Cảnh giác với tín dụng đen

08:04, 26/04/2018

Bằng hình thức cho vay không thế chấp, chỉ cần photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tiền cho vay được thỏa thuận miệng, nếu có giấy tờ cho vay nhưng không ghi số lãi suất khiến con mồi dễ dàng tiếp cận đồng vốn này và sập bẫy tín dụng đen phải trả lãi cao, dẫn đến nợ nần không trả nổi. 

Bằng hình thức cho vay không thế chấp, chỉ cần photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tiền cho vay được thỏa thuận miệng, nếu có giấy tờ cho vay nhưng không ghi số lãi suất khiến con mồi dễ dàng tiếp cận đồng vốn này và sập bẫy tín dụng đen phải trả lãi cao, dẫn đến nợ nần không trả nổi. Ði cùng với hoạt động tín dụng đen là các đối tượng “xã hội đen” để đòi nợ. Và việc cho vay không thế chấp này rất khó khăn trong điều tra xử lý.
 
Ngôi nhà của một nạn nhân tín dụng đen, chủ nhà đã đóng cửa bỏ trốn những kẻ đòi nợ.  Ảnh: A.N
Ngôi nhà của một nạn nhân tín dụng đen, chủ nhà đã đóng cửa bỏ trốn những kẻ đòi nợ. Ảnh: A.N

Nạn nhân của tín dụng đen
 
Nhiều ngày qua, ông H. (64 tuổi, ngụ thôn Đa Thọ) rất lo lắng và bức xúc khi bị các đối tượng “xã hội đen” đến đòi tiền nợ do con trai ông là Q. (36 tuổi) đã bị các đối tượng này dụ dỗ bài bạc dẫn đến vay nợ và không có trả phải bỏ trốn. Ông H. kể: “Nó nợ 600 triệu đồng do bị mấy nhóm bạn dụ chơi đánh xóc đĩa. Ngày trước, đi làm về, chúng nó chỉ ra quán ngồi chơi bài uống nước, nhậu nhẹt cho vui thôi. Nhưng từ tháng 10/2017, có một số người đi ô tô 12 chỗ đến rủ đánh bài ăn tiền, từ đó đến nay nó bài bạc phát sinh nợ nần không trả nổi”. 
 
Ông H. kể tiếp: “Một nhóm 8 người xăm trổ đầy mình mang nhiều hung khí như mã tấu, thuốc nổ xuống nhà tôi đòi nợ hai lần, còn dọa giết nếu gia đình không trả nợ. Tôi lo sợ đã bán gấp hơn 1,2 ha rẫy cà phê chỉ được 450 triệu đồng để trả nợ nhưng vẫn chưa đủ. Sau đó, gia đình tôi còn bị một nhóm “côn đồ” khác đến bắt tôi trả nợ thay cho thằng con vì nó mượn bà T có 15 triệu đồng nhưng đến khi đòi thì lên 20 triệu đồng, mặc dù trước đó, tôi đã trả nợ 6 triệu đồng rồi. Bà T thuê 8 người hùng hổ đến đòi tiền, hăm họa nếu không đưa trước một số tiền sẽ ăn vạ đến khi nào trả mới rút đi. Tôi đã vay 2 triệu đồng trả trước, bà T hẹn đến hết tháng 4/ 2018 phải trả đầy đủ nếu không thì sẽ cho người đến tiếp tục quậy phá”.
 
Ông H. cho biết thêm, cùng với con trai ông dính nợ nần cờ bạc, tín dụng đen thì còn nhiều người ở thôn Túy Sơn và Đa Thọ (xã Xuân Thọ) rơi vào vòng xoáy đỏ đen, mỗi con bạc nợ nần hàng trăm triệu đồng của nhiều nhóm khác nhau và mất khả năng trả nợ nên bỏ trốn.
 
 Gia đình chị L. T. H cũng là nạn nhân của tín dụng đen do chồng chị nợ 500 triệu đồng của nhiều đối tượng. Trước đó, mùa cà phê năm 2017, chị đã trả được cho ba người với số tiền 200 triệu đồng, nhưng hiện nay các nhóm giang hồ liên tục đến nhà đòi tiền nên chồng chị đã bỏ trốn khỏi địa phương. Chị H vừa khóc vừa kể: “Nhà tôi còn nợ 300 triệu đồng mà gần đây nhiều tên giang hồ đến kiếm chồng tôi đòi nợ, không có là họ đập phá nhà cửa nên cả nhà tôi phải trốn đi chỗ khác. Hai con tôi học lớp 10 và 12 đã phải nghỉ học vì sợ bọn chúng đánh đập”. 
 
