trong đó có bộ môn bóng đá.
Học đường là nơi tốt nhất để bắt đầu rèn luyện thể dục thể thao, trong đó có bộ môn bóng đá.
Khi bóng đá là môn học tự chọn
Theo ông Trần Hải - cán bộ phòng Trung học - Sở Giáo dục (GD) - Đào tạo Lâm Đồng, giáo dục thể chất là một bộ phận quan trọng trong giáo dục học đường hiện nay, hướng đến những thế hệ học sinh toàn diện về kiến thức lẫn thể chất, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, rèn luyện nhân cách, đạo đức, ý chí, tính kỷ luật, xây dựng một nếp sống lành mạnh, yêu thể thao, thích vận động, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong lớp trẻ.
Chính vì vậy, ngành Giáo dục Lâm Đồng trong những năm qua, theo ông Hải, luôn nỗ lực đẩy mạnh giáo dục thể chất trong trường học cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong học đường đã có những chuyển biến đầy tích cực đáng ghi nhận, phản ánh rất rõ trong việc từng bước đa dạng hóa cách thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT, trong đó, chú ý đến hình thức sinh hoạt câu lạc bộ trường học với thầy, cô giáo trực tiếp hướng dẫn. Những trò chơi dân gian, những môn thể thao dân tộc, các môn thể thao quần chúng phổ biến tại địa phương Lâm Đồng cũng dần được vào các câu lạc bộ sinh hoạt học đường này thông qua phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có môn bóng đá.
|
Một giải bóng đá học sinh trong hè do thành phố Đà Lạt tổ chức |
Bóng đá theo đánh giá của Sở GD Lâm Đồng, đã được học sinh hầu hết các trường trong tỉnh hưởng ứng, tích cực tham gia tập luyện và thi đấu. Mặc dù còn không ít trường học còn hạn chế về sân bãi tập luyện và trong bậc tiểu học chưa đủ giáo viên hướng dẫn (do hầu hết là các cô giáo, không được dạy chuyên sâu bóng đá trong trường sư phạm) nhưng bóng đá ngày càng phát triển và được đông đảo học sinh chọn lựa như là một môn học tự chọn đặc biệt trong giáo dục thể chất ở hầu hết các trường trung học cơ sở.
Khảo sát của Sở GD Lâm Đồng cho biết, tính đến tháng 6/2015, trong bậc tiểu học đã có trên 18.400 học sinh trong tổng số trên 120 nghìn học sinh trong tỉnh chọn môn bóng đá để tập luyện, trong đó có trên 2.500 học sinh nữ. Trong bậc trung học cơ sở có trên 23.500 học sinh chọn môn bóng đá trong tổng số trên 81 nghìn học sinh đang học, trong đó cũng có trên 5.500 học sinh nữ. Còn trong bậc trung học phổ thông có trên 10.700 học sinh chọn lựa bóng đá để tập luyện trong tổng số trên 43.500 học sinh toàn tỉnh, trong đó có trên 2.800 học sinh nữ.
Bóng đá đến nay đã được đưa vào lịch trình thi đấu các môn thể thao học đường hàng năm tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều địa phương như Đức Trọng chẳng hạn, hàng năm gần như toàn thể 100% các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn cùng tham gia giải bóng đá học sinh do ngành GD phối hợp với Trung tâm Thể thao huyện tổ chức trong hè, hoặc như Trường THCS - THPT Chi Lăng tại Đà Lạt thường xuyên tổ chức giải bóng đá toàn trường trong mỗi năm học và đến nay đã trở thành giải truyền thống hàng năm.
Để bóng đá học đường phát triển
Với trách nhiệm của mình, ngành GD Lâm Đồng lâu nay theo ông Hải đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh nhất là các trường có điều kiện sân bãi cùng đội ngũ giáo viên thực hiện môn học tự chọn là bóng đá trong chương trình thể dục, thực hiện việc giảng dạy xuyên suốt cho các cấp học. Các trường học cũng được khuyến khích phối hợp với các đoàn thể trong trường, cụ thể là Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên để tổ chức giải bóng đá học sinh trong trường hàng năm; thành lập các CLB hoạt động ngoại khóa trong đó có CLB Bóng đá, khuyến khích giáo viên dạy bóng đá và các trường tổ chức các giải bóng đá các cấp học cho học sinh của mình.
Để bóng đá học đường tại Lâm Đồng phát triển hơn nữa vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Trước nhất theo ông Hải cần có các lớp tập huấn của ngành Thể thao Lâm Đồng dành cho đội ngũ giáo viên thể dục trong các trường học, trong đó chú ý đến kỹ năng và cách thức phát triển bóng đá trẻ trong trường học. Do hầu hết đội ngũ giáo viên thể dục trong trường được đào tạo khá rộng, rất cần được bổ sung về kiến thức làm bóng đá trẻ, đặc biệt là cho bậc tiểu học vì đây là bậc học đầu tiên làm cho học sinh yêu thích và gắn bó với bóng đá sau này, trong khi đó, hầu hết giáo viên thể dục ở bậc tiểu học là nữ và bậc học này cũng đang thiếu giáo viên thể dục.
Về cơ sở vật chất, mặc dù sân chơi, bãi tập, công trình thể thao ở trường học các cấp học gần đây đã được đầu tư nhiều nhưng nhìn chung vẫn còn rất thiếu, nhiều trường học ở địa bàn thành phố, trung tâm huyện chỉ đủ sân chơi cho học sinh.
Để TDTT học đường, trong đó có bóng đá phát triển, theo ông Hải cần có sự phối hợp tốt hơn nữa của 2 ngành GD và Thể thao, đặc biệt là ở cấp huyện, thành và cấp xã, phường trong việc tổ chức các hoạt động, các giải đấu thể thao cho học sinh các cấp trong năm học và trong các dịp hè. Các địa phương, nhất là cấp xã, phường nên tạo điều kiện để các trường học trên địa bàn sử dụng cơ sở vật chất sân bãi của địa phương cho giáo dục thể chất, tạo sân chơi cho học sinh. Với cấp tỉnh sắp đến ngành GD và ngành Thể thao nên có các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ TDTT cho giáo viên thể dục, trong đó có bộ môn bóng đá để các trường học đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về giảng dạy và phát triển phong trào, đồng thời tỉnh cũng cần sớm biên soạn chương trình đào tạo bóng đá trẻ - nhi đồng cho các lứa tuổi để dùng giảng dạy trong trường học.
Gia Khánh