Cần chủ động đề phòng nguy cơ cháy, nổ trong dịp giáp Tết Nguyên đán

08:01, 09/01/2017

Gần giáp Tết Nguyên đán, tình hình trật tự an toàn xã hội có những xu hướng diễn biến phức tạp, bên cạnh sự gia tăng đột biến số vụ tai nạn giao thông do nhu cầu đi lại trong các ngày nghỉ lễ, tình hình trộm cắp và cướp giật tài sản có chiều hướng gia tăng thì việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn ở một số địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp đang ở mức báo động cao, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Gần giáp Tết Nguyên đán, tình hình trật tự an toàn xã hội có những xu hướng diễn biến phức tạp, bên cạnh sự gia tăng đột biến số vụ tai nạn giao thông do nhu cầu đi lại trong các ngày nghỉ lễ, tình hình trộm cắp và cướp giật tài sản có chiều hướng gia tăng thì việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn ở một số địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp đang ở mức báo động cao, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, tổ chức và mọi người dân phải đề cao cảnh giác trước nguy cơ hỏa hoạn, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Bính Thân, khi nhu cầu sử dụng điện, nhiệt cho hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tâm linh, cúng lễ của người dân tăng cao.
 
Nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn thì nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do chủ quan của người dân và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống cháy nổ của doanh nghiệp chưa cao. Khi hỏa họa xảy ra thì thiệt hại về con người và tài sản là rất nghiêm trọng, nhiều gia đình phải tiền mất tật mang, rơi vào cảnh trắng tay vì tài sản chắt chiu gây dựng bao năm chỉ trong chốc lát đều biến thành tro bụi, đặc biệt tính mạng con người là những thiệt hại to lớn không có gì có thể bù đắp. 
 
Thời gian qua, những vụ cháy nổ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra là tiếng chuông cảnh báo quản lý Nhà nước về an toàn cháy nổ. Đặc biệt trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy của mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân vẫn còn xem nhẹ, coi đây là việc chung và là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra chưa được quan tâm đúng mức; ý thức bảo vệ tài sản của người dân, doanh nghiệp trước nguy cơ xảy ra cháy nổ chưa được chú trọng, đề cao. 
 
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, đặc biệt là dịp giáp Tết Nguyên đán, mỗi người dân, mỗi gia đình và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện tốt phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Đặc biệt là vào thời điểm giáp tết, nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh tăng cao. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các chợ, cửa hiệu buôn bán, kinh doanh vì lượng người tham gia mua bán rất lớn, đồng thời, thường xuyên cảnh báo việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình có thể là nguy cơ xảy ra cháy nổ. Song song với đó, thì công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng phải được triển khai nghiêm túc, nhất là tình trạng phát rừng làm nương rẫy, làm lửa phát tán gây cháy rừng trên diện rộng.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra và nghiêm khắc xử lý sai phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy từ khi xây dựng và quá trình hoạt động của các công trình, nhà xưởng hoặc các tụ điểm kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Và trên hết là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật phòng cháy chữa cháy để mọi người dân, doanh nghiệp không chủ quan, lơ là, có ý thức phòng cháy nổ từ những việc làm nhỏ nhất trong gia đình, doanh nghiệp. 
 
ÐỖ VĂN NHÂN