EURO 2020 và bảng đấu tử thần

05:06, 10/06/2021

Ngay tại lễ bốc thăm chia bảng cho Vòng chung kết Euro 2020 tại Buchares - Romania trong cuối tháng 11/2019, bảng F của giải đấu này đã được xác định ngay là "Bảng đấu thần chết"!

Ngay tại lễ bốc thăm chia bảng cho Vòng chung kết Euro 2020 tại Buchares - Romania trong cuối tháng 11/2019, bảng F của giải đấu này đã được xác định ngay là “Bảng đấu thần chết”!
 
Đội tuyển Pháp, ứng viên cho chức vô địch Euro 2020 năm nay. Ảnh: Internet
Đội tuyển Pháp, ứng viên cho chức vô địch Euro 2020 năm nay. Ảnh: Internet
 
Bảng đấu tử thần
 
“Bảng tử thần” hay “Bảng đấu thần chết” là cụm từ được giới bình luận thể thao sử dụng đầu tiên trong bóng đá. Đó là khi do cách đánh giá và phân chia đội hạt giống không đều, khiến nhiều đội mạnh xuất hiện trong cùng một bảng, giành giật nhau cơ hội vượt qua vòng đấu. 
 
Lần đầu tiên cụm từ “Bảng tử thần” xuất hiện tại Giải vô địch Bóng đá thế giới - World Cup 1970 diễn ra ở Mexico. Đó là khi các nhà báo nước chủ nhà gọi bảng 3 của giải (gồm Brazil, Anh, Romania, Tiệp Khắc) là “Bảng đấu tử thần - Grupo de la muerte” trong tiếng Tây Ban Nha, chuyển sang tiếng Anh là “Group of Death”. Năm đó, Brazil trong bảng đấu tử thần này đã vượt qua vòng bảng và lên ngôi vô địch sau đó.
 
Năm 1982, khi World Cup diễn ra tại Tây Ban Nha, giới làm báo nước này lại sử dụng lại cụm từ “Bảng đấu tử thần” này để gọi bảng C giai đoạn 2 khi góp mặt trong bảng có 3 đội siêu mạnh lúc đó là Brazil, Italia và Argentina. Kết quả Italia đã hạ Argentina 2-1, hạ luôn Brazil 3-2 để lọt vào vòng bán kết. Tại trận bán kết họ cho Ba Lan đo ván bằng tỷ số 2-0; rồi trong trận chung kết người Ý lại hạ luôn Tây Đức 3-1 để giành danh hiệu vô địch thế giới. Cũng nói thêm rằng Italia năm này trong đội hình có một cầu thủ rất nổi tiếng, đó là Paolo Rossi. Chỉ riêng trong World Cup này, Rossi đã ghi đến 6 bàn thắng, giành cả danh hiệu “Vua phá lưới” lẫn “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”. 
 
Nhưng phải đến World Cup 1986, khi quay lại Mexico thì cụm từ này đã trở nên phổ biến. Lúc đó 4 đội Uruguay, Đan Mạch, Scotland và Tây Đức cùng rơi vào một bảng - bảng E và giới báo chí đồng loạt gọi đây là “Bảng tử thần”. Tại bảng E này, Tây Đức sau đó đã vượt qua vòng bảng, đi đến tận trận chung kết nhưng lại bị một đội bóng Nam Mỹ - đội Argentina hạ gục 3-2, đành đứng nhìn đội bóng đất nước môn khiêu vũ Tanggo đăng quang vô địch. 
 
Cho đến nay cụm từ “Bảng tử thần” luôn xuất hiện trong các đợt bốc thăm, chia bảng đấu của bóng đá lẫn nhiều bộ môn thể thao khác. Dù nỗ lực hết sức để chia các bảng đấu một cách hợp lý, cân bằng, nhưng trong thực tế rất khó có tiêu chí chuẩn để đánh giá chính xác thế nào là một đội bóng mạnh hay đội bóng yếu trong thời điểm chọn hạt giống chia bảng vì phong độ của từng đội có thể trồi sụt. Ngay trong lúc bốc thăm may rủi, các đội mạnh có thể cũng xuất hiện ngẫu nhiên trong cùng 1 bảng. Chính vì vậy, những đội nào lỡ chui vào bảng đấu chết chóc này cứ phải gồng mình hết sức nếu muốn có cơ hội tiến sâu.
 
Khốc liệt ở bảng F
 
Hầu như giới chuyên môn và các nhà bình luận thể thao đều thống nhất rằng tại Euro 2020 năm nay (diễn ra trong ngày 11/6 trong tuần này và kéo dài đến ngày 11/7), bảng F chính là “Bảng tử thần”.
 
Không là bảng tử thần sao được trong khi các đội hàng đầu châu Âu như Tây Ban Nha, Anh, Ý, Hà Lan đều rớt vào những bảng đấu dễ thở hơn, thì tại bảng F đã xuất hiện đồng loạt 3 đại gia ngang tài ngang sức nhau và đều là ứng viên vô địch cho bất cứ một giải đấu quốc tế nào. Đó là các đội tuyển Pháp, Đức, Bồ Đào Nha; thêm một đội “lót đường” trong bảng là Hungary.
 
