Quản lý hành lang an toàn đường bộ - tầm nhìn từ sớm, từ xa

NGUYỆT THU 06:32, 10/02/2023

Giám sát chuyên đề về quản lý hành lang an toàn đường bộ là một nội dung tâm huyết, chiến lược, cho thấy tầm nhìn từ sớm, từ xa được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng thực hiện mới đây. Qua giám sát, nhằm kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Từ đó, hướng đến mục tiêu chung cùng với toàn tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện các dự án cao tốc, các tuyến quốc lộ trong tương lai gần. 

Bài 1: Thực trạng đáng báo động

Thực trạng vi phạm về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương trong và ngoài đô thị cho thấy, hầu hết đều có dấu hiệu vi phạm như xây dựng công trình, đào đắp, san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) dọc Quốc lộ 20, 27, đường Trường Sơn Đông…; họp chợ, buôn bán, lắp dựng biển hiệu, bảng quảng cáo lấn chiếm lòng đường, vỉa hè HLATĐB. Vi phạm về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng... là những vấn đề cần chấn chỉnh, xử lý.

Cao tốc Liên Khương - Prenn có nhiều điểm đấu nối có dấu hiệu vi phạm HLATĐB. Ảnh: Chính Thành
Cao tốc Liên Khương - Prenn có nhiều điểm đấu nối có dấu hiệu vi phạm HLATĐB. Ảnh: Chính Thành

Ông Trương Trung Thắng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lâm Đồng cho biết, đối với quy định về giới hạn, phạm vi đất của đường bộ, đất và khoảng cách an toàn theo chiều ngang đối với công trình thiết yếu; hành lang chồng lấn giữa đường bộ công trình nằm ngoài HLATĐB, Sở GTVT đã tổ chức rà soát, thống kê, phân loại hiện trạng HLATĐB của các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55 và 27C. Hiện nay, công tác rà soát, thống kê, phân loại hiện trạng HLATĐB của các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55 và 27C đã hoàn thành. Qua kết quả rà soát, thống kê, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo, trình Chính phủ xem xét, bố trí tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ thu hồi đất, các công trình nằm trong phạm vi đất bảo vệ, bảo trì đường bộ khoảng 47,2 tỷ đồng và HLATĐB khoảng 551,7 tỷ đồng đối với 3 tuyến Quốc lộ 27, 28B và 55. Đối với tuyến Quốc lộ 27C, Sở GTVT Lâm Đồng đã có Văn bản số 1489/SGTVT-QLGT ngày 25/11/2016 báo cáo UBND tỉnh số tiền dự kiến đền bù tuyến trên là 178,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở GTVT thường xuyên tham gia góp ý nhiều đồ án quy hoạch chung, đặc biệt trong việc góp ý về giới hạn, phạm vi đất của đường bộ…, như: quy hoạch chung đô thị Finom - Thạnh Mỹ; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đinh Văn, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đạ Tẻh đến năm 2030; các đồ án Quy hoạch vùng và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trên địa bàn huyện Bảo Lâm; quy hoạch chung đô thị Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035… Đồng thời, để nâng cao nhận thức của công chức, người lao động và Nhân dân về các quy định liên quan giới hạn, phạm vi đất của đường bộ, đất và khoảng cách an toàn theo chiều ngang đối với công trình thiết yếu, hành lang chồng lấn giữa đường bộ, công trình nằm ngoài HLATĐB; trong giai đoạn 2014 - 2022, Sở GTVT đã xây dưng, in ấn, phát hành gần 5.000 tờ rơi tuyên truyền, 1.000 tài liệu tập huấn; lắp đặt 5 pano; tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương 6 lần và đồng thời tổ chức 2 đợt tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên quản lý, theo dõi và trực tiếp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và HLATĐB của các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở và UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế: các hành vi vi phạm như đào đắp, san lấp mặt bằng trong HLATĐB; họp chợ, buôn bán, lắp dựng biển hiệu, bảng quảng cáo lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, HLATĐB vẫn còn nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự ATGT, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. 

Các trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản xử lý nhưng việc xử lý khắc phục hoàn trả hiện trạng chưa triệt để, bởi vậy một số vị trí chưa được khắc phục, kéo dài. Nguyên nhân, do kinh phí để thu hồi đất, giải tỏa đền bù chưa được bố trí nên các sai phạm, tồn tại cũ trước đây chưa thể xử lý dứt điểm, dẫn đến có sự làm theo, so sánh giữa người vi phạm mới và vi phạm cũ. Nhiều tuyến đường chưa được cắm mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) nên thiếu cơ sở quản lý. 

Đoàn Giám sát đã phối hợp với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các bên có liên quan tiến hành tổ chức giám sát báo cáo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện và thành phố có liên quan. Trong giai đoạn 2014 - 2021, UBND tỉnh ban hành 1 quyết định và 7 văn bản liên quan đến công tác, kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 và quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông UBND các huyện, thành phố và đơn vị đầu tư trên địa bàn đã phối hợp, triển khai ban hành 101 văn bản liên quan đến công tác quản lý trật tự HLATĐB tại địa phương. Theo báo cáo, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức rà soát, thống kê, phân loại hiện trạng HLATĐB của các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55 và 27C và báo cáo đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí đền bù, hỗ trợ thu hồi đất, các công trình nằm trong phạm vi đất bảo vệ, bảo trì đường bộ.

Đối với công tác quản lý tại các huyện, thành phố, qua báo cáo và tổ chức đi khảo sát tại địa phương thì chỉ có trên địa bàn huyện Đơn Dương cơ bản giải tỏa được 85% nhà, vật kiến trúc nằm trong hành lang an toàn các tuyến Quốc lộ 20 và 27, các huyện, thành phố khác không báo cáo nội dung này và trên thực tế trên các tuyến quốc lộ, cao tốc ở các địa phương đều có vi phạm liên quan đến HLATĐB ở các mức độ khác nhau. 

Theo kết quả của Đoàn Giám sát cho thấy, thông qua kiểm tra khảo sát thực địa và đối chiếu tại các địa phương, có 8/17 cơ quan, đơn vị báo cáo đều có một số điểm sai phạm. Đặc biệt, sai phạm nghiêm trọng nhất là tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn có hơn 100 điểm đấu nối có dấu hiệu vi phạm.

(CÒN NỮA)