Mãi cho một tình yêu bóng bàn

08:07, 25/07/2019

Cứ mỗi lần tham dự lễ khai mạc các giải bóng bàn lớn của tỉnh lại thấy những khuôn mặt quen thuộc ấy - những tay vợt từng gắn bó rất lâu với phong trào bóng bàn Lâm Ðồng, có người hầu như gắn bó cả đời với tình yêu môn thể thao này.

Cứ mỗi lần tham dự lễ khai mạc các giải bóng bàn lớn của tỉnh lại thấy những khuôn mặt quen thuộc ấy - những tay vợt từng gắn bó rất lâu với phong trào bóng bàn Lâm Ðồng, có người hầu như gắn bó cả đời với tình yêu môn thể thao này.
 
Bà Trần Thị Việt Ngữ
Bà Trần Thị Việt Ngữ
Thay đổi nhờ thể thao
 
Khi nói đến bóng bàn nữ trung cao tuổi của Lâm Đồng phải nhắc đến các tay vợt nữ của Bảo Lộc. Đội bóng bàn nữ trung cao tuổi của Bảo Lộc hầu như chiếm ưu thế, giành rất nhiều giải cao tại giải bóng bàn trung cao tuổi toàn tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây. Một trong những tay vợt này là bà Trần Thị Việt Ngữ. 
 
Năm nay 56 tuổi, bà Ngữ nhà ở phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, là một giáo viên dạy đàn và dạy Anh văn ở nhà, chỉ chơi bóng bàn trong chừng hơn 13 năm gần đây nhưng huy chương từ giải thành phố lẫn cấp tỉnh rất nhiều. “Không nhớ hết được, năm nào cũng có vài huy chương, đánh đơn, đánh đôi, không vàng, không bạc cũng được đồng” - bà cười.
 
Lý do bà đến với bóng bàn cũng khá đơn giản: theo lời khuyên của bác sỹ. Đó là vào năm 2006, lúc đó bà bị nhiều bệnh lắm, đáng kể trong đó là thoái hóa đốt sống lưng. Bà phải đi “trình diện” bác sỹ hoài, thuốc thang cứ uống nhưng chẳng thấy thuyên giảm gì, thế là bác sỹ nhẹ nhàng bảo bà nên chọn một môn thể thao để chơi. 
 
Rồi bà đi chơi bóng bàn vì môn này thấy vận động cũng nhẹ, chơi trong nhà, đông người chơi nên vui, nắng mưa chơi cũng được. Lúc đầu vận động nhẹ, rồi từ từ bà nâng tốc độ lên dần, chừng khoảng 1 năm vận động, bà đã nhanh nhẹn như người bình thường, bệnh tình giảm hẳn. 
 
Chỉ trong chừng 4 năm siêng năng tập luyện cùng các thành viên trong nhóm nữ trung cao tuổi của thành phố Bảo Lộc, bà Ngữ đã vô địch đơn nữ giải trung cao tuổi của tỉnh trong năm 2010 và 2011 ở nhóm lứa tuổi 45 trở lên. Bà cũng từng giành Huy chương Vàng vô địch tỉnh đôi nữ trung cao tuổi. Trong giải Vô địch tỉnh và giải Trung cao tuổi toàn tỉnh năm 2019 trong tháng 6 vừa qua bà giành được 3 Huy chương Bạc, trong đó có Huy chương Bạc đơn nữ; Huy chương Bạc đôi nữ giải Trung cao tuổi, tấm Huy chương Bạc còn lại trong nội dung đồng đội nữ giải Vô địch tỉnh. 
 
Và chính nhờ thể thao, nhờ bóng bàn đã làm bà khỏe mạnh trở lại, chẳng cần thuốc thang như trước nữa. “Có thể nhờ mình vận động nhiều, đúng cách, mỗi ngày tập đều đặn chừng 1 - 2 tiếng, được gặp gỡ mọi người nói chuyện, cười vui nên tinh thần vui vẻ, bệnh tật hầu như giảm hẳn rồi” - bà cười vui.
 
Điều đáng mừng những năm gần đây mỗi khi có giải tỉnh ở Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc đã hỗ trợ chi phí xe cộ đi lại cho đội nữ trung cao tuổi dự giải tỉnh. Dù số tiền hỗ trợ này không nhiều so với số tiền các thành viên tự bỏ ra khi dự giải tỉnh ăn ở dài ngày, nhưng nó có giá trị động viên tinh thần rất lớn. 
 
Thể thao, bóng bàn theo bà Hương đã tác động tích cực đến cuộc sống của bà hiện nay theo hướng tích cực “Tôi thấy mình năng động hơn, vui cười hơn rất nhiều, trẻ ra, vậy thì sao lại không chơi bóng bàn được” - bà tươi cười.
 
Ông Phạm Ngọc Long
Ông Phạm Ngọc Long
Người mang biệt danh “Long phản xoáy”
 
Với phong trào bóng bàn đang phát triển rất mạnh, Đà Lạt hiện nay có không ít những câu lạc bộ bóng bàn hoạt động theo hình thức xã hội hóa đào tạo trẻ hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, có một địa chỉ mà giới chơi bóng bàn, đặc biệt là trong giới những người lớn tuổi chơi bóng lâu năm ở Đà Lạt không thể không nhắc đến, đó chính là Câu lạc bộ Nguyễn Công Trứ trên đường Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt. Ông Phạm Ngọc Long - người mang biệt danh “Long phản xoáy” chính là một trong những thành viên nòng cốt nhiều năm của câu lạc bộ này.
 
Năm nay 61 tuổi, người Đà Lạt, ông Long đến với bóng bàn từ năm 10 tuổi và gắn bó với nó từ đó đến nay. “Nhà tôi có truyền thống chơi bóng bàn, 12 anh chị em trong nhà nhưng đã có đến 11 người biết chơi từ nhỏ” - ông cho biết. Hiện nay có một người cháu ruột của ông, Hoàng Quốc Bảo, cũng là tay vợt tên tuổi từng vô địch tỉnh, hiện đang công tác tại Điện lực Lâm Đồng. 
 
Làm nghề tự do, đôi lúc bận rộn nhưng trong suốt hơn 50 năm nay ông Long cho biết ngày nào cũng cố thu xếp để có thể chơi bóng bàn từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Ngày nghỉ thì có thể thoải mái hơn. Với ông, Câu lạc bộ Nguyễn Công Trứ nơi ông đang sinh hoạt giống như một ngôi nhà chung, nơi đó với trên 70 hội viên, có lớn có nhỏ, có rất nhiều người cùng lứa tuổi ông nhưng cũng có không ít người ít tuổi hơn nhiều đang sinh hoạt, mỗi người đều có thế mạnh của riêng mình trong bóng bàn nhưng đến đây tất cả đều rất hòa đồng. “Không phân biệt lứa tuổi” - ông nói
 
“Không đâu như nơi đây, mỗi tháng mỗi người chỉ đóng 100 nghìn đồng cho tiền điện, vậy thôi. Câu lạc bộ sinh hoạt rất vui, tổ chức rất nhiều hoạt động, thi đấu nội bộ, giao lưu với các tỉnh chung quanh, cứ mỗi khi có giải tỉnh lại vận động mọi người tham gia đánh giải” - ông Long cho biết.
 
Nhờ cú ruột cắt bóng “chống xoáy” của mình, ông Long đến nay luôn là một đối thủ khó chịu cho bất kỳ tay vợt nào. Trong cả một quãng dài trên 50 năm chơi bóng bàn của mình, ông đã từng vô địch giải học sinh, từng chơi bóng nhiều năm cho Tỉnh đội Lâm Đồng khi trong quân ngũ và hiện nay dù ở đội tuổi này nhưng hầu như năm nào khi tham gia giải thành phố và giải tỉnh ông cũng đều giành được huy chương trong đó có cả Huy chương Vàng. Số huy chương trong suốt những năm thi đấu này rất nhiều, theo ông nếu cân ký lên phải nặng từ 3 - 4 kg!
 
Nhưng điều quí nhất theo ông Long, đó chính là nhìn thấy phong trào bóng bàn đang phát triển mạnh tại thành phố này trong đó có những tay vợt trẻ thi đấu rất hay. “Họ chính là những người kế tục tinh thần yêu thể thao, yêu bóng bàn của lớp trước như chúng tôi, tre già măng mọc và nhiều cháu chơi rất hay”. Cùng đó bóng bàn giúp ông có nhiều bạn bè, trong thành phố có, trong tỉnh có, ngoài tỉnh có, “bóng bàn làm cho cuộc sống mình thú vị hơn rất nhiều” - ông suy nghĩ.
 
GIA KHÁNH