Giảm tiền thưởng ở Roland Garros 2021

05:06, 03/06/2021

Roland Garros - giải Grand Slam lớn thứ nhì trong năm của làng quần vợt thế giới đã quay trở lại trong tuần này, dù có trễ hơn 1 tuần do những tác động của đại dịch COVID-19. 

Roland Garros - giải Grand Slam lớn thứ nhì trong năm của làng quần vợt thế giới đã quay trở lại trong tuần này, dù có trễ hơn 1 tuần do những tác động của đại dịch COVID-19. 
 
Nadal trong chiếc khẩu trang nâng Cúp vô địch Roland Garros mùa giải 2020. Ảnh: Internet
Nadal trong chiếc khẩu trang nâng Cúp vô địch Roland Garros mùa giải 2020. Ảnh: Internet
 
Giảm tiền thưởng
 
Với tuổi đời trên 130 năm (bắt đầu từ 1891), Roland Garros là một giải quần vợt đầy danh giá của nước Pháp và của thế giới hiện nay. Được tổ chức tại hệ thống sân đất nện lớn nhất thế giới mang tên một vị anh hùng phi công người Pháp Roland Garros, giải đấu này luôn đòi hỏi người chơi một nền tảng kỹ thuật và một thể lực rất lớn nếu muốn tiến sâu vào giải. 
 
Trong năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu phải chuyển sang tổ chức vào tháng 9, cụ thể là từ ngày 27/9 đến 11/10 vì đại dịch COVID-19. 
 
Thật ra với mùa giải năm 2020, đó là câu chuyện của việc nên tổ chức hay không khi mà đại dịch viêm phổi cấp đang đè nặng bóng dáng u ám của nó trên khắp thế giới. Không tổ chức giải cũng là điều hợp lý, không ai có thể trách được khi nước Pháp đang gồng mình chống dịch lúc này, giống như Wimbledon của Anh - giải Grand Slam thứ 3 của quần vợt thế giới trong năm cũng bị hủy bỏ. Nhưng với nước Pháp, họ đã mạnh dạn lùi lại thời gian tổ chức cho đến cuối tháng 9 khi điều kiện cho phép. Không chỉ là việc lịch đã lên, vé đã bán, giải diễn ra đã mang một thông điệp có ý nghĩa rất lớn để gửi đến thế giới nhằm động viên tinh thần lạc quan của mọi người mau chóng vượt qua dịch bệnh.
 
Trong năm nay, thay vì tổ chức như thông lệ mọi năm nghĩa là từ nửa tháng 5 kéo dài sang đầu tháng 6 thì Ban tổ chức đã lùi lại 1 tuần, giải bắt đầu từ 30/5 kéo dài sang 13/6. Vẫn có đầy đủ các nội dung thi đấu như thường lệ tại giải, từ đánh đơn nam nữ, đánh đôi; có giải cho người khuyết tật và giải cho các tay vợt trẻ. 
 
Tác động lớn nhất đại dịch gây ra cho giải đấu này có thể thấy chính là việc giảm… tiền thưởng. Nếu như năm 2019 tổng số tiền thưởng cho VĐV trên 42,6 triệu Euro, thì đến năm 2020 tiền thưởng giảm chỉ còn 38 triệu Euro, còn năm 2021 này tiền thưởng giảm tiếp xuống chỉ còn trên 34,3 triệu Euro. 
 
Tất nhiên, tiền thưởng giảm là một điều hợp lý vì với hơn một năm rưỡi bị dịch bệnh hoành hành như vừa qua, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân khắp nơi bị phong tỏa, bị mất việc làm, nhà máy đóng cửa, kinh doanh đình trệ, thương mại đóng băng, du lịch chết đứng, bao hãng hàng không trên khắp thế giới lâm vào cảnh khốn cùng với câu hỏi tồn tại hay không tồn tại. 
 
Ngay cả trong thể thao, như giải đấu này chẳng hạn, khán giả không đến được sân, không mua vé vào sân thì Ban tổ chức đã mất một khoản thu rất lớn. Chỉ còn trông cậy vào tiền bán bản quyền truyền hình và tiền tài trợ, nhưng doanh nghiệp hầu hết cũng dở khóc dở cười lấy đâu tài trợ cho nhiều như những lúc bình thường? 
 
Chính vì vậy, việc tổ chức được các giải đấu thể thao trong thời gian này là là một nỗ lực rất lớn của những nhà tổ chức. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm Vaccine ngừa COVID-19 tại châu Âu và nhiều nước trên thế giới, tình hình nay cũng có vẻ khả quan hơn rất nhiều, tuy nhiên không thể một sớm một chiều có thể quay lại như cũ. Khán giả trong nhiều giải đấu châu Âu dịp này đã được phép quay lại sân dù số lượng còn bị khống chế tùy theo diễn biến của dịch bệnh. 
 
Theo Ban tổ chức Roland Garros, số tiền trao thưởng cho 2 danh hiệu vô địch đơn nam và đơn nữ năm 2021 sẽ giảm xuống 12,5% so với năm 2020. Cụ thể, năm nay nhà vô địch nam nữ chỉ nhận được 1,4 triệu Euro so với số tiền năm trước nhận được là 1,6 triệu Euro. Trước đó, trong giải năm 2019, nhà vô địch đơn nam và đơn nữ giải đấu này bỏ túi đến 2,3 triệu Euro tiền thưởng. 
 
Tương tự, người thua trong trận chung kết cũng bị giảm tiền thưởng, từ mức 800 nghìn Euro trong năm 2020 nay chỉ còn 750 nghìn Euro, bằng một nửa so với nhà vô địch. 
 
Tuy nhiên, tiền thưởng này chỉ giảm cho các tay vợt bắt đầu từ vòng bảng thứ ba, còn với các tay vợt trong các vòng trước đó được giữ nguyên tiền thưởng như năm ngoái. Cụ thể, chỉ cần có mặt ở vòng loại nhận được 10 nghìn Euro; vòng loại thứ 2 nhận được 16 nghìn Euro, vòng loại thứ 3 nhận được 25 nghìn Euro còn vào đến vòng 128 nhận được tấm chi phiếu 60 nghìn Euro.
 
Theo ông Guy Forget - Giám đốc điều hành Roland Garros, để đối phó với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, giải đã huy động được nguồn tài trợ để có thể giúp đỡ các tay vợt trong trường hợp gặp những vấn đề khẩn cấp về sức khỏe. 
 
Nadal sẽ lại vô địch?
 
Nói đến Roland Garros là phải nói đến Rafael Nadal, tay vợt chuyên nghiệp sinh năm 1986, người Tây Ban Nha, hiện là đương kim vô địch đơn nam giải đấu này.
 
Cao 1,85 m, chơi bóng bằng tay trái rất khó chịu dù sinh ra thuận tay phải, nền tảng thể lực và kỹ thuật cực tốt nên Nadal như sinh ra là để chơi sân đất nện và được mệnh danh là “Ông vua sân đất nện - King of Clay”. 
 
Không ông vua sân đất nện sao được vì trong 20 danh hiệu vô địch Grand Slam tay vợt này giành được tính cho đến nay, trong đó chỉ có duy nhất 1 danh hiệu của Úc mở rộng năm 2009 (trên sân cứng), 2 danh hiệu của Wimbledon năm 2008 và 2010 (mặt sân cỏ), 4 danh hiệu của Mỹ mở rộng các năm 2010, 2013, 2017, 2019 (cũng sân cứng); còn lại là 13 chiếc cúp vô địch đến từ Roland Garros (trên sân đất nện), trong đó danh hiệu vô địch gần đây nhất là vào năm ngoái 2020. 
 
Có thể nói, khi có mặt tại Roland Garros, Nadal dường như đã làm giảm khả năng vô địch của toàn bộ các đấu thủ nam còn lại. 4 năm liền từ năm 2017 đến nay Nadal đều giành vô địch. Liệu có cơ hội nào cho các đối thủ khác gây khó dễ cho tay vợt này hay không, tất cả dường như tùy thuộc vào phong độ thể hiện của tay vợt này ra sao. Khi Nadal sung sức, thật rất khó để vượt qua dù nay anh đã 34 tuổi. 
 
Tất nhiên bảng nam của giải đấu này có khá đầy đủ các tay vợt tên tuổi thế giới hiện nay, trong đó những tay vợt hàng đầu được xếp hạt giống từ 1 đến 32. Dẫn đầu bảng hạt giống này là Novak Djokovic, người Serbia; kế đến là Daniil Medvedev, người Nga, hạt giống thứ 2 rồi mới đến Rafael Nadal, xếp hạng giống thứ ba. Sau 3 tay vợt này, có các tay vợt thế hệ nối tiếp khá tài hoa như Stefanos Tsitsipas - người Hy Lạp; Alexander Zverev - người Đức, Dominic Thiem, người Áo (vừa bị loại ngay vòng 1). Nếu tính cả Daniil Medvedev vào thì các tay vợt lớp kế cận này chính là khuôn mặt cho làng quần vợt thế giới tương lai, còn hiện nay thì cái bóng của Nadal và Djokovic vẫn còn quá lớn.
 
Ngược lại với sự ổn định của bảng nam thì bảng nữ thường vốn đổi ngôi rất nhanh. Tay vợt nữ vô địch Roland Garros năm ngoái là Iga Swiatek người Ba Lan nay chỉ được xếp hạt giống thứ 8 tại giải; đứng đầu bảng xếp hạng là tay vợt nữ người Úc Ashleigh Barty, người xếp thứ nhì là tay vợt Naomi Osaka người Nhật (vừa bỏ giải); xếp thứ ba là tay vợt người Belarus Aryna Sabalenka. 
 
Đáng chú ý trong danh sách hạt giống này có tay vợt người Mỹ Serena Williams, hạt giống số 7, với các trận đấu cũng rất đáng xem. Tuy nhiên, ở độ tuổi 39 của mình (Serena Williams sinh 1981), thật khó để tay vợt này có thể đi đến trận chung kết cuối cùng.
 
Và cuối cùng, quả thật khó để có những trận đấu mang tính chuyên môn cao như những ngày trước vì dịch bệnh đã khiến thế giới thể thao bất động một thời gian dài, nhiều tay vợt không tìm được nhiều cơ hội thi đấu để giữ vững phong độ cho mình. Nhưng không sao, đây vẫn là một giải đấu đầy hấp dẫn cho bất kỳ người hâm mộ banh nỉ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
 
VIẾT TRỌNG