Quản lý hành lang an toàn đường bộ - tầm nhìn từ sớm, từ xa (bài 1)
Bài 2: Giải pháp cấp bách và lâu dài
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này; tăng cường công tác quản lý về việc sử dụng đất và quản lý trật tự xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; chỉ đạo công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đào đất, san gạt mặt bằng trong phạm vi HLATĐB, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, buôn bán lấn chiếm HLATĐB gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo TTATGT... Đó là những giải pháp cấp bách cần tăng cường thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn giám sát kết luận và tổng hợp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều nội dung liên quan |
Mặt khác, đề nghị Bộ GTVT xem xét bố trí vốn để tiến hành cắm cọc mốc lộ giới đối với 4 tuyến quốc lộ ủy thác: 27, 27C, 28B, 20 (đoạn đèo Mimosa) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và thực hiện công tác rà soát, thống kê HLATĐB; bố trí kinh phí để thực hiện công tác rà soát thống kê và cắm mốc lộ giới với các tuyến đường tỉnh.
Nhìn nhận thẳng thắn về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế sau khảo sát, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn giám sát nhận định, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa thường xuyên, liên tục. Nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hành lang đường bộ, dẫn đến ý thức chấp hành việc giải toả chưa cao. Cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy và thiếu trách nhiệm khi xác định công trình vi phạm và mốc thời gian vi phạm, đối tượng vi phạm... Công tác phối hợp thanh tra và kiểm tra của các ngành thiếu hiệu quả. Về công tác bố trí, quản lý và kiểm tra nhân sự, thiếu trách nhiệm và hiệu quả trong công tác thanh tra, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, chưa đền bù, thu hồi đủ phần đất của đường bộ khi nâng cấp, cải tạo quốc lộ. Chưa tổ chức cắm mốc ngoài thực địa theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Theo đó, Đoàn ĐBQH sẽ đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, kiến nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ HLATĐB, đường sắt trong những năm tới. Đối với Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo việc nâng cao trách nhiệm trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc ban hành thông tư hướng dẫn theo các nghị định và luật đã ban hành nhằm tránh trường hợp như Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ GTVT ra đời chậm gần 7 năm so với Luật Giao thông đường bộ, làm ảnh hưởng đến địa phương áp dụng luật. Đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên phần đất nằm trong HLATĐB (đã thực hiện rà soát, thống kê, phân loại hiện trạng HLATĐB theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Chính phủ). Đề nghị Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB, đường sắt giai đoạn 2021 - 2026. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu 183,88 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 của ngân sách địa phương vào Dự án để hỗ trợ thực hiện phần GPMB tuyến đường tránh thuộc Quốc lộ 20 đoạn qua TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Đối với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan, thay mặt Đoàn Giám sát, ông Nguyễn Tạo ghi nhận và đánh giá cao 7 nội dung giải pháp khắc phục của UBND tỉnh được nêu tại Báo cáo số 166/BC-UBND ngày 08/9/2022, đó là giao Sở GTVT thường xuyên xây dựng kế hoạch làm việc với một số địa phương có nhiều vụ việc vi phạm và vi phạm còn để tồn đọng, kéo dài để đôn đốc và phối hợp xử lý, giải quyết; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông; ngăn chặn kịp thời các đối tượng có hành vi xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất của đường bộ và HLATĐB; khi phát hiện phải lập biên bản vi phạm, đồng thời dừng ngay hành vi vi phạm và phối hợp với các đơn vị liên quan buộc các đối tượng có hành vi vi phạm khắc phục hậu quả và khôi phục lại theo nguyên trạng.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND cấp huyện, cấp xã rà soát, kiểm tra công tác lập và thực hiện quy hoạch xây dựng tại các khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo các tuyến đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng các công trình ven đường giao thông; không cấp phép xây dựng các công trình nằm trong HLATĐB, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ HLATĐB. Công an tỉnh bố trí lực lượng tham gia Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác theo nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng tham gia Tổ công tác liên ngành ở địa phương trong việc cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm HLATĐB, đường sắt.
Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng; Báo Lâm Đồng phối hợp với Sở GTVT, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ HLATĐB, đường sắt trên các phương tiện thông tin, truyền thông của địa phương để Nhân dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư đối với việc thực hiện các giải pháp lập lại trật tự HLATĐB.
Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, thông báo đến các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong HLATĐG về các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ HLATĐB; có kế hoạch giải tỏa, lập lại trật tự HLATĐB; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ HLATĐB của các đơn vị quản lý đường bộ trên các tuyến quốc lộ thuộc thẩm quyền quản lý.
UBND các huyện, thành phố tập trung công tác quản lý về việc sử dụng đất và quản lý trật tự xây dựng, quản lý bảo vệ rừng dọc hai bên đường và HLATĐB; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đào đất, san gạt mặt bằng trong phạm vi HLATĐB, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tăng cường chỉ đạo đôn đốc giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn…
Theo đó, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH kiến nghị UBND tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ HLATĐB để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Tăng cường công tác quản lý về việc sử dụng đất và quản lý trật tự xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; chỉ đạo công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đào đất, san gạt mặt bằng trong phạm vi HLATĐB, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, buôn bán lấn chiếm HLATĐB gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo TTATGT...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin