(LĐ online) - Gần đây, trên một số tờ báo và trang mạng, blog… đăng tải các bài viết về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của nước ta. Trong đó, một số bài phê phán những hạn chế, tiêu cực trong GD&ĐT với lối suy luận cá nhân chủ quan và bằng cái nhìn ảm đạm…
(LĐ online) - Gần đây, trên một số tờ báo và trang mạng, blog… đăng tải các bài viết về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của nước ta. Trong đó, một số bài phê phán những hạn chế, tiêu cực trong GD&ĐT với lối suy luận cá nhân chủ quan và bằng cái nhìn ảm đạm…
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tặng thưởng cho học sinh đạt giải thưởng quốc tế |
* Truyền thống hiếu học
Dân tộc Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”; người Việt Nam có truyền thống hiếu học. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tiền nhân rất chú trọng đến việc bồi dưỡng và đào tạo nhân tài “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Việt Nam tự hào là quốc gia duy nhất trên thế giới có Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), được xây dựng từ năm 1070, năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Ngoài ghi danh 82 khoa thi tiến sĩ thời Lê - Mạc; đây còn là công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo được UNESCO tôn vinh là Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”.
Đầu tư cho sự nghiệp GD&ĐT, bồi dưỡng và phát triển nhân tài luôn được đặt ra bức thiết trong mọi thời đại, trong mọi giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Bởi thịnh hay suy của một quốc gia, dân tộc tùy thuộc rất lớn vào thế hệ tương lai; trong đó tri thức (tài năng), phẩm chất (đạo đức) là những giá trị quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng cốt lõi này tiếp tục được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta thông qua nhiều văn kiện quan trọng, các chiến lược, chương trình tập trung cải cách, đổi mới, ưu tiên phát triển toàn diện sự nghiệp GD&ĐT.
Còn nhớ, ngay sau một ngày đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thì ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời và Người đã nêu 6 vấn đề (nhiệm vụ) cấp bách lúc bấy giờ. Trong đó, “vấn đề” cấp bách được Bác xếp thứ hai (sau nạn đói) là nạn dốt, tức là công tác giáo dục. Và, Bác Hồ đã chủ trương “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Bởi sau Cách mạng Tháng 8/1945, cả nước hơn 90% dân số mù chữ. Mà “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sau khi “thanh toán” nạn mù chữ, chủ trương mở rộng loại hình trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển nhân tài…được thực hiện gắn với nhiệm vụ kiến thiết đất nước, khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
Sự đổi mới toàn diện đất nước được đánh dấu từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986). Và, 10 năm sau đó (năm 2006), Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”. Có thể nói, đến nay gần 18 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) cùng với những chủ trương, chính sách ưu tiên “giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”, GD&ĐT nước ta đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới và đưa nước ta thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, vươn lên trong xu thế hội nhập và phát triển...
* Những thành tựu GD&ĐT của Việt Nam
Sự nghiệp GD&ĐT của nước ta đã có bước tiến dài. Hiện nay, trong cả nước có 42.464 trường (từ mầm non đến THPT); 234 trường ĐH, học viện (với các loại hình: ĐH công lập, ĐH ngoài công lập, các trường ĐH địa phương, ĐH vùng, hệ thống các Học viện…); trên 500 trường TCCN, CĐ, với trên 22 triệu học sinh, sinh viên (HS,SV) và 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Đội ngũ giảng viên trong các trường phổ thông, CĐ, ĐH có trình độ cao cũng tăng lên đáng kể: 9.126 TS, 36.347 Ths, 2.687 GS, PGS…
Đặc biệt, tài năng trẻ Việt Nam khẳng định trên thế giới ở hầu hết các lĩnh vực. Năm 2012, 100% thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olimpic quốc tế đều đoạt giải với tổng cộng 29 huy chương (7 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ). Lần đầu tiên 3 HS Việt Nam (Trường THPT Amsterdam – Hà Nội) đã đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) tổ chức tại Mỹ. Đội tuyển Toán của Việt Nam xếp trong 10 nước mạnh nhất. Năm 2013, có hàng trăm HS, SV Việt Nam đoạt giải thưởng cao cuộc thi Olimpic quốc tế các môn: tiếng Anh, Tin học, Vật lý, các môn thi khoa học trẻ quốc tế… 4 người trẻ của Việt Nam đã được vinh danh trên thế giới: Hoàng Lan (Giải thưởng Fouder’s Medal Đại học Vanderbit); Lưu Thu Hạnh (cựu HS Trường THPT Lê Hồng Phong - TP. HCM), du học theo Đề án 322 của Chính phủ Việt Nam tại ĐH Adelaide nhận 2 giải thưởng thành tích học tập xuất sắc và được bình chọn SV quốc tế của năm; Đặng Thị Hương “nữ SV nghèo gương mặt xuất sắc của năm” và Trần Tuấn An “nam SV xuất sắc nhất trường nhạc North park”...