Ông Đặng Kiên Cường, Phó trưởng Công an xã Xuân Thọ - TP Đà Lạt cho biết: “Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được đơn thư hay phản ánh gì của người dân về việc bị các đối tượng đòi nợ đến quậy phá. Nếu có, theo thẩm quyền của chúng tôi sẽ phải báo lên Công an Đà Lạt để phối hợp điều tra, giải quyết. Cũng có thể những vụ việc như thế này, tâm lý của các gia đình là họ muốn giữ thể diện cho gia đình hay muốn thỏa thuận ổn thỏa với các đối tượng cho vay nợ. Vì vậy, người dân sẽ không báo lên cơ quan công an, chính quyền địa phương. Chúng tôi khẳng định, trên địa bàn không có trường hợp nào cho vay nặng lãi mà chủ yếu mấy người từ nơi khác đến tự thỏa thuận với người dân”.
 
Biện pháp phòng ngừa
 
Nhận định tình hình tín dụng đen trên địa bàn TP Đà Lạt hết sức phức tạp, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo các đơn vị phường, xã, Công an, Văn hóa - Thông tin, Thành đoàn đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức phòng ngừa hoạt động tín dụng đen, cho vay không thế chấp. Theo đó, UBND các xã, phường đẩy mạnh tuyên tuyền về phương thức, thủ đoạn của hoạt động vay vốn không thế chấp để nhân dân cảnh giác, chỉ nên vay vốn tại các tổ chức tín dụng nhà nước. 
 
Mới đây, Công an TP Đà Lạt đã xác định được 22 đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, cho vay không thế chấp với lãi suất cao. Trong đó, có 7 đối tượng từ các địa phương khác (như: Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên…) đến Đà Lạt câu kết với một số đối tượng tại địa phương để hành nghề. Đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 20 vụ liên quan đến hoạt động tín dụng đen, chủ yếu xuất phát từ việc đòi nợ thuê dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, ngành chức năng đã khởi tố hình sự 3 vụ, 8 bị can với các tội danh: cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng… Lập hồ sơ xử lý hành chính 4 vụ, 7 đối tượng có hành vi xâm hại sức khỏe người khác, đập phá tài sản; hiện đang tiếp tục lập hồ sơ xử lý 3 vụ.
 
Phương thức hoạt động của đối tượng cho vay không thế chấp là: quảng cáo, tiếp thị như dán, phát tán tờ rơi, ghi số điện thoại liên hệ trên các trụ điện, bức tường khu vực công cộng, nơi tập trung nhà nghỉ, nhà trọ cho thuê tháng. Thậm chí, một số đối tượng mở cơ sở kinh doanh, buôn bán để núp bóng cho vay không thế chấp. Đặc biệt, dưới hình thức bài bạc giải trí rồi ăn tiền, đối tượng đã cho con bạc đang khát vay tiền để tiếp tục chơi, khiến cho nợ nần bủa vây con bạc đến khi tỉnh ra thì tiền vay nợ lãi mẹ đẻ lãi con lên đến hàng trăm triệu đồng. 
 
Hình thức cho vay không thế chấp, chỉ cần photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tiền cho vay được thỏa thuận miệng, nếu có giấy tờ cho vay nhưng không ghi số lãi suất, do đó, rất khó khăn để điều tra xử lý các vụ việc này. Thực tế, hoạt động cho vay không thế chấp có lãi suất rất cao, tính lãi theo từng ngày, khi đến hạn không trả thì đối tượng cho vay sử dụng côn đồ, những đối tượng có tiền án, tiền sự hay gọi là “xã hội đen” đến để gây áp lực hoặc đổ chất bẩn vào nhà, khủng bố bằng tin nhắn. Có trường hợp đòi nợ kéo đông người tới nhà, nơi kinh doanh của người vay nợ gây cản trở hoạt động buôn bán, kinh doanh, đe dọa bình yên, tính mạng của các thành viên trong gia đình, người thân của con nợ. Người vay nợ bỏ trốn thì thân nhân của họ vẫn không được yên ổn vì chúng kéo tới bắt trả nợ thay.
 
Trước tình hình này, vừa qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ TP Đà Lạt tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen cho 400 hội viên phụ nữ trên địa bàn TP Đà Lạt. Nhận diện được phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm này để chị em có biện pháp phòng ngừa cho bản thân và khuyên chồng, con, người thân hãy tránh xa, nói không với tín dụng đen góp phần giữ bình yên cho gia đình và cộng đồng.
 
AN NHIÊN