Đó là thứ thanh âm nhỏ nhoi, rất khẽ trong vô vàn âm thanh cuộc sống, không mỹ miều, không chút điểm tô. Đó là thứ thanh âm biểu cảm của sự sẻ chia, mà chỉ đến khi "lắng" mới nghe được tiếng… lòng: Tiếng chổi tre!
Đó là thứ thanh âm nhỏ nhoi, rất khẽ trong vô vàn âm thanh cuộc sống, không mỹ miều, không chút điểm tô. Đó là thứ thanh âm biểu cảm của sự sẻ chia, mà chỉ đến khi “lắng” mới nghe được tiếng… lòng: Tiếng chổi tre!
|
Tiếng chổi tre rất khẽ trong thanh âm phố phường |
Đà Lạt đêm, lạnh. Làn sương mỏng manh buông lơi trên mặt hồ Xuân Hương. Bất chợt, tiếng reo đồng thanh. Những tia sáng cuối cùng rơi tõm xuống mặt hồ, màn trình diễn pháo hoa đêm khai hội Tuần Văn hóa - Du lịch Đà Lạt 2013 đã dứt. Những đôi tay quấn quyện, những bước chân dặt dìu trên mặt phố… Họ đã về với hơi ấm gia đình. Chỉ còn nghe tiếng chổi tre xào xạc…
Đà Lạt càng về khuya càng lạnh. Không còn ánh trăng soi xuống nền đường như mươi hôm trước. Chỉ còn màu đèn vàng sau giờ khai hội “phả” lên viền dạ quang trên những chiếc áo xanh bên đường. Tôi dừng lại không bằng thính giác, mà đó là một sự sẻ chia rất khẽ và có phần hà tiện.
Dòng xe vẫn trôi trên phố. Chị lao công lầm lũi, lọt thỏm giữa dòng người, chỉ còn bóng nón e lệ thấp thoáng. Tôi nhìn đồng hồ. Đã qua ngày mới…
- Giờ này mà chưa về hả chị? - Tôi hỏi làm quen.
- Ngày thường thì xong rồi, nhưng lễ hội mà chú, răng mà về được. - Giọng “Nghệ” thỏ thẻ, chị ngước lên nhìn tôi. Có lẽ, cũng hiếm khi chị bị hỏi bất chợt như thế trong cái “nghiệp” của mình!? Và câu chuyện giữa đêm cuối đông… bắt đầu chơi vơi theo tiếng chổi tre rời rạc trên phố.
Chị tên là Sương, Nguyễn Thị Sương, mới có “thâm niên” sáu năm “làm bạn” với tiếng chổi tre trên phố, nhưng ngần ấy thời gian cũng đủ để chị gói gọn sự nếm trải của mình. “Nhiều lúc cứ lủi thủi về giữa đêm mà sung sướng nhìn những đứa con yên giấc. Nhưng quen rồi chú à!”. - Chị nhìn tôi, bẽn lẽn… rồi đẩy chiếc xe rác chuyên dụng xa dần, để lại câu chuyện dở dang… Bóng nón chị lẩn khuất giữa dòng người. Tôi khẽ khàng: đúng là “Sương”!
Thành phố bảng lảng sương giăng. Lạnh. Nhưng ẩn khuất dưới những vành nón, có lẽ những giọt mồ hôi của số phận và cuộc đời lao công vẫn li ti chát mặn. “Chú hỏi làm gì thế?” - Tôi giật mình quay lại. Ánh đèn đường đủ cho tôi nhìn ra tên chị trên áo: Đoàn Thị Xoan.
Cô hộ lý xinh xắn một thời ở bệnh viện, mới đến với “nghề cầm chổi” ba năm, nhưng nét xoan dường như đã lạt phai trên đôi má. Bốn mươi ba mùa xuân trôi qua, vẫn độc thân khi dang dở một đời chồng. Sau giờ tan ca, cũng như bao người lao công khác, chị Xoan nhặt nhạnh vội vàng vài thứ còn chút giá trị mà ai đó đã vô tình, hay cố ý “rơi vãi” trên đường để kịp về “chăm” người cha vào tuổi bát tuần.
Có lẽ đang xoan nên chị được phân công cung đường thường diễn ra lễ hội ở phố núi! Đường Yersin, bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng. “Tuyến đường này khách đông lắm, nên hơi vất vả… Nhưng mà quen rồi. Với lại, được phụ trách tuyến đường mang tên người khai sinh Đà Lạt cũng mang đến cho mình niềm vui”. – Chị Xoan thổ lộ.
Nghề của tôi cũng thao thức, lắm lúc cũng rét mướt, nhưng không cô quạnh lúc này. Bởi, vẫn còn những bóng nón trong đêm, tiếng chổi tre xào xạc và cả những bước chân, “áo hội” vội vàng rời phố…
Đà Lạt đang vào hội, tiếng chổi tre trong đêm cũng gấp gáp hơn thường ngày. Đã qua giờ ca đêm mùa lễ hội, nhưng Tổ trưởng Tổ 5 - Đội môi trường Phạm Thị Nhài vẫn chưa kịp về. Tôi nhìn trên mặt đường, những tấm thiếp mời “khán đài A” “khán đài B”, những vỏ bao “ba số”… vẫn còn vương vãi.
Con người nhỏ nhắn, khuôn mặt được giấu kín sau tấm khẩu trang chống rét, chỉ thấy đôi mắt của sự lạc quan. Hơn 20 năm gắn bó với những cung đường TP ngàn hoa Đà Lạt, từ trục đường trung tâm Yersin, đến những nơi xa phố cả chục cây số, như Trại Mát, đèo Mimosa, đèo Tà Nung… chị đã nếm đủ mùi vị của nghề, của cuộc sống.
Tổ của chị có 33 lao công, phụ trách sáu cung đường dài thăm thẳm. Ngày thường, họ bắt đầu ca đêm lúc 16 giờ và trở về khi thành phố đã yên giấc. Lễ hội thì khác, họ phải tăng cường hai ca: 19 giờ đến thời khắc sang ngày mới và từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, khi những bước chân khoan thai của người Đà Lạt, du khách vòng quanh hồ Xuân Hương để “bồi đắp” sức khỏe cho một ngày mới.
- Mùa mưa gió phải đi sớm hơn chú ạ, không thì không kịp. - Chị Nhài nói.
- Thấy họ áo hoa xúng xính vào hội các chị có mủi lòng? - Tôi hỏi. “Bọn mình chai sạn với hình ảnh ấy rồi. Đã từng khó, từng khổ nên thấy công việc rất đỗi bình thường. Cái nghề này là phải thế mà chú…”. Câu nói trào ra tự nhiên, ức nghẹn của chị đã “khoan” sâu vào trái tim tôi. Tôi lặng người đứng nhìn tấm thân bé nhỏ, mong manh cùng bóng nón của chị lẩn khuất trong đêm hội phố phường…
Những bước chân vẫn gõ phố đi về, nhà nhà đang chìm trong giấc nồng… Chỉ còn họ, những lao công cặm cụi trên phố, họ “giải trí” với nhịp điệu tiếng chổi tre. Những câu nói tự nhiên của họ ùa về trong tâm thức kẻ cầm bút: Cái nghề này là thế, cũng có đôi phút chạnh lòng. Bởi, âu cũng là phận người… Những đôi tay bé nhỏ hàng ngày “chạm” vào những thứ “bỏ đi” trên phố, nhưng có lẽ họ được “mang về” sự sẻ chia, cảm phục!
Xúc động, nhưng tôi chỉ biết “lắng” để “nghe”. Vì đó chính là công việc mưu sinh thường nhật của họ trên những con đường cái quan, đến góc cùng ngõ hẻm, vượt trên vất vả, nhọc nhằn của nghề và số phận.
Thanh âm “tiếng chổi tre” trong thơ Tố Hữu chợt ùa về trong đêm giá lạnh… không bằng thính giác, mà đó là sự lắng đọng của tiếng lòng: “…Nhớ em nghe/ Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về…”.
Thời gian chầm chậm trôi về phía tinh sương, về thời khắc chuyển giao năm cũ. Tôi đã trở về tới tổ ấm của mình, nhưng không thể chợp mắt vì “tiếng chổi tre”, vì câu nói buông rơi trong đêm rét mướt của lao công Bùi Thị Định: Nghề này có được về giao thừa cùng gia đình đâu chú, có bộ đồ tết mà bấy lâu cũng chưa có dịp để mặc, huống chi là lễ hội…
Chợt ngọn gió cuối đông nhè nhẹ len vào khe cửa, tôi bật dậy và lóc cóc bàn phím…
MAI VĂN BẢO