Sơ chế nhựa phế liệu gây ảnh hưởng khu dân cư

04:04, 27/04/2014

Đã 10 năm nay, hàng chục hộ dân sống tại khu phố 7 (nay là tổ dân phố 13, phường Lộc Phát, Bảo Lộc) phải chịu cảnh ô nhiễm do Cơ sở thu mua và xay nhựa phế liệu gây nên. 

Đã 10 năm nay, hàng chục hộ dân sống tại khu phố 7 (nay là tổ dân phố 13, phường Lộc Phát, Bảo Lộc) phải chịu cảnh ô nhiễm do Cơ sở thu mua và xay nhựa phế liệu gây nên. Dù đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, nhưng Cơ sở này vẫn chưa có hướng xử lý và mức độ ô nhiễm ngày càng cao.
 
Hàng trăm bao đựng phế liệu chất đầy tại cơ sở có nguy cơ cháy cao
Hàng trăm bao đựng phế liệu chất đầy tại cơ sở có nguy cơ cháy cao
 
Cơ sở thu mua và xay nhựa phế liệu nói trên ở địa chỉ số 21, đường Hoàng Diệu (tổ dân phố 13, phường Lộc Phát). Trên giấy tờ pháp lý, cơ sở do bà Trương Hồng Xuân làm chủ. Thế nhưng, theo phản ảnh của nhiều hộ dân, thời gian gần đây, cơ sở đã được sang nhượng lại cho một chủ mới tên Hồng. Từ đó, quy mô sản xuất của cơ sở được mở rộng. Nhà xưởng xây kín mít và máy xay nhựa hoạt động liên tục cả ngày. Chính vì vậy, mùi hôi và lượng nước thải từ cơ sở ra cống thoát nước chung của khu dân cư ngày càng nhiều. Anh Vũ Khắc Công (người dân sống gần cơ sở này) phản ánh: “Tất cả các chai lọ bằng nhựa đều được bà Hồng thu mua về và xay nhỏ. Cả chai nhớt đến chai thuốc trừ sâu cũng có. Do đó, mùi hôi từ nhựa xay lúc nào bốc mùi cũng rất khó chịu. Đáng lo sợ hơn là lượng nước để tẩy rửa nhựa sau khi xay lại thải trực tiếp ra cống thoát nước. Cách đây vài ngày, lợi dụng lúc trời mưa, cơ sở của bà Hồng đã xả nước thải trực tiếp ra cống”. 
 
Theo đoạn phim mà anh Công cung cấp, dòng nước có màu đen ngòm chảy từ mương thoát nước của cơ sở bà Hồng đổ thẳng xuống mương chung của khu dân cư. Khi thấy người dân quay phim, công nhân đã bơm nước sạch để “xóa dấu vết” và ngưng sản xuất vài ngày, sau đó hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Đăng Long (ở đối diện cơ sở này), lo lắng: “Nước thải với đủ loại hóa chất độc hại từ vỏ chai thuốc trừ sâu, vỏ chai nhớt, đến chất tẩy làm trắng nhựa đã xay cứ thế đổ ra môi trường và ngấm vào đất. Người dân chúng tôi rất lo lắng đến mức độ ô nhiễm các giếng nước sinh hoạt xung quanh. Bản thân gia đình tôi đã không dám sử dụng nước giếng đào trước đây nữa mà phải khoan giếng có độ sâu hơn”.
 
Cơ sở thu mua và xay nhựa phế liệu của bà Hồng được xây dựng trên diện tích khoảng 1.000m2. Cơ sở sản xuất được xây tường cao bao quanh, phía trước mặt tiền được che chắn kín bằng tôn và cổng sắt. Ông Phạm Văn Anh, Tổ trưởng Tổ dân phố 13, cho biết: “Cơ sở hoạt động ra sao, sử dụng bao nhiêu lao động, chúng tôi không hề được biết. Khi có việc cần liên lạc, công nhân cũng không mở cửa mà chỉ nói qua ô khóa cửa. Điều chúng tôi lo ngại nhất là bên trong cơ sở chứa phế liệu dễ cháy nổ, lại không có người quản lý vào ban đêm!”. Để quan sát được bên trong, chúng tôi đã phải bắc thang leo lên tường cao khoảng 3m và chụp hình qua rào lưới B40. Bên trong cơ sở, hàng trăm bao nhựa chứa chất cứng đủ loại chai nhựa. Ước lượng có đến hàng tấn vỏ chai được lưu giữ tại kho. Một vài lao động tiến hành phân loại và đưa vỏ chai vào máy xay. Ông Trần Văn Tỉnh, Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố 13, cho biết: “Sau nhiều lần cử tri phản ánh, cơ sở đã từng bị UBND phường Lộc Phát phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có lấy mẫu nước thải và nước giếng của người dân xét nghiệm và kết luận nguồn nước vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Người dân chúng tôi chỉ lo lắng về lâu dài, khi một cơ sở sản xuất công nghiệp lại nằm giữa khu dân cư sẽ gây ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ cao. Do đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị phải đi dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư”.
 
Theo giấy tờ lưu tại UBND phường Lộc Phát, cơ sở thu mua và xay nhựa phế liệu của bà Trương Hồng Xuân được Sở Tài nguyên Môi trường phê duyệt bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường từ tháng 4/2006. Theo đó, cơ sở phải tuân thủ các quy định: Đối với chất thải nguy hại như bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật phải được thu gom, phân loại theo đúng quy chế quản lý chất thải nguy hại hiện hành; không để nước thải rửa trôi làm ảnh hưởng đến nguồn nước trong khu vực. Mọi thay đổi phải được thông báo bằng văn bản và chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng. Trong khi đó, cơ sở này đã thay đổi cả về chủ sở hữu lẫn quy mô sản xuất, nhưng vẫn sử dụng bảng đăng ký cũ (từ năm 2006). Ông Nguyễn Quang Vỹ, Đội trưởng Đội Trật tự Đô thị phường Lộc Phát, cho biết: “Theo định kỳ, phường vẫn tiến hành kiểm tra môi trường của cơ sở này. Điều mà người dân phản ánh về nguy cơ cháy nổ là đúng. Sở Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu cơ sở sơ chế nhựa phế liệu phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải gồm 3 ngăn. Nước sau khi xử lý thì tái sử dụng. Khi nước đã quá bẩn và cô đặc thì phải thuê Công ty Công trình đô thị thu gom. Về mương thoát nước từ cơ sở đổ trực tiếp ra mương chung chỉ là để thoát nước mưa. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc xả nước thải qua mương này. Về lâu dài, do cơ sở có thu mua cả chai nhớt và chai thuốc trừ sâu để xay, nên đề nghị cấp thẩm quyền xem xét lại giấy phép kinh doanh. Cần thiết thì phải di dời cơ sở vào khu công nghiệp hoặc khu quy hoạch để đảm bảo an toàn cho khu dân cư”.  
 
ĐÔNG ANH