Mấy năm gần đây, trên địa bàn 2 xã Gia Bắc và Sơn Điền (huyện Di Linh) thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của nắng hạn. Mặc dù từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều địa phương ở huyện Di Linh đã đón vài trận mưa trên diện rộng, thế nhưng đồng bào ở 2 xã vùng sâu này, đặc biệt là xã Gia Bắc vẫn lao đao tìm nguồn nước để chống hạn cho cây trồng.
Hầu hết các công trình thủy lợi nhỏ của xã sau một lần tưới đã cạn trơ đáy |
• NHỮNG RẪY CÀ PHÊ ĐANG TRÔNG NGÓNG NƯỚC TRỜI
Đến xã Gia Bắc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến không ít diện tích cây cà phê, sầu riêng, điều, mắc ca… của bà con nông dân đang trong tình trạng cành lá bị teo tóp, vàng úa, cháy khô. Mặc dù, thời gian qua, bà con nông dân trên địa bàn xã đã nỗ lực tập trung tưới nước, chống hạn, nhưng hầu hết nguồn nước từ các khe, suối, hồ, đập đã cạn kiệt, nên bông cà phê chưa kịp bung nở đã bị héo khô.
Ông K’ Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho biết: “Toàn xã có trên 1.482 ha cà phê, trong đó có 1.100 ha cà phê đã cho kinh doanh. Để ứng phó với tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động chống hạn cho cây trồng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo thống kê, trong số trên 1.482 ha cà phê của xã, đến nay, số diện tích đã tưới đợt 1 đạt 83% và trong đợt 2 do không đảm bảo về nước tưới nên mới chỉ đạt hơn 30% diện tích”.
Cũng theo ông Phó Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, để chống hạn cho cây trồng, người dân đã tận dụng triệt để nguồn nước từ các hệ thống ao đào, giếng khoan, từ các khe, suối và nước từ 4 công trình hồ, đập thủy lợi của xã nằm rải rác ở các thôn gồm: Đạ Hiòng, Hà Giang, Ka Să và Nao Sẻ... Tuy nhiên, do các hồ, đập tại xã Gia Bắc chủ yếu dùng để tích nước trong mùa mưa, nên chỉ sau một lần tưới nước là nguồn nước đã cạn trơ đáy gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc chống hạn cho cây trồng.
Ông K’Hỏi ở thôn Hà Giang có 1,6 ha cà phê, sầu riêng, mắc ca, nhưng do niên vụ nào cũng gặp khó khăn về nguồn nước tưới, cây trồng bị khô hạn và làm giảm năng suất, sản lượng, nên năm 2022, ông đã chủ động đầu tư kinh phí 40 triệu đồng để đào ao khoảng 1.000 m2 tích nước chống hạn cho cây trồng. Ông K’Hỏi bày tỏ: “Từ khi đào ao, gia đình tôi đã chủ động được nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Trong số 1,6 ha cây trồng của gia đình thì đến nay cũng đã tưới 3 đợt, ngoài ra, tôi còn giúp cho bà con trong vùng cùng tưới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là rẫy cà phê của bà con đều nằm cách xa nguồn nước, nên phải dùng 2 máy bơm với từ 15 - 30 ống tưới rất vất vả, có hộ không đủ điều kiện giờ mới chỉ tưới đợt 1 hoặc rẫy cà phê chỉ biết trông chờ từ nguồn nước trời”.
Tương tự, gia đình ông K’Brèm ở thôn Đạ Hiòng cho biết: “Gia đình tôi có 2 rẫy cà phê, rẫy gần nguồn nước đến nay đã tưới đợt 2, số còn lại do thiếu nước nên mới chỉ tưới đợt 1, cây cà phê tuy có ra hoa nhưng chất lượng không đạt hoặc hoa chưa kịp nở thì đã bị héo khô. Hiện tại, nếu có nguồn nước để tưới chỉ cứu lấy cây, chứ trong niên vụ tới năng suất cà phê của Gia Bắc giảm là không thể tránh khỏi”.
• HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU
Để minh chứng cụ thể thực trạng khó khăn trong công tác chống hạn của địa phương, ông K’Hùng đã dẫn chúng tôi đến khảo sát hệ thống công trình hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn. Tại đây, chúng tôi nhận thấy các công trình này là hồ đập nhỏ và đã nhiều năm đưa vào sử dụng nhưng chưa quan tâm công tác duy tu, nạo vét..., nên đã bị bồi lắng, năng lực tích nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng hạn chế và chỉ đáp ứng tưới khoảng 50 ha/công trình.
Theo ông K’Hùng, thời tiết ở Gia Bắc bước vào mùa khô thường diễn ra từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 5, đến nay vẫn chưa có trận mưa nào nên gây nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, dự báo trong niên vụ năm 2023, năng suất, sản lượng cây trồng sẽ giảm đáng kể, từ đó sẽ ảnh hưởng và làm giảm nguồn thu nhập của người dân. Không chỉ khó khăn về nguồn nước tưới chống hạn cho cây trồng, nguồn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng thiếu, bởi nhiều giếng đào mực nước đã xuống thấp và cạn.
Nằm ở khu vực vùng núi cao, có độ cao trung bình khoảng 1.000 m so với mực nước biển và giáp tỉnh Bình Thuận, thuộc vùng khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nên nhiều năm nay, trên địa bàn xã Gia Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, đặc biệt trong mùa khô hàng năm. Nắng hạn kéo dài ở Gia Bắc đã gần 7 tháng nay và diễn ra ngày càng gay gắt, trên diện rộng khiến các công trình hồ, đập, sông, suối, giếng bị cạn kiệt nguồn nước, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Nắng hạn gây thiệt hại lớn đối với cây trồng như làm giảm năng suất, sản lượng và có diện tích bị mất trắng. Ngoài yếu tố khí hậu, thời tiết thì hệ thống công trình thủy lợi nơi đây vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phục vụ sản xuất. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong 4 yếu tố này, quan trọng nhất là “nước” nhưng nhiều năm nay Gia Bắc vẫn chưa thật sự được quan tâm và giải quyết làm tốt vấn đề này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin