(LĐ online) - Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Liên hoan Dân ca, dân vũ và nhạc cổ truyền lần thứ 6 - năm 2024 đã bế mạc. Hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 24 CLB văn nghệ dân gian trong và ngoài tỉnh đã trình diễn 85 tiết mục đưa đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.
|
Tiết mục Lời chào Thành phố Hoa - CLB Dân ca và nhạc cổ truyền, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng khép lại liên hoan |
Sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em trên mọi miền được phô diễn vẻ đẹp qua từng làn điệu, lời ca, điệu múa, nhịp đàn của những điệu lý, câu hò, chèo, cải lương, bài chòi, quan họ, hát văn, hát ru, hát then, hát lượn... hòa quyện cùng những điệu múa dân gian, nhịp phách của các nhạc cụ dân tộc như trống, mõ, đàn bầu, sáo, nhị, đàn tranh, đàn nguyệt, tính tẩu, cồng chiêng... tạo nên giai âm mượt mà, sâu lắng.
|
Trao giải thưởng cho các nghệ nhân gây ấn tượng tại Liên hoan |
Các nghệ nhân nhiều thế hệ khoe sắc trong trang phục truyến thống rực rỡ mang theo đạo cụ nón lá, quạt, ô, dải lụa, dụng cụ sản xuất… đã làm sống dậy không gian diễn xướng dân gian của các dân tộc anh em và một kho tàng âm nhạc vô giá. Với sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, đạo cụ, trang phục biểu diễn và sự đầu tư, dàn dựng công phu, các CLB đã mang đến Liên hoan chương trình biểu diễn đặc sắc, ấn tượng. Liên hoan thực sự là ngày hội lớn của những người yêu dân ca, dân vũ, dân nhạc, yêu di sản văn hóa dân tộc.
|
Trao giải A cho 14 tiết mục xuất sắc |
8 CLB dân ca đến từ các tỉnh, thành: Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh trình diễn những tiết mục hay, làm cho liên hoan thêm màu sắc tươi mới, góp phần vào vườn hoa dân ca của Lâm Đồng thêm đẹp đẽ. Qua đó đã giao lưu gắn kết, động viên, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm, cách thức tổ chức, duy trì hoạt động, phát triển CLB văn hóa văn nghệ dân gian trong đời sống đương đại.
|
Trao giải Nhất toàn đoàn cho CLB dân ca Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng |
Liên hoan được tổ chức hàng năm đã tạo sân chơi rộng lớn cho các loại hình dân ca, nhạc cổ truyền, khơi dậy và làm sống lại phong trào đàn hát dân ca, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là dịp để các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản văn hoá dân tộc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng diễn xướng cùng bầu nhiệt huyết nhằm gìn giữ, phát huy, trao truyền vốn di sản quý báu của dân tộc cho thế hệ kế cận.
|
Trao giải Nhì toàn đoàn |
Liên hoan lần này cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Festival Hoa Đà Lạt thứ X và hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, khẳng định Đà Lạt là Thành phố sáng tạo về lĩnh vực âm nhạc của UNESCO.
|
Trao giải Ba toàn đoàn |
Kết thúc Liên hoan, BTC đã trao giải thưởng cho 56 tiết mục gồm 14 giải A, 14 giải B và 28 giải C. Trao giải toàn đoàn cho 8 CLB có chương trình biểu diễn ấn tượng được đầu tư, dàn dựng công phu, cụ thể: 1 giải Nhất cho CLB Dân ca Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng; 2 giải Nhì: CLB Dân ca Nhà văn hóa Lao động, CLB Nghệ thuật dân gian Sen vàng Đảo ngọc (Phú Quốc, Kiên Giang); 2 giả Ba: CLB Dân ca và nhạc cổ truyền tỉnh Bình Phước, CLB Dân ca Cần Thơ; 3 giải Khuyến khích: CLB Đàn và hát dân ca xã Mỹ Đức (Đạ Tẻh), CLB Trầu cau quan họ (Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh); CLB Hát then đàn tính xã Phi Tô (Lâm Hà).
|
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thức (CLB Đàn và hát dân ca xã Mỹ Đức) 6 lần tham gia liên hoan, 86 tuổi vẫn đứng trên sân khấu trình diễn tiết mục Ơn nghĩa sinh thành |
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải thưởng Ban nhạc dân tộc hay nhất cho CLB Âm nhạc tỉnh Bình Phước; trao 2 giải cá nhân dành chọ Nghệ nhân cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Thức (86 tuổi - CLB Đàn và hát dân ca xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh, có 6 lần tham dự liên hoan) và Nghệ nhân nhỏ tuổi nhất là bé Lương Bảo Ngọc (7 tuổi - CLB Hát then đàn tính xã Phi Tô, Lâm Hà).
Một số tiết mục đặc sắc được công diễn tại lễ bế mạc:
|
Tiết mục Ba quan mời trầu |
|
Vũ điệu xoang Lên nương |
|
Tiết mục Giao duyên quan họ |
|
Tiết mục Đàn sáo Hậu Giang |
|
Tiết mục Trẩy hội Xuân của CLB Sen vàng Đảo ngọc, Phú Quốc |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin