Xuân trong võ Việt

09:02, 03/02/2016

Trong kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam có những bài quyền đậm chất xuân độc đáo, lấy cảm hứng từ mùa xuân, từ  hoa mai nở, từ đàn én lượn rộn ràng báo đất trời xuân sang.

Trong kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam có những bài quyền đậm chất xuân độc đáo, lấy cảm hứng từ mùa xuân, từ  hoa mai nở, từ đàn én lượn rộn ràng báo đất trời xuân sang.
 
Một thế trong bài Yến Phi Quyền
Một thế trong bài Yến Phi Quyền
1- Không phải vô cớ mà khi nói đến Võ cổ truyền dân tộc nhiều nhà nghiên cứu võ học ở Việt Nam đã xưng tụng rằng “Thứ nhất Lão Mai, thứ hai Ngọc Trản”. Lão Mai hay cây mai già và Ngọc Trản - chiếc chén ngọc, là hai bài danh quyền, ai học “võ Ta” (gọi như thế để phân biệt với “võ Tàu, võ Tây”) cũng đều biết đến. Đây là một trong những bài quyền quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong các kỳ thi lên đai đẳng, thi đấu, biểu diễn; vốn là bài võ thuật truyền thống của nhà Tây Sơn - Bình Định. 
 
Giống như hoa đào ở phía Bắc, hoa mai là biểu tượng xuân về của đất trời  phương Nam. Với những người miền Trung, người quê Bình Định, nơi xuất phát của bài quyền này, hoa mai vàng nở báo hiệu một cái Tết lại đến. Ở cái xứ nắng cháy quanh năm này, hoa mai được trồng trước cửa, trong sân vườn, quanh hàng rào, mai mọc hoang trên núi, cứ đến dịp cuối năm, chủ nhà lên núi tìm mai, hay ra vườn hái bỏ toàn bộ lá, chuẩn bị cho mùa mai xuân đến. Mai là cây hoa quý của người dân nơi đây, tết đến chỉ cần một nhành mai cắm vào bình đặt trên bàn khách vắt lên một vài tấm thiệp chúc xuân nữa là thấy tết đến, thi vị hơn đêm giao thừa có thể thức xem từng nụ mai nở chờ xuân. Những năm gần đây, đất Bình Định nổi tiếng với những làng chuyên canh mai mùa tết bán cả trong Nam ngoài Bắc, có những chậu mai cội bán đến vài trăm triệu là chuyện thường.
 
Nói đến mai là nói đến sự kiên trì, sức chịu đựng bền bỉ. Trong cái nóng bức khô hạn, mai vẫn xanh tươi, những tháng trời đông rét buốt mai rụng hết lá trơ cành để tự bảo vệ mình. Và như một điều kỳ diệu của đất trời, chỉ chớm xuân sang, hàng nghìn hàng vạn cây mai cùng tuôn ra những nụ xanh biếc trên cành tưởng như chết khô, nở rộ thành những nụ hoa vàng rực điểm tô cho đất trời. Nói đến mai cũng là nói đến niềm hy vọng, lạc quan, sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng, là lời động viên cho những con người dù gặp bao nghiệt ngã, khốn khó nhưng vẫn luôn vững vàng như một gốc mai già để chờ xuân đến hoa nở rợp trời. 
 
Việc mô phỏng các động tác tư thế chiến đấu của các con thú (hổ, rắn, dê, trâu, khỉ, gà…) là điều vẫn thường thấy trong các bài quyền, thế võ của rất nhiều quốc gia, điển hình như ở võ Tàu, nhưng lấy hoa làm cảm hứng để sáng tác quyền với những đường nét hoa mỹ cũng là một điều độc đáo. Chính trong cái nền hoa mai nở rực rỡ trong mùa xuân đó, bài quyền Lão Mai đã có mặt. 
 
Theo võ sư Trương Văn Bảo, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Lâm Đồng, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, bài quyền Lão Mai với 10 câu thiệu, chứa nhiều thế và liên thế chiến đấu rất độc đáo. Đứng trước bất cứ mối nguy nào uy hiếp mình, người học võ cũng phải luôn vững vàng, chân trụ tấn vững chắc, tay khấu quyền chặt chẽ tỏ ra uy nghi như cây mai già trước gió như lời câu thiệu mở đầu: “Lão mai độc thọ nhất chi vinh”. Trong khí khái đó, như tinh thần của bài quyền, người nhà võ tùy cơ ứng biến, có lúc cần xuất chiêu nhẹ nhàng như bướm lượn (thế “Hồ điệp song phi”), có lúc mạnh mẽ như rồng cọp tranh hùng, có lúc thư thả, tự tại như ông già ngồi chống gậy “Lão bạng sinh”, lại có lúc nhẹ nhàng như cánh hoa bay bay trong gió. (Bài thiệu này được Lão võ sư Phạm Đình Trọng, người Đà Lạt chuyển thành một bài thơ lục bát 20 câu rất hay, giải thích và minh họa thành từng thế rất cụ thể).
 
