Có hay không phân bón kém chất lượng?

04:05, 08/05/2014

Cuối tháng 3 năm 2014, một vài nông dân ở xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) phản ánh tình trạng cà phê bị vàng lá rồi chết dần sau khi được bón một loại phân, mà theo họ nghi là kém chất lượng.

Cuối tháng 3 năm 2014, một vài nông dân ở xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) phản ánh tình trạng cà phê bị vàng lá rồi chết dần sau khi được bón một loại phân, mà theo họ nghi là kém chất lượng. Sự việc này một lần nữa lại khiến dư luận ở Bảo Lâm nghi ngờ về khả năng có hay không một lượng phân bón kém chất lượng đang được đưa về cho nông dân thông qua hình thức bán trả chậm?
 
 Nông dân Lê Văn Phú còn giữ lại 2 tấn phân Sông Lam 333 (mua năm 2013)
Nông dân Lê Văn Phú còn giữ lại 2 tấn phân Sông Lam 333 (mua năm 2013)

Nông dân Lê Văn Phú (thôn 3, xã Lộc Bảo) cho biết: “Vào đầu mùa khô năm ngoái, thông qua Hội Nông dân xã Lộc Bảo, tôi mua 5 tấn phân bón Sông Lam 333 của Công ty TNHH Sông Lam (trụ sở đóng tại TP Hồ Chí Minh), với giá 15 triệu đồng. Mới đầu sử dụng, cà phê chưa có dấu hiệu gì ngoài việc lá không “bốc” lên được. Tôi tưởng do bón phân ít quá, nên đã bón thêm, thì lá cà phê càng ngày càng vàng và cứ thế chết dần”. Trong số 5 tấn phân bón mua của Công ty Sông Lam, ông Phú mới sử dụng khoảng 3 tấn để bón cho hơn 2ha cà phê. Khi cà phê có dấu hiệu vàng lá và chết thì ông không tiếp tục sử dụng loại phân này nữa. 2 tấn phân còn lại, ông vẫn giữ lại trong nhà, chờ các ngành chức năng xem xét, xử lý.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ba - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo, cho biết: “Trong năm 2013, nông dân xã Lộc Bảo mua khoảng 98 tấn phân bón của Công ty TNHH Sông Lam, nhưng chỉ 3 hộ phản ánh có hiện tượng cà phê rụng lá sau khi sử dụng loại phân bón này. Đó là hộ ông Lê Văn Phú (mua 5 tấn), hộ ông K’Ra (mua 2 tấn) và hộ bà Ka Liễu (mua 3 tấn)”. Song, ông bà vẫn băn khoăn: Không hiểu tại sao cùng một chuyến xe chở phân về Lộc Bảo, mà chỉ có 10 tấn phân của 3 hộ xảy ra hiện tượng vàng lá khi bón? Cũng theo ông Ba thì từ nhiều năm nay, nông dân xã Lộc Bảo vẫn sử dụng loại phân của Công ty TNHH Sông Lam để bón cho cà phê, nhưng chưa hề xảy ra tình trạng nói trên. Vụ việc đã được ông Ba báo cho đại lý bán phân trả chậm, nhưng đến nay, đã 1 tháng sau khi sự việc được báo cáo, phía đại diện của công ty này vẫn chưa có động thái phản hồi.
 
Ông K’Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, khẳng định: “Tình trạng phân bón kém chất lượng không phải bây giờ mới xuất hiện ở địa bàn Lộc Bảo, trước đó (năm 2011 - 2012), tình trạng phân bón kém chất lượng đã làm nhiều diện tích cà phê của nông dân trở nên già cỗi, vàng lá”. Ông Đậu Văn Xuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, cũng thừa nhận thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lâu nay vẫn có xuất hiện trên địa bàn Bảo Lâm. Tuy nhiên, mức độ chưa đến mức phải “báo động”. “Mỗi năm, ở Bảo Lâm chỉ xảy ra vài ba vụ vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Sở dĩ số vụ vi phạm ít xảy ra là vì người dân đã biết tự bảo vệ mình bằng cách trang bị các kiến thức về phân bón (xem xét mẫu mã, thành phần ghi trên bao bì) và chỉ mua phân bón của những công ty sản xuất phân có uy tín” - Ông Đậu Văn Xuân cho hay.
 
Còn theo ông K’Long - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm: Ở Bảo Lâm, ngoài nông dân Lộc Bảo sử dụng phân bón của Công ty TNHH Sông Lam, nông dân của 13 xã, thị trấn khác trên địa bàn cũng đều sử dụng phân bón của công ty này, nhưng chỉ có một vài hộ ở Lộc Bảo phản ánh chất lượng phân không đảm bảo. Huyện sẽ làm việc với Công ty TNHH Sông Lam để kiểm tra lại, còn hiện nay, chưa thể khẳng định phân giả hay phân kém chất lượng được. 
 
Để bảo vệ thương hiệu và giữ uy tín với khách hàng, thiết nghĩ, Công ty TNHH Sông Lam cần sớm hợp tác với huyện Bảo Lâm và các ngành liên quan tiến hành kiểm tra để trả lời thắc mắc của một số nông dân ở xã Lộc Bảo để bà con yên tâm mua phân bón đầu tư cho cà phê và các loại cây trồng khác, khi mùa vụ đã cận kề.  
 
TRỊNH CHU