|
Hàng trăm học sinh giỏi quốc gia và quốc tế được tôn vinh |
* Suy diễn lệch lạc về GD&ĐT Việt Nam
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang (Trường ĐHQG Hà Nội) thì GD&ĐT nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu để làm động lực quan trọng nhất cho phát triển. Nhiều hạn chế, yếu kém của GD&ĐT vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn. Gần đây, những hiện tượng tiêu cực trong thi cử; công tác quản lý giáo dục, việc quản lý, cấp phép hoạt động các cơ sở giữ trẻ tư nhân nên đã để xẩy ra những vụ việc đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận; vấn đề dạy thêm, học thêm; bạo lực học đường, giáo viên hành xử trái với quy định về đạo đức nhà giáo... diễn ra ở nơi này nơi khác.
Lợi dụng những hiện tượng tiêu cực đó, một số cá nhân đã viết bài bình luận, phê phán ác ý ngành GD&ĐT hạ thấp, bôi đen, phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam; thậm chí có tác giả với cái nhìn bi quan, suy luận lệch lạc rồi quy chụp rất phản động. Việc một thầy giáo ở Bình Định đánh HS trong lớp, tác giả Trần Kiêm Đoàn đã cho rằng “Hiện tượng xuống cấp và nhu cầu cải cách của nền giáo dục Việt Nam…”. Ông thừa biết đây chỉ là “hiện tượng”, “một con sâu”? Không thể hồ đồ kết luận: “Lương y không còn là từ mẫu… thiên chức nhà giáo bị xô giạt vào nếp sinh hoạt thực dụng, bon chen cộng với sự áp đặt tư tưởng chính trị một chiều”...
Tác giả Vương Trí Nhàn sau khi so sánh GD&ĐT Việt Nam với các nước trên thế giới mai mỉa: “Tạm ví như trong khi người ta đi thì mình phải bò phải lết”; phê phán nền giáo dục nước ta “phi chuẩn, không theo chuẩn quốc tế…”; to tiếng: “Làm sao cứu vãn thứ giáo dục phi chuẩn mực này” (!) . Tai hại hơn, ông này cho rằng “giáo dục Việt Nam thời trung đại còn quá non nớt không đủ hình thành một hệ thống. Tới nền giáo dục mà người Pháp mang lại thì mới tàm tạm”. Ông nhầm lẫn hoặc cố tình... quên, trong “100 năm đô hộ giặc Tây”, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách vơ vét thuộc địa và “ngu dân” đã làm hơn 2 triệu người dân nước ta chết vì đói và trên 90% dân số Việt Nam mù chữ... Còn tác giả Hữu Đức thì hô hào: “hãy trả tự do cho giáo dục”. Theo ông, phải “trả” trường học, cơ sở giáo dục cho giáo hội (công giáo và phật giáo) hoặc tư thục hóa giáo dục… Các tác giả còn “đề nghị” sao Việt Nam không “bắt chước” Myanmar hay Singapore, nền giáo dục của họ nhờ vào nước Anh, hoặc “thuê” GS, TS các nước về dạy trong các trường ĐH của Việt Nam (!)...
Hội nghị TW 8 (khóa XI) tiếp tục ban hành Nghị quyết “về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm với quyết tâm “giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”. “GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; phát triển GD&ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”; Mục tiêu là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành những con người có đức, có tài để phục vụ sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc Việt Nam chứ không phải... “tìm chỗ đứng bên ngoài biên giới Việt” như tác giả Huy Đức cổ súy !
Đảng ta tiếp tục chủ trương “thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa GD&ĐT; phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập...”. Xã hội hóa GD&ĐT trên tinh thần huy động sự ủng hộ, đóng góp của các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục và được đặt dưới sự quản lý của Nhà nước chứ không phải buông lỏng quản lý hay giao sự nghiệp GD&ĐT nước ta cho tổ chức, cá nhân muốn làm gì thì làm! Việt Nam “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD&ĐT...”. Việc hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới trong lĩnh vực GD&ĐT; giữa các trường ĐH của Việt Nam với nhiều trường ĐH có danh tiếng trên thế giới phát triển khá tốt. Hợp tác quốc tế, học hỏi nền giáo dục tiên tiến của các nước để vận dụng phù hợp (chứ không máy móc) nhằm phát triển GD&ĐT Việt Nam trong xu thế hội nhập, chứ ta không “dựa vào ai” không phải đi “thuê” ai cả!...
Thạch Tâm