US Open - giải quần vợt Grand Slam cuối cùng của năm

06:08, 22/08/2019

Vào đầu tuần đến, từ 26/8 giải Quần vợt Mỹ mở rộng - US Open 2019 - Grand Slam cuối cùng trong năm sẽ bắt đầu và kéo dài đến 8/9. Tuy nhiên, trước đó các trận đấu vòng loại đã diễn ra. 

Vào đầu tuần đến, từ 26/8 giải Quần vợt Mỹ mở rộng - US Open 2019 - Grand Slam cuối cùng trong năm sẽ bắt đầu và kéo dài đến 8/9. Tuy nhiên, trước đó các trận đấu vòng loại đã diễn ra. 
 
Liệu Novak Djokovic có bảo vệ được danh hiệu vô địch trong giải US Open năm nay?
Liệu Novak Djokovic có bảo vệ được danh hiệu vô địch trong giải US Open năm nay?
 
Tiền thưởng lại tăng
 
Đến hẹn lại lên, US Open 2019 - một trong 4 giải lớn (Grand Slam) của làng quần vợt thế giới và là giải lớn cuối cùng trong năm 2019 sẽ bắt đầu trong đầu tuần đến tại thành phố New York của bang New York - Mỹ. 
 
Cũng giống như các Grand Slam khác, US Open được tranh tài trong một tổ hợp thể thao dành cho quần vợt vào hàng hiện đại nhất thế giới hiện nay - tổ hợp Trung tâm Quần vợt quốc gia Billie Jean King của Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA). 
 
Trung tâm này có một hệ thống sân cứng (hard courts) ngoài trời gồm 33 sân, trong đó có 22 sân tại khu vực chính Flushing Meadows - Corona Park và 11 sân trong các công viên kế cận. Tổ hợp này có 3 sân thi đấu vào hàng rộng nhất thế giới hiện nay, trong đó có sân Arthur Ashe có sức chứa đến 23.200 khán giả - tốp đầu thế giới hiện nay. Tất cả 33 sân này đều được phủ mặt sân theo công nghệ Deco Turf với một hỗn hợp acrylic để làm bóng nảy khi chơi. Hằng ngày Trung tâm thể thao này mở cửa rộng rãi cho mọi người đến chơi, chỉ trừ khi có giải lớn, như US Open này chẳng hạn. Tại US Open sẽ có 14 - 15 sân chính nơi đây được sử dụng cho các trận đấu chính thức. 
 
Cũng cần biết thêm một chút về cái tên của Trung tâm này đang mang: Billie Jean King. Đây là tên của một danh thủ quần vợt nữ người Mỹ, sinh năm 1943 tại Long Beach - California, từng xếp hạng số 1 thế giới và từng giành đến 39 Grand Slam trong đời cầm vợt của mình, trong đó có 12 cúp Grand Slam đơn nữ, 16 cúp trong đánh đôi nữ và 11 cúp trong đôi nam nữ phối hợp, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Danh thủ này về hưu năm 1983. 
 
Như mọi Grand Slam, US Open lần này có các nội dung thi đấu gồm đánh đơn (đơn nam, đơn nữ), đánh đôi (đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ). Bên cạnh đó, giải sẽ có các nội dung đánh đơn và đánh đôi cho nam và nữ dưới 18 tuổi; đồng thời có giải dành cho người khuyết tật trên xe lăn gồm đơn nam, đơn nữ và đồng đội. 
 
 Và theo một thông lệ của các Grand Slam những năm gần đây, US Open năm nay lại tăng mức tiền thưởng, từ mức 53 triệu Mỹ kim của năm 2018 lên trên 57,2 triệu Mỹ kim trong năm nay. Cụ thể, 2 tay vợt đơn nam đơn nữ nếu giành cúp vô địch năm nay sẽ bỏ túi 3,85 triệu Mỹ kim, nhiều hơn năm ngoái 50 nghìn Mỹ kim; còn người về nhì sẽ được gần nửa số này thôi (chính xác là 1,9 triệu Mỹ kim). 
 
Nhưng không chỉ giải thưởng cho người vô địch, toàn bộ các tay vợt đánh đơn ở mỗi vòng đấu đều có giải thưởng cụ thể. Chẳng hạn, chỉ cần có mặt tại trận đầu tiên vòng loại đã được 11 nghìn Mỹ kim, vào vòng 128 được thưởng 58 nghìn Mỹ kim; cứ thế, càng vô sâu càng thưởng cao.
 
Nhưng cũng cần biết rằng giải thưởng thường rất cao với các nội dung đánh đơn, còn đánh đôi thì thấp hơn nhiều. Vô địch đôi nam hoặc đôi nữ chỉ được thưởng 740 nghìn Mỹ kim, còn cặp đôi vô địch nội dung nam nữ được thưởng 160 nghìn Mỹ kim mà thôi. 
 
Cũng nói vui một chút rằng trong toàn bộ sự nghiệp của tay vợt nữ Billie Jean King - người được đặt tên cho tổ hợp sân thể thao trên, dù giành được đến tổng cộng 37 Grand Slam nhưng danh thủ này cũng chỉ bỏ túi số tiền thưởng tổng cộng trên1,9 triệu Mỹ kim, khá khiêm tốn, chỉ hơn một chút với người thua trong trận chung kết đơn nữ US Open mùa giải năm nay. Có thể đồng tiền Mỹ thời đó có giá hơn bây giờ chăng, nhưng cũng phải thấy rằng các giải đấu như Grand Slam hiện nay được thương mại hóa triệt để, không chỉ tiền vé vào cửa tăng, tiền thu bản quyền truyền hình tăng, tiền thu quảng cáo cũng tăng vọt… tất cả gộp lại để đẩy mức tiền thưởng cho VĐV lên cao ngút ngàn!
 
Ai sẽ vô địch? 
 
Một danh sách hạt giống của giải đã được Ban tổ chức đưa ra, bao gồm 32 tay vợt nam và 32 tay vợt nữ đánh đơn, cùng đó là bảng xếp hạng các tay vợt hạt giống trong các nội dung đánh đôi. 
 
Trong 32 hạt giống đơn nam này hầu như có mặt đầy đủ các danh thủ hiện nay trong làng quần vợt thế giới, từ Novak Djokovic (người Serbia), Rafael Nadal (Tây Ban Nha), Roger Federer (Thụy Sỹ), Dominic Thiem (Áo), Alexander Zverev (Đức), Kei Nishikori ( Nhật), John Isner (Mỹ)… Chỉ có một tay vợt rút ra khỏi bảng hạt giống này là Juan Martin del Potro (Argentina) do chấn thương đầu gối. 
 
Dẫn đầu bảng hạt giống đơn nam trên chính là Novak Djokovic - đương kim vô địch giải năm ngoái và cũng là tay vợt đang xếp hạng số 1 thế giới hiện nay. Sau một quãng chấn thương, tay vợt này đang dần hồi phục trở lại và “lợi hại hơn xưa”. Cùng với danh hiệu vô địch US Open trong năm 2018, Djokovic sau đó đã giành luôn 2 trong 3 Grand Slam nữa trong năm 2019 tính đến thời điểm này, đó là vô địch Autralian Open và Wimbledon, chỉ trừ chiếc cúp vô địch Roland Garros của Pháp mở rộng trên sân đất nện thuộc về Nadal - vua sân đất nện. Với phong độ ấn tượng này quả khó để các tay vợt còn lại có thể tranh cúp vô địch với Djokovic ngay trên mặt sân cứng vốn dĩ là sở trường của anh. 
 
Với bảng hạt giống 32 tay vợt đơn nữ, từ sau khi Serena Williams (Mỹ) sinh con và trở lại với phong độ khó đạt được như xưa, các tay vợt còn lại đều có sự đổi ngôi rất nhanh từ Grand Slam này đến Grand Slam kế tiếp. Dẫn đầu bảng hạt giống này là Naomi Osaka (đại diện cho Nhật), vốn nổi lên từ việc giành chức vô địch US Open 2019, sau đó giành tiếp vô địch Australian Open 2019, nhưng tay vợt 21 tuổi này từ đó đến nay thi đấu khá thất thường, liệu Osaka có bảo vệ ngôi vô địch của mình được hay không vẫn là câu hỏi. 
 
Tất nhiên, đứng sau Naomi Osaka là hàng loạt các tay vợt khác đều có khả năng tranh chấp danh hiệu vô địch. Đó là Ashleigh Barty (Úc), là Karolina Pliskova (người Czech), là Simona Halep (Romania)…, nhưng cần lưu ý rằng đây là giải đấu trên đất Mỹ và các tay vợt Mỹ như Madison Keys, như Sloane Stephens, như Sofia Kenin có sự cổ vũ của khán giả nhà, đây là một động lực để họ có thể chơi tốt trong những thời điểm then chốt. Và cũng không thể không tính đến sự trở lại của Serena Williams, đang xếp hạt giống số 8 của giải, nếu như tay vợt này hồi phục chấn thương và thể hiện được đẳng cấp của mình. 
 
Cũng cần thấy rằng trong khi nhiều tay vợt có phong cách thi đấu bay bướm, chơi rất hay trong từng trận đấu gặp các đối thủ xếp hạng cao hơn mình nhưng sau đó lại phập phù trong những trận kế tiếp và bị loại thì các tay vợt đẳng cấp lại thường chơi rất từ tốn, nhẹ nhàng, đường bóng nào cần thắng thì thắng, lúc nào nhường thì cứ nhường, họ biết cách giữ sức để tung ra trong những thời điểm cần thiết, chính điều này làm họ tiến rất sâu. Hãy xem US Open năm nay có thêm các khuôn mặt mới đăng quang hay vẫn chỉ là những người cũ?
 
VIẾT TRỌNG