Với Hungary, thật “đen” khi nằm trong bảng đấu nghẹt thở này. Họ thật ra cũng không đến nỗi tệ, xếp hạng 37 FIFA, từng vào vòng 1/8 tại Euro 2016, từng giành Huy chương Đồng Euro 1963. Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Còn hiện giờ đội tuyển quốc gia này chìm lỉm trong làng bóng châu Âu. Trong bảng đấu này họ đối diện với cả 3 đối thủ cực mạnh, cả 3 đều nhắm vào họ để kiếm điểm. Cơ hội nào cho Hungary có điểm, cực khó!
 
Trong 3 đội tuyển còn lại, Đức dù không còn mạnh như thời hoàng kim gần đây của mình nhưng vẫn là một “cỗ xe tăng” đáng gờm cho bất kỳ đối thủ nào. Trong lịch sử giải đấu này, Đức từng 3 lần vô địch Euro vào các năm 1972, 1980, 1986; tại Euro 2016 gần đây nhất họ vào đến bán kết. Trong nước, Đức có một giải bóng đá quốc nội mạnh; trong đội hình hiện nay họ rất có nhiều cầu thủ tốt như Timo Werner, Kai Havertz, Florian Neuhaus, Leroy Sane, Sergie Gnabry bên cạnh các ngôi sao nổi danh lâu nay như thủ môn Manuel Neuer, hậu vệ Mats Hummels… 
 
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của tuyển Đức có lẽ nằm trong cách vận hành lối chơi của HLV Joachim Loew. Sau chức vô địch World Cup 2014, thành tích của đội tuyển Đức lại đi giật lùi. Tại World Cup 2018 ở Nga, đội tuyển Đức chơi không mấy thuyết phục, bị loại từ vòng bảng. Gần đây tuyển Đức đã có những bước cải tổ lớn, nhưng họ vẫn khá chật vật lấy vé dự Euro, thành tích các trận giao hữu cũng chẳng được tốt. 
 
Tại lễ bốc thăm năm 2019 khi biết đội mình rơi vào bảng tử thần, HLV Loew đã tự tin rằng “Tôi nghĩ các cầu thủ cũng đang mong chờ những trận đấu này. Mọi đội bóng phải đi đến giới hạn của bản thân nếu muốn vượt lên. Các trận đấu sẽ là ngày hội bóng đá. Ngoài ra, chúng tôi lại được chơi trên sân nhà”. Liệu cỗ xe tăng này có tìm lại được sức mạnh của mình như xưa hay không vẫn là câu hỏi? 
 
Với đội tuyển Bồ Đào Nha, họ bước vào vòng bảng giải đấu này đầy tự tin với tư cách là đương kim vô địch Euro 2016. Dù không có một giải quốc nội mạnh nhưng bù lại trong đội hình bên cạnh danh thủ Cristiano Ronaldo còn có rất nhiều những khuôn mặt trẻ chinh chiến khắp các giải đấu mạnh châu Âu. Điển hình như cầu thủ Bruno Fesnandes (sinh 1994) hiện đang chơi rất hay tại Manchester United với 28 bàn thắng; hay như trung vệ Ruben Dias (sinh 1997), đang chơi cho Manchester City được đánh giá là cầu thủ hay nhất Ngoại hạng Anh mùa vừa rồi.
 
Với một đội hình đồng đều từ công đến thủ như thế, một sự pha trộn hoàn hảo giữa các cầu thủ giàu kỹ thuật và lớp đàn anh nhiều kinh nghiệm như Ronaldo nên HLV Fernando Santos của Bồ Đào Nhà có vẻ không khó đưa đội bóng này vượt qua vòng bảng để tiến sâu hơn trong giải năm nay.
 
Đội bóng cuối cùng trong bảng đấu tử thần này là Pháp - đương kim vô địch World Cup, chính là đội tuyển được đánh giá rất cao, nếu không nói rằng đây là một trong những ứng viên rất nặng ký cho chức vô địch Euro năm nay. 
 
Điều đáng nói nhất trong đội hình tuyển Pháp hiện nay có rất nhiều cầu thủ tài năng, chơi rất hay. Điển hình như Antoine Griezmann (sinh 1991) hiện đang chơi cho Barcelona; Kylian Mbappe (sinh 1998) đang chơi cho PSG; Paul Pogba (sinh 1993) đang chơi cho Manchester United; như N’Golo Kane (sinh 1991) đang chơi cho Chelsea. Cùng đó, trên hàng công đã có sự trở lại của Karim Benzema - chân sút hàng đầu của Real Madrid trong 3 năm qua.
 
Chính vì vậy, bên cạnh lực lượng mạnh Pháp còn có lối chơi rất gắn kết với sự chỉ đạo của HLV Didier Deschamps nên khả năng Pháp không khó để tiến sâu vào giải.
 
GIA KHÁNH