Lên núi làm "ngư phủ"

08:01, 04/01/2017

Cuộc sống tạm bợ nơi lòng hồ Thủy điện Ðại Ninh là cám cảnh của gần 300 con người từ các tỉnh trôi dạt về đây. Ðã nhiều năm qua, đời ngư phủ núi rừng cứ mãi lênh đênh như con thuyền gặp thác ghềnh.

Cuộc sống tạm bợ nơi lòng hồ Thủy điện Ðại Ninh là cám cảnh của gần 300 con người từ các tỉnh trôi dạt về đây. Ðã nhiều năm qua, đời ngư phủ núi rừng cứ mãi lênh đênh như con thuyền gặp thác ghềnh.
 
Tôi tìm đến những người dân làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Thủy điện Đại Ninh khi dã quỳ đã vào mùa. Từ khi thủy điện tích nước, nhiều người từ mọi miền quê đã kéo đến đây kiếm kế sinh nhai bằng nghề đánh bắt tôm cá. Hoa dã quỳ đã nở vàng nhưng cơn mưa rừng vẫn chưa dứt hẳn làm ngán tay chèo của họ mỗi khi lênh đênh trên mặt hồ. 
 
Chợ cá “dã chiến” hình thành ngay Thủy điện Đại Ninh. Ảnh: Đ.Tú
Chợ cá “dã chiến” hình thành ngay Thủy điện Đại Ninh. Ảnh: Đ.Tú
Lênh đênh sông nước
 
Trong căn chòi tạm bợ, anh Nguyễn Thanh Thới (1975) buồn rười rượi vì không đi đánh cá được bởi căn bệnh thận quái ác lại hành hạ. Chòi được dựng bằng những mảnh ghép trơ ra khoảng trống có thể nhìn thấy mặt nước phía dưới. Đôi vợ chồng từ xứ nóng Phan Rang (Ninh Thuận) tá túc trong điều kiện hết sức khốn đốn, trong nhà không có vật dụng gì gọi là kim khí hiện đại. Anh Thới tâm sự: “Đây là cái tết thứ tám gia đình tôi ở đây, cuộc sống muôn trùng khó khăn nhưng may thay kiếm được con cá, con tôm qua ngày. Tôi thì bệnh tật, đi làm thuê, làm mướn chả ai chấp nhận, vì điều kiện sức khỏe không đảm bảo. Thú thật, đây không phải là nghề gia truyền của tôi mà do thời cuộc xô đẩy, đã lên đây rồi thì làm sao trở về nữa”.
 
Ngày trước vợ chồng anh Thới phải thuê trọ tại xã Ninh Loan để đi làm nghề nhưng khoản tiền hàng tháng phải trả cho chủ nhà là một điều hết sức khó khăn. May mắn thay một người dân tốt bụng đã cho anh mượn đất cất tạm cái chòi để nương náu qua ngày. Cô con gái duy nhất của anh chị Thới là cháu Nguyễn Thị Mỹ Uyên phải nghỉ học lúc lớp 9 để lên Đà Lạt phụ giúp người quen bán bánh mì, với mong muốn cắt đứt phận sông hồ như cha mẹ mình.
 
Khác với cái “duyên” vào nghề của anh Thới, ông Trần Ngọc Kiên (1968) quê ở tỉnh Yên Bái, một người đánh bắt cá chuyên nghiệp trên các lòng hồ thủy điện. Từng rong ruổi khắp các lòng hồ các tỉnh phía Bắc nhưng rồi cá tôm ngày một cạn kiệt, sẵn có người bà con ở Lâm Đồng giới thiệu thế là đại gia đình bồng bế dắt dìu nhau vào chốn này. Có cái nghề trong tay, ông Kiên cùng hai cậu con trai tìm đến lòng hồ Đại Ninh để mưu sinh. 
 
Ông Kiên bảo: “Nghề chính của cha con tôi là đặt lừ đơm tôm. Lừ được đan bằng tre tựa như lọ cắm hoa vậy, mồi thường bằng bột củ mì (sắn) trộn với cám gạo. Lừ được kết lại với nhau thành từng dây, mỗi dây từ 100 đến 200 cái, nhà tôi có trên 1.000 cái, tính sơ sơ mỗi cái đặt làm ở quê cũ rồi chuyển vào đây có giá 11 nghìn đồng, vị chi 10 dây lừ của tôi cũng trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải đầu tư thuyền bè nữa, nặng nhất là chân vịt, bù lại chúng tôi có một nguồn thu nhập tàm tạm để sống qua ngày”.  
 
Ngư phủ không tập trung một nơi mà ở rải rác theo những khúc uốn lượn của lòng hồ thủy điện, chính vì vậy việc tiếp xúc với họ là một điều hết sức khó khăn. 
 
Phập phồng lo âu
 
Gần 300 con người đã biến Thủy điện Đại Ninh thành một “ngư trường” thực thụ với nhiều loài tôm cá nước ngọt. Từng khu vực mua bán thủy sản hình thành, kéo theo cảnh bán bán, mua mua như những khu chợ nổi miền sông nước vào mùa nước lũ tràn về. 

Lại một con thuyền cập bến, cá tôm nhảy lách tách trên khoang thuyền được làm bằng nhôm đã ngả màu đi vì mưa nắng. Tôi dò hỏi về những con người làm nghề đánh bắt tôm cá trên lòng hồ thủy điện, họ đều từ chốimột cách thẳng thừng vì lý do hết sức thiết thực: Nếu lên báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đại gia đình họ, vì sẽ không được đánh bắt tôm, cá nữa. Ngay tại những cái chợ “dã chiến”, một người đàn bà không muốn tiết lộ tên tuổi của mình, vì sợ ảnh hưởng đến cái nghiệp thương lái của mình bảo rằng, từ miền sông nước Bến Tre gia đình bà lên đây khi Thủy điện Đại Ninh vừa tích nước, đó là lúc cư dân sông nước kéo nhau lên núi làm ngư phủ. Có cung thì có cầu, đó là quy luật của thị trường, cho dù là ở đâu. Ngư phủ đánh bắt được cá tôm thì bắt buộc phải có người mua để đưa ra các khu chợ lân cận và đôi khi đi khắp các huyện, thành của Lâm Đồng. Bà sợ mai này thủy điện không cho đánh bắt nữa thì mấy trăm con người, trong đó có cả bà sẽ mất việc, và gia đình, con của bà lại rơi vào cái cảnh đói ăn như lúc gió to, sóng lớn không có người ra hồ. 

Tiếp tục đi tìm những con người lên núi làm ngư phủ, tôi vô cùng bất ngờ khi được chứng kiến những xóm nhà đậm chất sông nước Nam bộ ngay trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. Xóm được dựng lên thường từ bảy đến tám nhà, quan hệ khăng khít với nhau, cha con, họ hàng hay cùng quê hương. Những con người Tây Nguyên tốt bụng đã cho họ mượn tạm mảnh đất để “cắm dùi”, để rồi nhà thấp thoáng hiện lên không phải trên sông nước mà lẩn khuất trong những rẫy cà phê. Nhà nổi là điều mà những con người này muốn giữ lại một chút gì đó hình bóng quê nhà, vì khi xa quê họ không mang theo gì cả ngoài những câu cải lương mùi mẫn rồi điệu hò sông nước. 
 
Tôi ghé vào một xóm “miền Tây” ở Ninh Gia (Đức Trọng), nơi có bảy gia đình cùng sinh sống trong những căn nhà cất vội theo phong cách nhà nổi bằng chính những mẩu gỗ đã chìm nghỉm trong lòng Thủy điện Đại Ninh chứa đựng đến 35 con người. Cũng như bao ngư phủ khác, sự đề phòng là điều không thể tránh khỏi. Khi đó những con người Nam bộ trải lòng về công việc, cuộc sống, hoàn cảnh của mình, họ nhìn tôi cười một cách khắc khổ: Gỗ làm nhà ư, lấy dưới thủy điện khi xả nước. Thế đó, cũng như gỗ, phận ngư phủ chúng tôi cũng ba chìm bảy nổi từ miền đất này qua mảnh đất khác và được cứu vớt ở đây. Rồi hình thành ra xóm giềng, làng mạc, điều bất ngờ nơi núi rừng vàng một trời dã quỳ này. 
 
Một tương lai “mù mịt” đang hiện hữu trước mắt ở khu vực lòng Thủy điện Ðại Ninh - nơi đầu nguồn của ánh sáng.
 
Cuộc sống nghèo khổ đưa đẩy anh Phạm Quang Điền (1970) quê Long An vào vùng đất này. Anh Quang kể rằng, ở quê cũ không có ruộng đất nên phải đi làm thuê làm mướn, nhưng ruộng đồng cơ giới hóa, người nông dân không tấc đất cắm dùi biến thành những con người thất nghiệp, thất nghiệp ngay chính trên ruộng đồng của mình. Từ hai bàn tay trắng, anh phải vay mượn những người thân đã lên trước đó nhiều năm để sắm tàu bè và ngư cụ. Sáu cái tết ở lòng hồ là những nỗi niềm theo năm tháng, đói có, khổ có, nhớ quê da diết có và cả sự giành giật với thần chết cũng có. Đến nay, anh đã dựng vợ gả chồng cho người con gái của mình, mở một tiệm tạp hóa nhỏ ngay giữa núi rừng Tây Nguyên để kiếm đồng ra đồng vào. 
 
Phải nhắc đến một người đặc biệt ở cái xóm nhà nổi này, người “mở cõi” và người đưa con cái cháu chắt của mình lên đây lập nghiệp - ông Phạm Văn Miên bố của anh Phạm Quang Điền. Ông Miên là một Việt kiều Campuchia, sau đó về Đồng Tháp rồi lên đây chừng 12 năm. Mặc dù đã ngoại thất tuần, nhưng ông Miên vẫn còn dong thuyền ra khơi để kiếm con cá con tôm cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà. 
 
Cũng một người từ miền sông nước lên đây, anh Miền Văn Tây (34 tuổi) hằng ngày cùng cô con gái tên Loan của mình dong thuyền ra hồ đánh bắt tôm cá. Nghe bảo Loan cũng được đi học như bạn bè nhưng đa phần thời gian phải lênh đênh cùng với bố của mình trên lòng hồ Thủy điện Đại Ninh. Nếu như ngày xưa ở quê, Loan thường thấy hoa mù u thì bây giờ đóa dã quỳ vàng rực trong tay làm ai cũng phải xao xuyến. Loan là đứa trẻ may mắn vì lên đây được đến trường, nhưng cũng không ít bạn bè của em đã sớm phải lao vào con đường mưu sinh trên sông nước.
 
Chia tay những phận đời nghèo khó suốt ngày mưu sinh trong lòng thủy điện khi những bóng đèn đã sáng phía xa xa hắt lại. Có thể mùa xuân năm sau họ sẽ không còn ở đây nữa vì những “lệnh cấm” từ trên xuống hay ổn định hơn từ những quan tâm của chính quyền nơi sở tại.
 
ÐỨC TÚ