Để sinh viên cùng chơi thể thao

09:02, 18/02/2016

Lâm Đồng hiện có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng trên địa bàn. Hoạt động TDTT trong các trường đại học, cao đẳng là bước tiếp nối của thể thao học đường trong bậc phổ thông nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn diện về trí lực lẫn thể chất cho học sinh, sinh viên. 

Lâm Đồng hiện có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng trên địa bàn. Hoạt động TDTT trong các trường đại học, cao đẳng là bước tiếp nối của thể thao học đường trong bậc phổ thông nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn diện về trí lực lẫn thể chất cho học sinh, sinh viên. 
 
Một giải thể thao tổ chức tại Đại học Đà Lạt
Một giải thể thao tổ chức tại Đại học Đà Lạt
Khi sinh viên “ngại vận động”
 
Hai trường đại học trên địa bàn Lâm Đồng là Đại học Đà Lạt và Đại học Yersin tại Đà Lạt; 6 trường cao đẳng gồm 5 trường ở Đà Lạt: Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng và Cao đẳng Du lịch Đà Lạt; tại Bảo Lộc có Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc. Sinh viên theo học các trường này, nhất là các trường cao đẳng, chủ yếu là người trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Ước tính mỗi năm các trường trên đào tạo hơn 20 nghìn sinh viên.
 
Giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trong học đường trong đó có trường phổ thông và nối tiếp sau đó là các trường đại học, cao đẳng lâu nay luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách giáo dục hiện nay. Không chỉ tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, nâng cao thể trạng, tầm vóc mà còn góp phần không nhỏ trong hình thành nhân cách, bồi dưỡng đạo đức, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. 
 
Tuy nhiên, theo thạc sỹ Trần Quốc Hùng - Trưởng khoa GDTT - Đại học Đà Lạt, dù đã được qui định là một môn học bắt buộc nhưng GDTC trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay nhìn chung vẫn chưa được chú trọng một cách đúng mức. Có thể thấy rõ nhất là việc cơ sở vật chất trang thiết bị tập luyện chưa được đầu tư đầy đủ, nội dung môn học chưa được hấp dẫn nên chưa tạo được sự ham thích cho sinh viên. Rất nhiều sinh viên xem nhẹ GDTC, coi đây chỉ là một môn phụ, mỗi khi đến giờ thì học và tập luyện một cách miễn cưỡng, đối phó. Khảo sát của Đại học Đà Lạt cho biết, trong thời gian rảnh không ít sinh viên thích ra quán ngồi tán gẫu hơn là đến sân tập luyện và chơi thể thao. Lý do đưa ra là “ngại vận động”, “không có thời gian”, nhiều sinh viên không ngại ngùng nói thẳng rằng “không hứng thú”.
 
Trong giảng dạy GDTC, mỗi trường hiện đều làm theo cách của mình, mỗi nơi mỗi kiểu, chẳng thống nhất với nhau. Như tại Lâm Đồng, nhiều trường dạy chỉ 60 tiết, Đại học Đà Lạt dạy 90 tiết; trong khi đó, nhiều trường trong nước sinh viên phải học đến 150 tiết mới được cấp chứng chỉ như Đại học Cần Thơ, Đại học Qui Nhơn, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM…
 
Cùng đó, theo ông Hùng, phong trào thể thao trong khối đại học, cao đẳng hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Nhiều trường để tiết kiệm chi tiêu theo qui chế nội bộ nên các giải đấu thể thao truyền thống lâu nay đang bị co hẹp dần; không đủ kinh phí, nên các trường cũng ngại và rất ít cử sinh viên tham gia các giải đấu liên trường và của toàn quốc. Hiện nay chỉ còn mỗi bộ môn bóng đá có nguồn tài trợ từ Tập đoàn Viettel nên còn tổ chức hằng năm, các giải thi đấu thể thao sinh viên toàn quốc lâu nay như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, điền kinh… do không tìm được nhà tài trợ nên Hội Thể thao Đại học và chuyên nghiệp Việt Nam cũng không thể tổ chức thường xuyên được. 
 
Cần đa dạng hóa thể thao học đường
 
Nâng cao chất lượng GDTC trong học đường ở các trường đại học, cao đẳng theo ông Hùng, là một việc làm cấp thiết hiện nay. Trước nhất, các trường học trong khối đại học, cao đẳng cần tuân thủ chỉ đạo của ngành trong công tác GDTC, cải tiến chương trình giảng dạy theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, trình trạng sức khỏe của người học, bậc học. Cùng đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy GDTC trong trường phải có đủ trình độ chuyên môn, có năng khiếu thực hành động tác kỹ thuật, có lý luận và phương pháp sư phạm. Các trường cần đầu tư ít nhất là ở mức cơ bản về cơ sở vật chất, sân bãi, thiết bị dụng cụ TDTT để phục vụ cho công tác giảng dạy và tập luyện của sinh viên. 
 
 Người dạy GDTC theo ông Hùng cũng cần thay đổi cách dạy để tạo ra không khí thi đua trong lớp học, biết cách nâng cao năng lực giảng dạy để tạo hứng thú cho sinh viên, đặc biệt là phải biết cách sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp và linh hoạt, mỗi tiết dạy nếu được nên áp dụng phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu, liên tục cổ vũ, khích lệ và động viên để tạo động lực cho sinh viên; đưa chỉ tiêu phấn đấu ở từng nội dung và trong từng bộ môn, cải tiến giáo trình phù hợp với nhu cầu và sở thích sinh viên.
 
Để thu hút sinh viên đến với thể thao học đường, các trường cũng cần đa dạng hóa các hoạt động TDTT trong trường, tiến đến thành lập các câu lạc bộ (CLB) thể thao theo sở thích, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường. Đồng thời, trường cũng cần xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thường niên trong năm ở cấp khoa và cấp trường; thông qua các giải đấu này nhà trường sẽ chọn thành viên vào đội tuyển trường tham gia các giải đấu cao hơn. Trường cũng nên có chính sách khen thưởng kịp thời các sinh viên có thành tích đóng góp cho phong trào TDTT của trường, tăng cường giao lưu với tỉnh sở tại và với các trường bạn trong tỉnh, trong khu vực, cử đội tuyển tham gia các giải đấu của Hội Thể thao Đại học và chuyên nghiệp Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam…
 
Đồng thời các trường học cũng cần tháo bỏ “tháp ngà” do mình dựng nên bằng cách mở rộng quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài trường, với các đơn vị hoạt động TDTT của tỉnh, hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDTC của trường, thu hút nguồn tài trợ để tổ chức các giải đấu thể thao cấp trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên lựa chọn và tập luyện một môn thể thao mình yêu thích, phù hợp sức khỏe và thời gian học tập của mình.
 
VIẾT TRỌNG