Có thể nói rằng, Đam Rông là huyện được thành lập muộn nhất và cũng là huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, huyện được thành lập trên cơ sở nhập 5 xã phía Bắc của huyện Lâm Hà và 3 xã của huyện Lạc Dương. Cả 8 xã thời điểm đó đều là những xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp, hạ tầng yếu kém... với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.
Mô hình sầu riêng tiền tỷ của một gia đình ở Đạ R’sal |
Trải qua 19 năm thành lập, xây dựng và phát triển; với sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước, đặc biệt là sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, và các tầng lớp Nhân dân các dân tộc; đến nay, Đam Rông đã và đang gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới trên rất nhiều lĩnh vực và đã thoát khỏi danh sách các huyện nghèo nhất của cả nước.
• NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ MÔ HÌNH TẠO ĐỘT PHÁ
Được thành lập vào ngày 30/12/2004 theo Nghị định số 189, ngày 17/11/2004 của Chính phủ, huyện Đam Rông lúc đó là huyện nghèo nhất của tỉnh Lâm Đồng và cũng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Toàn huyện có diện tích tự nhiên là 87.210 ha, 8 đơn vị hành chính cấp xã, 53 thôn, dân số trên 56.734 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 65%. Trước rất nhiều những khó khăn, thách thức, nhưng với nhiều giải pháp, đặc biệt là hiệu quả của những chương trình và mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tạo nên những bước phát triển mang tính đột phá.
Trước hết, phải kể đến là hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM); Giảm nghèo bền vững; Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS... Các chương trình này đã tạo ra rất nhiều chuyển biến bất ngờ, giúp đời sống của bà con Nhân dân huyện Đam Rông thay đổi có tính toàn diện bởi đã huy động được tất cả các thành phần trong hệ thống chính trị vào cuộc, cùng tham gia. Không chỉ tạo ra những mô hình, phong trào hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, tạo được sự thay đổi trong tư duy đổi mới của cán bộ, Nhân dân trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội - kinh tế - an ninh chính trị...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện tự hào cho biết: Để đạt được những kết quả mang tính đột phá sau 19 năm thành lập, trước hết phải nói đến tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của Nhân dân các dân tộc. Ở Đam Rông, đồng bào Phật giáo, Tin lành, Công giáo... đều sống hài hòa với nhau và quan hệ khăng khít với chính quyền địa phương. Nếu như ngày xưa, bà con làm kinh tế chỉ dựa vào thiên nhiên, thì nay bà con đã thay đổi tư duy, đã biết cách làm ăn, đã biết biến từ những cái không có, không thể thành cái có. Không chỉ bà con người Kinh, mà rất nhiều bà con DTTS giờ cũng đã làm kinh tế rất tốt, cuộc sống đã thay đổi rất ngoạn mục, nhiều nhà có xe hơi, nhà cao cửa rộng.
Những ngày ở Đam Rông, chúng tôi thật sự thú vị khi được giới thiệu đến thăm một số mô hình phát triển kinh tế của người dân xã Đạ K’nàng, Đạ Mrông, Đạ R’sal... và được chứng kiến, tìm hiểu rất nhiều mô hình làm giàu của bà con với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, như mô hình trồng dâu nuôi tằm, nhà máy kén tằm, mô hình trồng sầu riêng, nuôi cá tầm, trồng cây mắc ca... Đơn cử như mô hình trồng sầu riêng chất lượng cao của hộ gia đình đình chị Đinh Thị Hóa, xã Đạ R’sal, nuôi cá tầm của chị Nguyễn Phương Bắc (xã Rô Men). Đây là những mô hình thành công đáng ngưỡng mộ ở huyện, đang trở thành gương điển hình để bà con học hỏi làm giàu.
Điều đáng nói là các xã như Đạ R’sal, Đạ K’nàng, Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ M’rông... trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, nhưng nhờ có giải pháp triển khai phát triển nông nghiệp đúng đắn nên không chỉ công tác giảm nghèo thay đổi rõ nét mà còn xuất hiện những hộ gia đình giàu có từ nghề nông. Đặc biệt nữa là các thanh niên, con em của đồng bào DTTS cũng đã từng bước thay đổi tư duy, thoát khỏi “góc bếp” để ra ngoài trở thành công nhân đi lao động ở khắp nơi cả trong nước và nước ngoài.
Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào làm kinh tế giỏi, huyện còn tổ chức phát động Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” nhằm phát huy, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội xây dựng nông thôn mới. Qua đó, vận động bà con tích cực chuyển đổi giống cây trồng và phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao; tích cực hưởng ứng tham gia phong trào khởi nghiệp; thành lập, củng cố tổ hợp tác. |
• THÀNH QUẢ XOÁ NGHÈO
Ấn tượng nhất với chúng tôi sau một thời gian dài mới có dịp quay trở lại Đam Rông, đó là công tác xoá nghèo. Từ tỷ lệ 73% hộ nghèo khi mới thành lập, đến giờ huyện chỉ còn hơn 19% hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Đây là con số vô cùng ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực vô cùng lớn của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng hành của nhân dân các dân tộc. Theo các lãnh đạo huyện, thành quả giảm nghèo ở Đam Rông được triển khai bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ, bằng nhiều cách làm khác nhau. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các xã vùng đồng bào dân tộc hiện đang được xem là cứu cánh vì phát huy hiệu quả và giúp bà con xoá nghèo sâu và rộng nhất. Đời sống gia đình đồng bào ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số hiện nhờ cây dâu và con tằm mà đã thay đổi rõ rệt.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đang thay đổi từng ngày. Giá trị sản xuất tăng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Thời gian tới, huyện đề xuất giải pháp tăng nguồn vốn sự nghiệp hằng năm hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế để tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ông cũng cho biết, huyện cũng đang đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tìm hướng tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm mục đích thay đổi phần lớn cuộc sống của bà con bằng nông nghiệp.
Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, đáng mừng hơn nữa, đó là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đang thể hiện ý chí và nỗ lực rất lớn để quyết tâm đưa huyện thoát khỏi hình ảnh của một huyện nghèo trong cả thực tế và suy nghĩ. “Cán bộ lãnh đạo chúng tôi hiện nay luôn tự động viên và khẳng định với nhau rằng, huyện Đam Rông không còn nghèo, người dân Đam Rông không thể nghèo và chúng tôi cũng động viên bà con cần có suy nghĩ như vậy, để lấy đó làm động lực phấn đấu phát triển” - đồng chí Liêng Hót Ha Hai chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin