Bài cuối: Bảo vệ môi trường từ khâu phát sinh đến công đoạn xử lý
Ngành chức năng Lâm Đồng đã đưa ra những định hướng chính trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thời gian đến, trong đó, cam kết bảo vệ môi trường từ khâu phát sinh đến công đoạn xử lý.
![]() |
Ra quân thu gom rác thải nạo vét suối tại TP Đà Lạt |
• NGUY CƠ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC ĐẦU NGUỒN
Rất nhiều tồn tại đã được nêu ra trong thu gom, xử lý chất thải rắn (rác thải) sinh hoạt tại Lâm Đồng hiện nay. Trước nhất, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý còn thấp so với mục tiêu đề ra; công tác thu gom, vận chuyển rác thải dàn trải, chưa tập trung; phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển còn thiếu, chưa đồng bộ; việc thu gom chưa triệt để, phần nào ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường. Lâm Đồng đến nay chưa có trạm trung chuyển rác thải, chưa sử dụng nguồn lực của khu vực tư để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển.
Cùng đó, dù đã có nhiều chương trình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn nhưng chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hoá; rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn. Hoạt động tái chế rác thải sinh hoạt hiện còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu được thực hiện bởi các cơ sở nhỏ, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc, thiết bị cũ, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Trong xử lý rác thải sinh hoạt, phương thức hiện nay vẫn được sử dụng ở rất nhiều bãi rác trong tỉnh là chôn lấp hở, không hợp vệ sinh, tiêu tốn quỹ đất; tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp, các bãi rác hầu như đang quá tải. Trong khi đó, các nhà máy xử lý rác thải bằng phương thức đốt nhưng xây dựng và vận hành chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí.
Việc quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu rác thải trong sinh hoạt, chưa áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn. Đặc biệt, tại hai nhà máy xử lý rác gồm: nhà máy tại xã Xuân Trường của Công ty Môi trường Năng Lượng Xanh, Đà Lạt và nhà máy tại xã Đại Lào, Bảo Lộc của Công ty Cổ phần Môi Trường Xanh Friendly vẫn chưa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định trong xử lý nước rỉ rác, mùi hôi, khói bụi; công nghệ xử lý chủ yếu là đốt chưa đúng theo dự án được chấp thuận. Hai nhà máy này nhiều lần xảy ra tình trạng ngưng tiếp nhận rác do sự cố, gây ứ đọng rác, gây ô nhiễm và mất mỹ quan.
Việc kêu gọi đầu tư của tỉnh cho các nhà máy xử lý rác trong tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, một phần vì lượng rác phát sinh hằng ngày tại các địa phương còn thấp, không đủ để hoạt động và có lời. Trong khi đó, có một số dự án lại chậm trễ trong đầu tư xây dựng. Điển hình là Nhà máy Xử lý rác thải tại Đức Trọng do Công ty Cổ phần BCG Trường Thành được chấp thuận đầu tư từ năm 2016 nhưng rất lâu sau đó không thực hiện được, tỉnh đã thu hồi vào năm 2021.
Hay Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt tại Đạ Huoai của Công ty Môi trường An Vương Đạ Huoai cũng được chấp thuận đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay không động tĩnh gì, đã bị thu hồi lại. Còn khu tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn tại Lâm Hà của Công ty Môi trường Lâm Hà được chấp thuận đầu tư từ năm 2020 nhưng đến nay có tiến độ khá chậm, chưa hoàn thành để đưa vào hoạt động.
Không ít lần các nhà máy xử lý rác trong tỉnh đang hoạt động tự ý ngưng tiếp nhận rác, đẩy chính quyền địa phương vào thế khó để xử lý sai phạm do không thể ngưng hoạt động của các nhà máy. Các địa phương cũng chưa có phương án dự phòng khả dĩ khi nhà máy ngưng hoạt động; các vùng xử lý rác thải sinh hoạt chưa có sự liên kết để lưu giữ, vận chuyển và xử lý rác thải.
