Báo cáo tổng kết "Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020" của tỉnh gần đây cho thấy thể thao quần chúng Lâm Đồng đã có bước phát triển lớn trong 10 năm qua.
Báo cáo tổng kết “Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2020” của tỉnh gần đây cho thấy thể thao quần chúng Lâm Đồng đã có bước phát triển lớn trong 10 năm qua.
Như báo cáo của tỉnh chỉ ra, việc ban hành “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020” của Trung ương cho giai đoạn 2011 - 2020 chính là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong nước, trong đó có Lâm Đồng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phát triển sự nghiệp TDTT phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng tập luyện TDTT của mọi tầng lớp người dân.
|
Yoga đang phát triển rất nhanh tại Lâm Đồng. Trong ảnh: Một lớp tập huấn Yoga của tỉnh tổ chức trong năm 2020. |
Tăng 14% dân số tập luyện TDTT
Có dân số gần 1,3 triệu người, Lâm Đồng có đến 47 dân tộc anh em cùng sinh sống trong tỉnh với ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và sắc thái văn hóa khá phong phú, đa dạng.
Cho đến nay, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lâm Đồng, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” hàng năm đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ vậy, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh không ngừng phát triển. Đến nay số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,2%, tăng 14% so với năm 2011. Số gia đình thể thao đạt 28,3%, tăng 15,8% so với năm 2011.
Hiện trong tỉnh nhiều loại hình thể thao được phát triển như các mô hình câu lạc bộ (CLB), liên đoàn, hội, chi hội thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay toàn tỉnh có 12 liên đoàn, 4 hội thể thao cấp tỉnh, 45 hội, chi hội thể thao và 1.215 câu lạc bộ TDTT cơ sở.
Đến nay, mỗi năm toàn tỉnh Lâm Đồng tổ chức hơn 1 nghìn giải thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở trong 25 môn thể thao, thu hút hằng trăm nghìn VĐV tham dự. Các giải này được tổ chức cho hầu hết các đối tượng trong xã hội, trong đó có các giải cho thanh thiếu niên, nhi đồng, cho thanh niên người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật…
Những năm gần đây, Lâm Đồng trong năm đã tổ chức tháng hoạt động TDTT và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân đồng loạt trên địa bàn ở cả ba cấp, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã; tổ chức phát động toàn dân tập luyện bơi, phòng chống đuối nước, tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn cho công chức, viên chức, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên làm công tác TDTT ở cơ sở và các ngành, đoàn thể liên quan.
Sở VHTT&DL Lâm Đồng cũng chủ động ký liên tịch với các sở, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp triển khai tổ chức các hoạt động để thúc đẩy phong trào TDTT cơ sở. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức hơn 40 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ TDTT cho hơn 5 nghìn học viên là cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác TDTT từ tỉnh, huyện đến xã, thôn, nhằm phát triển phong trào ở cấp cơ sở.
|
Những giải thể thao như giải chạy vượt địa hình tổ chức hằng năm tại Đà Lạt thu hút hằng nghìn VĐV trong tỉnh, trong nước và nước ngoài tham dự |
Tăng cường sân bãi hoạt động TDTT
Tỉnh lâu nay cũng quan tâm bố trí đất để xây dựng công trình TDTT, tăng cường sân bãi, hệ thống thiết chế phục vụ hoạt động TDTT quần chúng trên địa bàn. Đến nay, toàn bộ 12 huyện, thành phố trong tỉnh đều quy hoạch đất dành cho TDTT.
Điều đáng nói, hệ thống cơ sở vật chất dành cho TDTT của tỉnh cũng đang dần được hoàn thiện từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh đến nay cơ bản hoàn thành hạ tầng và đang xây dựng sân vận động 20 nghìn chỗ ngồi; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh hiện đang quản lý, sử dụng khu liên hợp thể thao gồm nhà thi đấu đa năng 800 chỗ ngồi, 1 sân bóng đá 11 người cỏ nhân tạo. Với cấp huyện, hiện có 9 nhà thi đấu đa năng, 5 sân vận động có khán đài và 121 sân vận động dành cho các hoạt động thể thao, văn hóa đang hoạt động. Với cấp xã, đã có 139/142 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa - thể thao, chiếm tỷ lệ 94,5%. Trong các khu dân cư, đã có 1.321/1.541 thôn, khu dân cư có nhà sinh hoạt cộng đồng với sân bãi dành cho hoạt động TDTT, đạt tỷ lệ 85,7%.
Đa dạng hóa các loại hình hoạt động
Lâm Đồng lâu nay cũng rất quan tâm, lồng ghép phát triển TDTT với thể thao giải trí, gắn TDTT với các hoạt động văn hóa, du lịch và đã đạt được những kết quả rất khả quan.
Bên cạnh các môn thể thao truyền thống, địa phương hiện nay đã định hình nhiều hoạt động thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm (như đua xe đạp địa hình, ô tô địa hình, chạy bộ địa hình), phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu, thu hút các giải đấu quốc tế và trong nước đến tổ chức tại Lâm Đồng hằng năm với đông đảo thành phần người tham gia. Tỉnh coi gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương, quảng bá, đưa hình ảnh con người và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp Đà Lạt - Lâm Đồng đến với nhiều người trong nước và quốc tế.
Lâm Đồng trong những năm qua cũng không ngừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT; kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT. Đến nay toàn tỉnh có 391 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao, trong đó có 17 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh TDTT.
Đặc biệt, hằng nghìn CLB TDTT hiện có trong tỉnh đến nay đã phát huy rất tốt vai trò của mình; làm hạt nhân hoạt động trong các khu liên hợp thể thao, các bể bơi, sân quần vợt, sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, phòng tập thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, trong các bộ môn Aerobic, Yoga, nhà tập bóng bàn, cầu lông, các môn võ thuật... Sự có mặt của các CLB này đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng, đa dạng các loại hình TDTT quần chúng, đáp ứng nhu cầu tập luyện của mọi tầng lớp trong xã hội. Đến nay đã có không ít các giải thể thao, hội thi thể thao trong tỉnh được tổ chức với sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân, làm phong phú hóa đời sống và hoạt động TDTT ở cơ sở.
Như Sở VHTT&DL Lâm Đồng đánh giá, phong trào TDTT quần chúng của Lâm Đồng trong 10 năm nay đã ngày càng phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ ở trung tâm các huyện, thành phố mà TDTT nay đã hiện diện trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều đối tượng tham gia, nội dung hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng. Bên cạnh những môn thể thao phổ thông lâu nay như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông…; nay đã có thêm những bộ môn mới nhưng phát triển rất nhanh trong tỉnh như bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, bóng cửa... Phong trào phát triển không chỉ giúp người dân trong tỉnh được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao nhằm tăng cường sức khỏe, mà còn góp phần không nhỏ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phục vụ lao động sản xuất, công tác, học tập; góp phần ổn định, giữ gìn an ninh chính trị và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
VIẾT TRỌNG