2- Nhưng võ Việt không chỉ có hoa mai nở mà còn có nét rộn ràng của chim én chào đón xuân sang. Đó là bài “Yến Phi Quyền”, một bài danh quyền của Võ cổ truyền Bình Định, tương truyền do Nguyễn Huệ sáng tạo dựa trên nền 3 bài quyền khác là Thần Đồng, Lão Mai và Ngọc Trản để các nghĩa binh Tây Sơn tập luyện trước lúc hành quân ra bắc. 
 
Nét độc đáo của bài quyền này là lời thiệu viết bằng thơ lục bát rất Việt, với 9 câu rất dễ nhớ, dễ thuộc: “Bước vào biến thế Yến Phi/tam câu tam đả tức thì làm xong/Rồi lại biến thế Thần Đồng/Hồi về yến bãi chực phòng song phi/Phi rồi cuốn cánh nép vi/Lập thế bộ hổ hồi về Triệu Công/Ví dù nó có lướt xông/Thì ta biến thế Phượng hoàng một chân/Bái tổ sư lập như tiền”.
 
Một buổi sáng cuối năm trời đẹp, người viết đã được xem Nguyễn Thị Bảo Trâm, người Đà Lạt, một học trò của võ sư Trương Văn Bảo, biểu diễn bài quyền Yến phi này với các động tác mềm mại rất đẹp mắt. Theo võ sư Trương Văn Bảo, Yến Phi Quyền có nét độc đáo riêng của một bài quyền thuần túy võ Việt, mô phỏng các động tác lướt, lách, tránh của chim én, thân pháp uyển chuyển, thủ pháp có biên độ rộng, tốc độ nhanh, linh hoạt trong các thế tấn công hay phòng  ngự, phù hợp với lối đánh của võ cổ truyền Việt với một số kỹ thuật tiêu biểu là dùng cạnh bàn tay (cương đao), các đầu ngón tay (thủ chỉ), các ngón tay bấu lại như móng chân chim (ưng trảo), hoặc tượng hình móng cọp (hổ trảo), nắm đấm (thôi sơn), cùi chỏ (phượng dực) kết hợp với các tư thế trung bình tấn, trảo mã tấn, đinh tấn, hạ mã tấn, hạc tấn và kỹ thuật đá bay (song phi)…
 
Tuy là một bài quyền độc đáo không khó học và biểu diễn như VĐV Nguyễn Thị Bảo Trâm cho biết, nhưng vì sao lâu nay Yến Phi Quyền ít được phổ biến, rất ít người học võ biết và sử dụng được. Theo võ sư Bảo bởi do quan niệm lâu nay của các võ sư tiền bối là giữ lại những “bí kiếp võ công”, chỉ dạy trong dòng tộc, không truyền ra người ngoài. Đích thân cố võ sư Lê Văn Vân, cựu trưởng tràng của phái Bình Định Sa Long Cương đã mạnh dạn phá bỏ tập tục này, tự ông dã dạy rộng rãi cho mọi học trò, viết sách, quay phim, diễn giải các thế cho môn sinh, nhờ vậy bài quyền mới được nhiều người biết đến rộng rãi như hiện nay.
 
3- Võ thuật không chỉ là quyền cước, không chỉ là những trận đấu thắng thua trên thảm đấu, trên võ đài, không chỉ là những tấm huy chương trái phải hai mặt mà theo võ sư Trương Văn Bảo, võ thuật còn mang trong đó những triết lý độc đáo mang ý nghĩa nhân sinh, những khung trời viễn mộng, đầy ắp bầu rượu túi thơ. Tập luyện võ thuật không chỉ mang lại sức khỏe thể chất mà còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần, giáo dục nhân cách sống cho người tập luyện rất lớn. 
 
Trong dòng chảy võ thuật đó, nếu chịu khó nghiên cứu sẽ thấy sự giao thoa độc đáo của những dòng văn hóa, dòng võ thuật đến từ mọi miền, từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong võ Tàu có Mai Hoa Quyền thì chúng ta cũng có bài Lão Mai; võ Việt có Yến Phi Quyền thì Karate của Nhật Bản cũng có Empi (Yến Phi). Dù hai quốc gia Việt Nhật thời gian, không gian, hoàn cảnh xã hội khác nhau nhưng lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị, cả hai bài quyền cùng mô phỏng các động tác của loài chim én theo cách riêng của môn võ mình. 
 
Là một người am tường rất nhiều môn võ, theo võ sư Trương Văn Bảo, võ cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là võ Bình Định thể hiện một số đặc điểm rất riêng, thường là võ trận, sử dụng trong trận mạc, trong chiến đấu chống ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên hoang dã cho nên thích hợp với nhiều loại địa hình, mang tính thực dụng cao, linh hoạt, hiệu quả, lấy công làm thủ, lấy nhu thắng cương, lấy ngắn đánh dài, đánh cận chiến rất hay, sử dụng thuần thục các đòn thế tấn công dùng chỏ và gối kết hợp mang tính sát thương cao. Đặc biệt các bài quyền đều có lời thiệu bằng thơ phú để người học dễ nhớ, dễ thuộc, dễ phổ biến. Chính điều này đã làm cho dòng chảy của võ Việt luôn trường tồn trong lòng dân tộc.
 
Gia Khánh