"Làng đô thị xanh": Coi trọng nét đặc thù và tính bền vững

09:04, 13/04/2018

Một năm rưỡi tập hợp nhiều ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, nhà quản lý trung ương, địa phương, và tháng 9/2017, Ðề án xây dựng mô hình thí điểm "Làng đô thị xanh" (Green Village) được UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt. Tuy nhiên, tiến độ đã chậm, vì vẫn tiếp tục bổ sung một số nội dung trong Ðề án, theo lãnh đạo Phòng Kiến trúc quy hoạch, Sở Xây dựng cho biết ngày 11/4. 

Một năm rưỡi tập hợp nhiều ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, nhà quản lý trung ương, địa phương, và tháng 9/2017, Ðề án xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” (Green Village) được UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt. Tuy nhiên, tiến độ đã chậm, vì vẫn tiếp tục bổ sung một số nội dung trong Ðề án, theo lãnh đạo Phòng Kiến trúc quy hoạch, Sở Xây dựng cho biết ngày 11/4. 
 
Thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ đã được phê duyệt quy hoạch thành mô hình “Làng đô thị xanh”. Ảnh: M.Đ
Thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ đã được phê duyệt quy hoạch thành mô hình “Làng đô thị xanh”. Ảnh: M.Đ

“Làng đô thị xanh” Xuân Thọ 
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, làng đô thị xanh (LĐTX) ở thành phố Đà Lạt là mô hình thí điểm đầu tiên ở Việt Nam. “Đây là định hướng then chốt trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong những năm tới, hướng tới phát triển bền vững đất nước”, bà Linh nói. Căn cứ những cơ sở pháp lý và thực tiễn, ngày 1/6/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1141/QĐ-UBND về việc những định hướng cơ bản xây dựng mô hình thí điểm “LĐTX” trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đó là những định hướng về quy hoạch xây dựng; kiến trúc và cơ sở hạ tầng; môi trường và về kinh tế xanh. Đây là cơ sở cho quá trình thực hiện đề án. 
 
Theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, mô hình LĐTX thí điểm tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt. Mục tiêu cụ thể là: Áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên quy mô diện tích đất nông nghiệp (khoảng 126 ha), gắn với các dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa nông sản; hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ; thay thế dần nền sản xuất nông nghiệp hiện nay; tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch canh nông. Về tổ chức khu dân cư, diện tích khoảng 54 ha, có chất lượng sống cao; đồng thời phát triển các giá trị tích cực, truyền thống của mô hình “làng quê” với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí LĐTX… Có tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đầu tư, kết nối và vận hành đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, giáo dục và vui chơi giải trí của khu dân cư; phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh du lịch với công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường. Tiến độ và thời gian hoàn thành Đề án dự kiến 54 tháng sau khi được phê duyệt. Trong đó, giai đoạn I (lập, phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng) dự kiến 30 tháng và giai đoạn II (đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội). Nhiều giải pháp thực hiện như chính sách; tuyên truyền, vận động; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Theo đó, những nhiệm vụ cụ thể được giao nhiều sở liên quan và UBND thành phố Đà Lạt triển khai thực hiện. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 943,4 tỷ đồng; trong đó, chi phí lập Đề án và lập quy hoạch 1,6 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác 91,02 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng 606,78 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 244 tỷ đồng. Bao gồm từ các nguồn như ngân sách nhà nước, ODA, viện trợ quốc tế, nhà đầu tư, đóng góp của người dân,… 
 
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh: Đà Lạt có nhiều ưu thế để xây dựng thí điểm mô hình LĐTX, vì vậy Bộ rất mong sớm trở thành hiện thực để làm cơ sở đúc kết kinh nghiệm phát triển mô hình này tại các địa phương khác trên đất nước. Tuy nhiên, vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá, phân tích một cách khoa học nhất có thể. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cũng đã chỉ đạo: “LĐTX là mô hình mới, khi thực hiện Đề án thí điểm cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong các khâu lập, thẩm định và phê duyệt đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện”. Nhưng cũng không vì thế mà Đề án chậm triển khai, ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng thành phố nói chung và khu dân cư Xuân Thọ nói riêng. 
 
