(LĐ online) - Nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội Văn hoá Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5 tại Đơn Dương, ngày 30/3, Hội thi diễn tấu cồng chiêng đã diễn ra đầy màu sắc, để lại ấn tượng.
|
Vũ điệu xoang mô tả đời sống lao động sản xuất hòa vào nhịp cồng chiêng |
12 đội cồng chiêng từ 12 huyện, thành đã trình tấu 12 tiết mục diễn xướng, đưa đến hội thi những bài bản chiêng cổ truyền được dùng trong các lễ hội truyền thống, trong nghi thức cúng tế; trong đó nhiều bài mới được sưu tầm là tích xưa chuyện cũ ngợi ca những người con có công bảo vệ buôn làng khỏi thiên tai, hoạn nạn.
|
Vũ điệu xoang mô tả đời sống lao động sản xuất hòa vào nhịp cồng chiêng |
Mỗi tiết mục trình tấu là một bản nhạc đa âm theo từng bài bản chiêng với hình thức hoà điệu khác nhau đã thể hiện sự đam mê qua sự điêu luyện trong kỹ năng đánh chiêng, nhịp điệu, thanh âm, điệu bộ và trong những bước đi nhún nhẩy. Giai âm của chiêng 3 của đồng bào Churu, chiêng 6 của đồng bào Mạ và K’Ho trầm hùng hoà quyện nhuần nhuyễn với các nhạc cụ dân tộc đi kèm như: Trống da trâu, khèn bầu, bộ gõ tre nứa cùng vũ điệu xoang, Arya uyển chuyển của các cô gái. Các tiết mục càng sinh động khi đi kèm với cây nêu, gùi, bầu, rổ, rá, giỏ, nơm mô phỏng đời sống lao động, sản xuất như bắt cá dưới nước, tỉa hạt trên nương, giã gạo, sàng sảy…
|
Bảo Lộc gây dấu ấn bởi một các nghệ nhân còn rất trẻ |
Phong cách diễn tấu cuồng nhiệt say mê của các nghệ nhân trên sân khấu đã tạo nên những tầng giai điệu qua các bài bản chiêng thể hiện những sinh hoạt vật chất tinh thần của cộng đồng như: Nghi thức đón khách, kết nghĩa, hái rau rừng, mừng lúa mới, cầu thần chiêng, thần lửa…
|
Hội thi diễn tấu cồng chiêng tạo nên dấu ấn mạnh mẽ cho ngày hội |
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đoàn nghệ nhân Đơn Dương, 2 giải Nhì: Lâm Hà và Di Linh, 3 giải Ba: Bảo Lâm, Cát Tiên và Đam Rông.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin