Để Nghị định 155 sớm đi vào cuộc sống

09:02, 17/02/2017

Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. 

Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. 
 
Trong nghị định mới, các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng sẽ tăng mức xử phạt gấp nhiều lần so với trước. Theo Điều 20, Nghị định 155/2016/ NĐ-CP, các hành vi như vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 3 - 5 triệu đồng; xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng. 
 
Tuy nhiên, sau nửa tháng thực hiện nghị định, nhiều người dân vẫn vô tư xả rác và cũng chưa thấy ai bị phạt. Trên nhiều tuyến đường tại các đô thị, khu dân cư những hành vi như xả rác ra đường phố, vỉa hè hay vô tư tiểu tiện ngoài đường vẫn khá phổ biến. Vào buổi chiều tối, chân cột điện, gốc cây, nhiều vị trí công cộng… rác thải vẫn được vứt bừa bãi... Từ đó đã dấy lên dư luận trong xã hội xung quanh việc thực thi Nghị định 155 của Chính phủ. 
 
Trước thực tế đó, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại quy định có được thực thi một cách triệt để, mang lại hiệu quả trong thực tiễn hay không? Luồng dư luận ủng hộ cho rằng Nghị định 155 của Chính phủ là rất cần thiết vì đây là vấn nạn không thể kéo dài được nữa. Trong lúc đó, loại ý kiến khác lại cho rằng Nghị định rất khó thực thi; loại ý kiến này xuất phát từ thực tế là người Việt chúng ta vẫn có thói quen xả rác, phóng uế “tự do”, bừa bãi; lại thêm địa bàn quản lý rất rộng, cán bộ phụ trách trật tự đô thị, VSMT lại mỏng nên rất khó có thể giám sát các hành vi vi phạm để xử phạt...
 
Những luồng ý kiến khác nhau là phản ánh đúng thực trạng tình hình, nhưng không phải vì rất khó thực hiện để rồi buông lỏng, thiếu quyết tâm và muốn làm được đến đâu thì đến. Chúng ta đồng tình, ủng hộ những ý kiến tin tưởng Nghị định rất cần được thực hiện và sẽ thực hiện được; bởi vì trong thực tế nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước khi mới ban hành cũng có nhiều ý kiến cho rằng không thể thực hiện được, nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt cuối cùng đã thành công. Nói như thế là có cơ sở vững chắc. Cơ sở đó là: Nghị định 155 của Chính phủ là công cụ pháp lý hết sức quan trọng; chúng ta lại có cả lực lượng thực thi ở các cấp, các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở; đặc biệt, Nghị định 155 đã đáp ứng mong muốn của người dân; hơn nữa đó cũng là đòi hỏi cấp thiết của mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Điều chúng ta phải thấy được lúc này là việc thực hiện Nghị định tuy rất khó, nhưng không có nghĩa là bất khả thi, mà nó phụ thuộc vào sự có nghiêm túc và triệt để hay không mà thôi. 
 
Vì vậy, để Nghị định đi vào cuộc sống, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định 155/2016/NĐ-CP tới cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về sự cần thiết phải xử phạm nghiêm đối với các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, để từ đó đồng tình, ủng hộ chủ trương đúng đắn này. Và chỉ khi nào tất cả cùng bắt tay vào cuộc với quyết tâm cao thì việc ngăn chặn những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng mới có kết quả và không còn là việc quá khó, không thể thực hiện được như một số ý kiến đã nêu lên.
 
Thứ hai, phải quán triệt phương châm giáo dục, tuyên truyền trước, xử phạt sau. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục, nhắc nhở phải làm trước là bởi: xả rác, phóng uế “tự do”, bừa bãi là một thói quen xấu đã tồn tại từ lâu trong đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn; thói quen xấu đó liên quan đến ý thức văn hóa của mỗi người dân. Do đó, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục một mặt giúp người dân hiểu được các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng, thấy được hành vi xả rác, đi tiểu bừa bãi là thiếu văn hóa, là vi phạm các quy định của pháp luật; mặt khác, họ cũng thấy được lợi ích của mình từ việc không xả rác, đi tiểu bừa bãi mang lại, từ đó tự giác thay đổi những thói quen xấu, hành vi sai trái xưa nay vẫn làm. 
 
Đồng thời với tuyên truyền, vận động, giáo dục cũng cần phải xử phạt thật nghiêm minh những tập thể, cá nhân vi phạm. Việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Nếu không thực hiện xử phạt nghiêm những hành vi xả rác bừa bãi thì sẽ khó điều chỉnh thói quen xấu, việc thực hiện lại càng khó khăn hơn như trường hợp người bị nhờn thuốc và đến lúc không có đủ đội ngũ nhân lực dọn dẹp đường phố. Chính vì vậy phải thường xuyên quán triệt xử phạt đi đôi với tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở trong quá trình thực hiện; coi nhẹ một trong hai vế sẽ không thành công.
 
Thứ ba, cần quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng như nhà vệ sinh, phòng hút thuốc, thùng rác, lắp đặt hệ thống camera… nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu của người dân và kiểm soát người vi phạm...Thực tế nhiều đô thị đã quan tâm vấn đề này, nhưng không ít nơi nhất là một số thị trấn, khu dân cư tập trung vẫn chưa coi trọng điều này lấy lý do là hạn chế về kinh phí. Tuy nhiên, nếu người lãnh đạo nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan sạch đẹp, văn minh lịch sự và hậu quả của việc không làm tốt công tác đó thì chắc chắn sẽ không đổ lỗi cho thiếu kinh phí, mà sẽ tìm mọi cách để có kinh phí, vì đầu tư cho công tác này cũng là đầu tư cho phát triển.
 
Thứ tư, cần huy động sự vào cuộc, giám sát của chính người dân; vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác không đúng nơi quy định gửi tới các cơ quan chức năng, từ đó có thể “phạt nguội”. Thậm chí, đối với cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm nhiều lần thì có thể nêu tên ở khu dân cư, ở cơ quan… để đánh vào danh dự. Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần đưa nội dung vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua, đánh giá, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm”. Các điểm kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, buộc các hộ kinh doanh phải ký cam kết, vận động khách không được xả rác bừa bãi, nếu vi phạm sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra thường xuyên. Phối hợp với các cơ quan báo, đài đăng tải các hình ảnh xả rác bừa bãi để người dân thấy mà không dám vi phạm. 
 
Các đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của nghị định, tổ chức cho cán bộ, công chức nghiên cứu kỹ các quy định có liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo thực hiện đúng quy định, tránh sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm túc những vấn đề nêu trên, Nghị định 155 của Chính phủ sẽ sớm đi vào cuộc sống.            
 
KHÁNH LINH