Coi trọng nét đặc thù và tính bền vững 
 
Ngày 11/4, tại Đà Lạt, gần 60 giảng viên, kiến trúc sư, học viên cao học và sinh viên của các trường đại học: Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Công giáo Kuleuven (Bỉ) tổ chức thuyết trình phác thảo 5 lát cắt xây dựng mô hình LĐTX trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Mỗi mô hình có tổng diện tích 5 km x 1 km, chia thành 3 phần, mỗi phần 2 km (phần trung tâm chồng lấn hai bên). 5 địa bàn được khảo sát gồm: Thái Phiên - Mê Linh - Hòn Bồ; Trục di sản Đông - Tây; Xuân Thọ - Trại Mát; Sân bay Cam Ly - Làng hoa Vạn Thành; Đan Kia - Suối Vàng. Buổi thuyết trình lấy tên “Hội thảo hiện trạng phát triển đô thị gắn liền với rừng và nông nghiệp ở vùng ven Đà Lạt” có sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… 
 
Các nhóm khảo sát bước đầu đều có chung nhận định: tính ưu thế của Ðà Lạt để cần thiết xây dựng mô hình LÐTX và là hướng đi cấp thiết để bảo tồn cảnh quan với những giá trị vốn có của địa phương. 
 
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lâm Đồng, hai giảng viên Trường Đại học Công giáo Kuleuven - runo de Meulder và Kelly Shannon (hướng dẫn các sinh viên Việt Nam làm thạc sĩ) cho rằng, để bảo tồn và phát huy những lợi thế của thành phố Đà Lạt, đặc biệt là rừng, hệ sinh thái, cần thiết phải xây dựng nhiều LĐTX. Tuy nhiên, ở Việt Nam không nên áp đặt một mô hình cứng nhắc và đồ sộ, mà cần dựa trên những thực tế để cải tạo nó theo hướng bền vững. Còn các nhóm nghiên cứu, theo chúng tôi, đây chỉ là bước khảo sát ban đầu, đề đạt những ý tưởng, đề xuất sơ khai. Bởi vậy, tính khả thi chưa thể hiện được, ngoại trừ lát cắt khảo sát địa bàn Xuân Thọ có những nội dung có thể tham khảo đối với nhà hoạch định ở địa phương, đó là phát huy tính thích ứng tích cực với môi trường - địa mạo trong kiến trúc, canh tác nông nghiệp, quy hoạch giao thông… của cư dân vùng Xuân Thọ. 
 
Kết thúc bài viết này, chúng tôi dẫn ý kiến của bà Larousse Chritine - Trưởng Phòng Quy hoạch đô thị, Công ty Interscène của Pháp (đơn vị tư vấn quy hoạch và cảnh quan), người chủ trì nhóm Nghiên cứu Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt mở rộng năm 2013 phối hợp với SIUP, rằng: Xây dựng LĐTX Đà Lạt cần coi trọng nét đặc thù vốn có. Trên cơ sở này, các “làng” trong đô thị được xây dựng theo cảm hứng từ “phương pháp quy hoạch mới” như: tính hỗn hợp (đa dạng hóa các chức năng, dân cư, mục đích sử dụng…); coi trọng phát triển bền vững; tạo dựng tinh thần cho nơi chốn. Về cấu trúc, tuân thủ các nguyên tắc: hài hòa về cảnh quan; không gian cây xanh, mặt nước; hướng tới nền nông nghiệp đô thị bền vững; phân cấp các tuyến đường; phân bố các công trình xây dựng; không gian công cộng; kiến trúc theo cảm hứng từ bản địa.   
 
MINH ÐẠO