Giải bài toán thiếu hụt nhân lực nông nghiệp công nghệ cao

09:04, 18/04/2018

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Ðồng nhiều năm qua. 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Ðồng nhiều năm qua. Trên phạm vi rộng hơn, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Giáo dục - Ðào tạo cũng đặt nhiệm vụ và chọn Lâm Ðồng trở thành cái nôi đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao cho khu vực Tây Nguyên và cả nước.  
 
Ngày càng nhiều công ty sản xuất hoa có uy tín liên kết với các trường đại học để tuyển sinh viên được đào tạo bài bản về làm việc. Ảnh: C.Phong
Ngày càng nhiều công ty sản xuất hoa có uy tín liên kết với các trường đại học
để tuyển sinh viên được đào tạo bài bản về làm việc. Ảnh: C.Phong

PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho rằng: “Niềm tin của Chính phủ đặt đúng chỗ trong vấn đề đào tạo nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng vấn đề nhân lực ngày càng bức thiết tại Lâm Đồng. Với xu hướng hiện nay, Đại học Đà Lạt đặt ra phương châm đào tạo lý thuyết và thực hành phải đi liền và quan trọng ngang nhau, không thể tách rời”.
 
“Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao”
 
Hiện mỗi năm Trường Đại học Đà Lạt tiếp nhận đào tạo hơn 700 sinh viên ở các ngành: công nghệ sau thu hoạch, nông học, công nghệ sinh học... Mỗi ngành được thiết kế chương trình đào tạo bám sát xu hướng phát triển của nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, nông trại có định hướng trở thành nông trại toàn cầu bán nông sản đi khắp thế giới. Các ngành học liên quan tới nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ đánh giá là những ngành học chủ lực, mũi nhọn không chỉ của Đại học Đà Lạt mà cho cả 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung theo định hướng chiến lược mới nhất của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành đang định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 54 nghìn hecta rau, hơn 7.000 hecta hoa, đạt sản lượng 2,5 triệu tấn rau và 2,7 tỷ cành hoa. Hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp được đầu tư theo hướng công nghệ cao và lợi nhuận tính trên một diện tích đất đạt gấp 3-5 lần so với phương thức canh tác cũ.
 
Trên địa bàn TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Đơn Dương… đang là nơi có các công ty sản xuất rau hoa công nghệ cao lớn như Dalat Hasfarm, An Phú Lacue, Rừng Hoa,… đặt cơ sở nghiên cứu và sản xuất. Các công ty đã bắt tay với Đại học Đà Lạt để tìm kiếm chuyên gia nông nghiệp ngay từ khi thành lập. Doanh nghiệp liên tục chào mời sinh viên đến thực hành trồng trọt, phân tích, đặc biệt là áp dụng ngay các bài học trong nhà trường trên những vườn rau hoa của doanh nghiệp và người dân. Với công nghệ sản xuất giống, canh tác, bảo quản sau thu hoạch được thực hành liên tục giúp nhiều sinh viên định hướng chuyên môn sâu ngay khi còn học trong nhà trường. 
 
Bắt tay với nông trại lớn
 
Trong một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm chia sẻ: “Chúng tôi sản xuất đạt hiệu quả cao vượt bậc trong thời gian qua nhờ những nghiên cứu có tính ứng dụng cao của chuyên gia, kỹ sư, kể cả sinh viên Đại học Đà Lạt”. Sau phát biểu này, Dalat Hasfarm đã đầu tư xây dựng nông trại kiểu mẫu ngay trong Đại học Đà Lạt để sinh viên nghiên cứu thuận tiện hơn. Theo ông Bảo, nông trại do Dalat Hasfarm xây dựng tại Đại học Đà Lạt là nông trại hiện đại hơn cả những nông trại công ty đang xây dựng sản xuất. “Sinh viên phải đi trước trong nghiên cứu thì doanh nghiệp chúng tôi mới vững chãi, sản xuất hiệu quả”, ông Bảo nói. Ông Bảo nhấn mạnh, Dalat Hasfarm sẽ trả tiền để sinh viên tìm kiếm những cải tiến và sẽ ứng dụng ngay sau khi khảo nghiệm thành công. 
 
Trên hai định hướng lớn sản xuất - canh tác và giống, cây trồng, Đại học Đà Lạt có kinh nghiệm nhiều năm phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để sinh viên có thể thường xuyên thực tập sản xuất, canh tác và tiếp cận công nghệ sản xuất giống. Hiện, những công trình, sản phẩm mới trong nông nghiệp như thuốc nhuộm từ lá cây, len nhuộm, các loại giống mới rau, hoa từ công nghệ gây đột biến gen,… do các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt nghiên cứu trong năm 2017 sẽ được công bố trong thời gian tới. Tất cả các phát hiện, nghiên cứu trên đang đợi cấp phép để có thể tạo nên thương hiệu sản phẩm do chính tay các sinh viên, giảng viên nghiên cứu trong quá trình thực tế cùng người dân và doanh nghiệp.
 
PGS.TS Nguyễn Đức Hòa thông tin thêm, trong điều kiện ngành nông nghiệp công nghệ cao đang rất “khát” nhân lực có đủ chuyên môn, kỹ thuật, Đại học Đà Lạt hàng năm giới thiệu trên 100 tân cử nhân tới làm tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Mỗi năm, Trường Đại học Đà Lạt đưa hàng chục cử nhân có học lực giỏi làm nghiên cứu sinh tại các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại như: Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia... Trong đó, các doanh nghiệp đang hoạt động ngay tại Đà Lạt hàng năm cũng nhận một lượng lớn sinh viên ra trường, do có kinh nghiệm làm việc trong thời gian thực tập trước đó. Ông Hòa nói: “Giống như thể thao ba môn phối hợp tạo nên một con người khỏe và nhanh nhẹn, tại Đại học Đà Lạt, nông học - công nghệ sinh học - công nghệ hạt nhân trở thành mũi nhọn đào tạo để sinh viên ra trường trở thành chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao có thể làm việc không chỉ ở Đà Lạt, thậm chí có thể làm việc tại nước ngoài”. 
 
C.PHONG