Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình mang chậu tắc cảnh (còn gọi là quất, hạnh) để lặt trái làm mứt, muối, gia vị hoặc để vào tủ lạnh dùng dần. Ở một số quán ăn, nhà hàng, họ tận dụng nhiều chậu tắc cảnh đặt trước cửa hái trái sử dụng làm nước giải khát bán cho khách đi đường...
Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình mang chậu tắc cảnh (còn gọi là quất, hạnh) để lặt trái làm mứt, muối, gia vị hoặc để vào tủ lạnh dùng dần. Ở một số quán ăn, nhà hàng, họ tận dụng nhiều chậu tắc cảnh đặt trước cửa hái trái sử dụng làm nước giải khát bán cho khách đi đường. Nhiều người bệnh viêm họng, hoặc dân nhậu cần giã rượu không ngần ngại hái tắc cảnh nhai ngấu nghiến với muối tiêu, ớt mà chẳng chịu rửa sạch. Điều này là hoàn toàn không nên.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chia sẻ trên phương tiện truyền thông rằng, mọi người không nên sử dụng quất cảnh làm thực phẩm. Bởi lâu nay người ta chú ý nhu cầu quất cảnh là để làm cảnh, không giải quyết làm thực phẩm nên người trồng có thể cho những hóa chất để giữ tươi lâu, đẹp lâu.
Thật vậy, sử dụng tắc cảnh làm thực phẩm là rất nguy hiểm. Bởi tôi có người quen là nhà vườn chuyên cung cấp cây cảnh cho các tỉnh thành, đã nói rằng hoa, quả cảnh nào cũng có thuốc, nhất là tắc cảnh. Để cây sai trái, đậu trái to, ra hoa và quả đúng vào dịp Tết… thì cần phun nhiều loại thuốc hóa học, lưu lượng thuốc trừ sâu với nồng độ đậm đặc. Tới gần ngày bán thì càng xịt nhiều thuốc hơn để giữ màu bóng láng, bảo quản quả khỏi rụng sớm... Dư lượng hóa chất độc hại theo đó đọng lại trên vỏ quả tắc, thậm chí còn thẩm thấu vào cả bên trong quả.
Vì vậy, mọi người không nên sử dụng tắc cảnh làm thực phẩm. Qua tết, nếu tiết kiệm và yêu màu xanh, người dân có thể hái hết những trái trên cây mang bỏ rồi trồng xuống đất. Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật và phù hợp thổ nhưỡng thì cây có thể sống tốt. Đợi trái tắc ra đợt sau thì dùng làm thực phẩm bình thường.
NGUYỄN HOÀNG DUY