Phát triển phong trào bóng rổ học đường

04:12, 25/12/2020

Trong những năm gần đây, môn thể thao bóng rổ được nhiều người yêu thích, nhất là học sinh, sinh viên ở nhiều trường phổ thông và đại học trong tỉnh...

Trong những năm gần đây, môn thể thao bóng rổ được nhiều người yêu thích, nhất là học sinh, sinh viên ở nhiều trường phổ thông và đại học trong tỉnh. Với sự phát triển của phong trào tập luyện thi đấu, bóng rổ đang được kỳ vọng sẽ trở thành môn thể thao phát triển mạnh trong học đường, cho dù để điều này thành hiện thực không phải dễ dàng.
 
Giải Bóng rổ học sinh, sinh viên Lâm Đồng 2020, nơi các CLB Bóng rổ học đường có cơ hội cọ xát, thi đấu và nuôi dưỡng niềm đam mê
Giải Bóng rổ học sinh, sinh viên Lâm Đồng 2020, nơi các CLB Bóng rổ học đường có cơ hội cọ xát, thi đấu và nuôi dưỡng niềm đam mê
 
Lan tỏa môn thể thao học đường
 
Nhận thấy bóng rổ là môn thể thao phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhiều năm qua, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú - TP Đà Lạt đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị để bắt đầu áp dụng cho học sinh của trường tập luyện môn bóng rổ. 
 
Cô Huỳnh Thị Minh Chi - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Lúc đầu, do giáo viên Giáo dục thể chất của trường chưa có chuyên môn về bóng rổ nên Ban Giám hiệu nhà trường đã mời các huấn luyện viên về tập huấn cho các giáo viên Giáo dục thể chất. Đến nay, cùng với các môn bóng đá, Bóng chuyền, môn bóng rổ đã trở thành môn học giáo dục thể chất được đông đảo học sinh trong trường lựa chọn. 
 
Thầy Nguyễn Thanh Thiện - Bí thư Đoàn trường chia sẻ: Hiện tại, trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) thể thao ở khắp các môn Giáo dục thể chất. Riêng môn bóng rổ, nếu tính các em đăng ký sinh hoạt và luyện tập tại CLB thì có 80 em, còn số học sinh tham gia chơi bóng rổ trong trường lên đến hàng trăm em. 
 
Theo thầy Thiện, tại Trường THPT Trần Phú, các em học sinh học tập trung một ca vào buổi sáng. Chính vì vậy, từ đầu giờ chiều trở đi là học sinh của trường tham gia tập luyện và chơi bóng rổ. Để thúc đẩy phong trào tập luyện bóng rổ của học sinh nhà trường ngày càng phát triển, hằng năm, trường đều tổ chức các giải đấu bóng rổ cấp trường nhân các ngày kỷ niệm, lễ, tết như: Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Mừng Đảng mừng Xuân (3-2), ngày thành lập Đoàn (26-3) với sự tham gia của 42 đội đến từ 42 lớp của trường. 
 
Qua đó, trường tuyển chọn những học sinh thi đấu xuất sắc tham gia giải đấu cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức với nhiều kết quả nổi bật như: Giải Nhất bóng rổ nam học sinh, sinh viên năm 2019, giải Ba bóng rổ nam tại giải Bóng rổ học sinh, sinh viên 2020 mới đây, nội dung đội hình 3×3 dành cho lứa tuổi học sinh.
 
Thực tế xây dựng phong trào những năm qua cho thấy, bóng rổ là môn thể thao phù hợp điều kiện ở trường học và nhiều địa phương hiện nay của Lâm Đồng. Một số trường có phong trào phát triển môn bóng rổ mạnh trong tỉnh như: Trường THPT Chuyên Thăng Long, Trường THPT Yersin, THCS Lam Sơn, THCS Phan Chu Trinh (TP Đà Lạt); Trường THPT Đơn Dương; Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Lê Qúy Đôn (Lâm Hà)… 
 
Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần một khoảng không gian phù hợp, có người hướng dẫn và lắp đặt một bộ bảng rổ đúng quy chuẩn là có thể thu hút học sinh tập luyện.
 
Thậm chí, có những trường còn tận dụng gắn rổ bóng lên các bức tường, thân cây trong trường để đáp ứng nhu cầu chơi và tập luyện của học sinh sau giờ học. Nhiều cha mẹ học sinh cũng ủng hộ cho con tập luyện môn bóng rổ bởi nó giúp các em có được sân chơi, môn chơi lành mạnh, tăng tính vận động, tránh việc các em dành quá nhiều thời gian cho máy tính, trò chơi điện tử, gây sức ỳ và sự thụ động cho giới trẻ.
 
Cần thêm những cú huých
 
Trong những năm qua, công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học của ngành GD-ĐT đã nhận được sự quan tâm của các đơn vị, các cơ sở giáo dục về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Sự ủng hộ của gia đình và nhà trường là điều kiện thuận lợi cho môn bóng rổ phát triển mạnh trong học đường, song cũng có những khó khăn nhất định. 
 
Ông Thái Văn Sự - Chuyên viên Giáo dục thể chất, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: Phong trào bóng rổ trong học sinh ở các trường học trên địa bàn tỉnh bắt đầu được các trường học và phòng GD-ĐT các huyện quan tâm và phát triển từ năm 2016. Bộ môn này cũng đã được đưa vào môn thể thao tự chọn để giảng dạy tại các trường. Tuy nhiên, đến nay môn bóng rổ vẫn chưa thể phát triển mạnh và rộng khắp trên toàn tỉnh khi chỉ có một số ít địa phương có phong trào phát triển tại các trường học như TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc…
 
Theo ông Sự, phong trào bóng rổ phát triển không đều là do nhiều trường không có giáo viên giảng dạy chuyên sâu môn bóng rổ. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên môn bóng rổ còn quá ít và hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giảng dạy, tập luyện, phần lớn là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sân tập thể thao cho học sinh là khá phổ biến, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tập luyện còn thiếu và xuống cấp, phải tập luyện nhờ ở các sân bóng hay cơ sở thi đấu của các bộ môn thể thao khác. Một số nơi thành lập được các CLB hay đội bóng, nhưng việc giao lưu thi đấu, tập huấn ít được quan tâm dẫn đến việc các vận động viên chưa có nhiều cơ hội cọ xát, nuôi dưỡng niềm đam mê.
 
Tuy vậy, có thể thấy, sự phát triển của phong trào bóng rổ trong học đường tỉnh Lâm Đồng được thể hiện qua số lượng câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, thi đấu được mở ra ngày càng nhiều. Các giải đấu ở cấp cơ sở, địa phương và cấp tỉnh liên tục được tổ chức với quy mô mở rộng cùng sự tham gia của nhiều vận động viên và sự cổ vũ của đông đảo người hâm mộ. 
 
Hằng năm, Sở GD- ĐT đều phối hợp với các đơn vị tổ chức giải bóng rổ dành cho lứa tuổi học sinh, thu hút nhiều đội bóng đến từ các trường trên toàn tỉnh tham gia. Qua đó, giúp phong trào bóng rổ trong học đường phát triển. Đồng thời, Sở tuyển chọn các em thi đấu tốt tham gia thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.
 
HOÀNG SA