Qua khảo sát, hiện có khá nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đam Rông đang xuống cấp, già cỗi, giống kém chất lượng… trong khi đó, việc tái canh gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát, hiện có khá nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đam Rông đang xuống cấp, già cỗi, giống kém chất lượng… trong khi đó, việc tái canh gặp nhiều khó khăn.
|
Ông Vũ Văn Tâm phá toàn bộ cà phê già cỗi của gia đình để tái canh cà phê. Ảnh: H.Y |
Để đưa cây cà phê trở lại đúng vị trí là một trong những cây trồng chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm giúp người dân đẩy mạnh thực hiện tái canh những diện tích cà phê hiệu quả thấp, nhất là những diện tích cà phê được người dân khai thác nhiều năm.
Người dân tự xoay xở tái canh
Gia đình ông Vũ Văn Tâm (thôn Đạ Pin, xã Đạ K’Nàng) có gần 3 ha cà phê, trong đó một nửa diện tích đã có tuổi thọ gần 30 năm. Do phù hợp chất đất, nguồn nước tương đối thuận lợi so với những nơi khác, nên từ lâu cây cà phê đã phát triển và là thế mạnh tại đây. Vì có mặt sớm, quá trình trồng thiếu sự chọn giống phù hợp nên hầu như cà phê ở đây hạt nhỏ, năng suất thấp đều đã đến tuổi thay thế.
Ông Tâm cho biết: UBND huyện hỗ trợ gia đình mấy trăm chồi cà phê để tái canh, qua năm thứ 2 thấy năng suất đạt, tôi đã chọn giải pháp tự tái canh vườn cà phê của mình bằng cách xuống Bảo Lộc mua giống năng suất cao 138 và Trường Sơn để tái canh. Qua nhiều năm tái canh, vườn cây già cỗi gần 3 ha của tôi đã được thay thế hoàn toàn mới. Giờ thì cà phê của gia đình tôi đạt năng suất 5 tấn/ha.
Trong 3 năm (2014-2016) triển khai kế hoạch tái canh cải tạo giống cà phê, trên địa bàn huyện đã đạt kết quả thực hiện cụ thể như sau: Năm 2014, tổng kinh phí giao 787 triệu đồng, triển khai hỗ trợ được 55,1 ha, trong đó diện tích trồng bằng cây ghép 15,6 ha/31 hộ, cây thực sinh 39,5 ha/115 hộ. Năm 2015, tổng kinh phí giao 1.392 triệu đồng, triển khai hỗ trợ được 72,64 ha, trong đó diện tích trồng bằng cây ghép 30,64 ha/112 hộ, cây thực sinh 25,43 ha/71 hộ; hỗ trợ chồi ghép 16,57 ha/47 hộ. Năm 2016, tổng kinh phí giao 322,8 triệu đồng, triển khai hỗ trợ được 54,4 ha, trong đó diện tích trồng bằng cây ghép 40 ha và hỗ trợ chồi ghép 14,4 ha cho 118 hộ. |
Hầu hết người trồng cà phê đều hiểu việc tái canh đối với diện tích cà phê già cỗi là việc làm tất yếu nhằm trẻ hóa vườn cà phê, tăng năng suất. Nhưng việc tiến hành chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để tái canh ít nhiều tác động đến tâm lý của người dân. Bởi lẽ, thời gian sản xuất đến khi thu hoạch khá dài, người dân lấy gì để trang trải cuộc sống, khi mà thu nhập dựa hoàn toàn vào cây cà phê. Chính vì thế, nhiều hộ dân đã chọn hình thức tái canh từng phần, tức là lô cà phê nào già cỗi thì tái canh trước.
Gia đình ông Triết K’Kràng (thôn 1, Liêng S’rônh) có 2 ha cà phê già cỗi. Ông được Nhà nước hỗ trợ ghép chồi 0,5 ha, hiện diện tích này đang phát triển khá tốt. Gia đình ông cần thêm khoảng 150 triệu đồng để tái canh diện tích cà phê còn lại. Diện tích cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình, nếu phá bỏ để tái canh một lúc thì không biết trang trải cuộc sống thế nào nên ông chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư tái canh.
Anh Hoàng Văn Long, (thôn Tân Tiến, Đạ R’Sal) than thở, gia đình có 2 ha cà phê theo giá thị trường khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng khi thẩm định cho vay vốn chỉ được khoảng 50 triệu đồng, nên gia đình đành chấp nhận để vườn cà phê già cỗi, thu được đến đâu hay đến đó…
Theo ông Đoàn Xuân Hải - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đam Rông, để phục vụ cho việc tái canh cà phê trên địa bàn, trong điều kiện ngân sách huyện còn hạn hẹp, Nhà nước nên thực hiện lồng ghép từ nhiều dự án và hỗ trợ toàn bộ hạt giống đảm bảo chất lượng và một phần kinh phí cho huyện để tổ chức gieo ươm cây giống cung cấp cho nhân dân trên địa bàn; đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục vay vốn ngân hàng để chương trình được thực hiện.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Theo thống kê, toàn huyện Đam Rông hiện có khoảng 1.300 ha cà phê có thời gian sinh trưởng trên 15 năm tuổi, chiếm khoảng 16,1% diện tích cà phê toàn huyện. Một số diện tích sử dụng giống kém hiệu quả, canh tác không đúng quy trình, kỹ thuật… đã làm cho năng suất kém và ngày càng giảm mạnh cần được tái canh mới.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn nông dân đã sử dụng sổ đỏ để thế chấp vay vốn nên muốn vay lại vốn tái canh thì buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đã vay. Do nguồn tài chính của các hộ dân còn hạn chế, trong khi đó chi phí cho tái canh từ 100 - 150 triệu đồng/ha, phần tín dụng ngân hàng cho vay tối đa là 80%, số còn lại người dân tự bỏ ra, thời gian tái canh dài mới có nguồn thu nhập ổn định nên việc tái canh trên diện tích rộng, số lượng lớn người dân còn đắn đo, cân nhắc.
Ông Hải cho biết thêm, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân tiếp cận được những quy trình tái canh đúng kỹ thuật và làm chủ trong suốt quá trình tái canh cây trồng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tái canh mới đối với diện tích cà phê bị già cỗi cũng như cải tạo lại phần diện tích cà phê kém chất lượng.
HOÀNG YÊN