Ngành chức năng cũng đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn. Do vị trí Nhà máy Xử lý rác Xuân Trường, Đà Lạt nằm ngay trong khu vực nước thải chảy vào nguồn nước sông Đa Nhim. Còn Nhà máy Xử lý rác Tân Thành, Đức Trọng nếu được xây dựng sẽ nằm ngay trong khu vực nước thải chảy vào dòng sông Đồng Nai. Trong trường hợp các nhà máy này xử lý nước thải không đảm bảo hoặc khi có sự cố đối với hệ thống xử lý, nước thải từ các nhà máy này chảy vào, gây ô nhiễm nước đầu nguồn của một con sông lớn miền Nam Việt Nam.
• PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP
Thực tế cho thấy, nếu quản lý rác thải sinh hoạt không tốt, xử lý rác thải không hợp vệ sinh sẽ gây những tác động lớn đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh...
Ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo vệ sinh đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp; làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng dân cư sống gần các bãi chôn lấp.
Định hướng chung của Lâm Đồng trong thời gian đến, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, ưu tiên giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Lâm Đồng sẽ chú trọng tăng cường năng lực thu gom chất thải sinh họat cho các khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số và mật độ dân cư cao, nhất là những vùng nông thôn có xu hướng đô thị hóa mạnh. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thu hút xã hội hóa công tác xây dựng mới các khu xử lý liên hợp, chú trọng đầu tư và thu hút đầu tư với các công nghệ xử lý tiên tiến, kết hợp nhiều công nghệ liên hợp trong một công trình như: công nghệ đốt, thu hồi, tái chế…, tránh các công nghệ cũ như chôn lấp, đặc biệt là chôn lấp hở không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Cùng với việc nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn, rác thải sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và đưa về các khu xử lý rác thải trong vùng; rác thải nguy hại, rác thải y tế được đưa về các cơ sở có chức năng xử lý theo phân vùng; ưu tiên xây dựng các nhà máy xử lý rác thải có thu hồi năng lượng và phát điện, hạn chế tối đa lượng rác thải chôn lấp.
Ngành chức năng cho biết, tổng diện tích quy hoạch đất bãi thải, xử lý chất thải toàn tỉnh hiện nay là 222 ha, tăng 130 ha so với năm 2020, bao gồm quy hoạch 6 khu xử lý, bãi chôn lấp cấp tỉnh; 8 khu xử lý, bãi chôn lấp cấp vùng.
Lâm Đồng cũng cam kết chú trọng công tác bảo vệ môi trường từ khâu phát sinh cho đến công đoạn xử lý, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm quỹ đất và kinh phí đầu tư, vận hành, đảm bảo hiệu quả tối ưu; hỗ trợ tối đa cho các dự án đang hoạt động và đang triển khai đầu tư, sớm hoàn thiện để đưa vào hoạt động, có công nghệ hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường; kiên quyết chấm dứt các dự án cố tình không tuân thủ quy định; đảm bảo khối lượng rác thải cho các nhà máy vận hành theo công suất thiết kế, hạn chế xung đột giữa các nhà máy; tạo tính liên kết vùng, bổ trợ giữa các nhà máy.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế rác thải; đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ môi trường liên quan đến rác thải; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền; phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường trên cơ sở rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình bảo vệ môi trường lồng ghép các mô hình kinh tế - xã hội.
Đối với khu vực Lạc Dương và Đà Lạt hiện nay, nơi có các hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân địa phương và du khách nên tỉnh nghiên cứu không tiếp tục cho đầu tư nhà máy xử lý rác nơi đây nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và phát triển du lịch trong tương lai.
Tại Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trong đầu tháng 5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, trong thời gian đến, Lâm Đồng tiếp tục vận động nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường nguồn lực để đầu tư xe vận chuyển rác cho cơ sở; nghiên cứu việc dùng túi nhựa khác màu để phân loại rác thải.
Tỉnh cũng sẽ tính toán để đưa ra định mức nhằm tổ chức đấu thầu thu gom rác thải thời gian hoạt động trong vòng 5 năm; quy định mức đóng tiền của người dân hợp lý trong thu gom rác thải; kêu gọi đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Đức Trọng, Bảo Lâm và Đam Rông cũng như hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng mua lại các nhà máy xử lý rác trên địa bàn tỉnh để thay đổi công nghệ cũ bằng công nghệ tiên tiến hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin