Giấc mơ giống tằm Việt

08:04, 16/04/2018

Không phải ngẫu nhiên Bảo Lộc - Lâm Đồng lại được mệnh danh là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam. Hàng chục năm trước, cây dâu, con tằm đã bén duyên với vùng đất này, hàng loạt nhà máy ươm tơ, dệt lụa ngày một phát triển. 

Không phải ngẫu nhiên Bảo Lộc - Lâm Đồng lại được mệnh danh là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam. Hàng chục năm trước, cây dâu, con tằm đã bén duyên với vùng đất này, hàng loạt nhà máy ươm tơ, dệt lụa ngày một phát triển. Trải qua những bước thăng trầm, ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc hiện đang được phục hồi mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng cũng như thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, vấn đề muôn thuở về nguồn giống tằm Việt vẫn đang được xem là bài toán khó. Cách đây hơn chục năm, Việt Nam phụ thuộc cả giống dâu lẫn giống tằm, tất cả chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Đã có thời gian, vùng sản xuất dâu tằm tập trung với quy mô lớn tại xã Đam Bri, Bảo Lộc đã bị “vỡ trận” khi trứng giống tằm kém chất lượng đã khiến cho hàng loạt lứa tằm bị bể, nông dân lâm vào cảnh khốn khó. Cùng với đó, giá cả bấp bênh cũng từ sự phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ bó hẹp đã khiến vùng dâu tằm một thời nổi tiếng với tên gọi Nông trường Kohinda gần như bị xóa sổ.
 
Theo thời gian, các trung tâm nghiên cứu thực nghiệm tại Lâm Đồng đã nghiên cứu thành công và chuyển giao sản xuất đại trà nhiều giống dâu “thuần Việt” cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu sản xuất của người dân. Còn việc sản xuất giống tằm vẫn chưa có lối thoát, vẫn phụ thuộc gần như toàn bộ trứng giống tằm nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hệ lụy là nguồn cung không ổn định, có độ chênh về thời gian ngủ đông của giống tằm Trung Quốc và thời vụ sản xuất tại Việt Nam, chất lượng trứng giống phụ thuộc nhiều vào khâu vận chuyển, bảo quản. Do đó, các cơ sở “ấp” trứng tằm tại Việt Nam dù có kinh nghiệm đến đâu cũng vẫn phải sản xuất theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Nghiêm trọng hơn, nếu sự phụ thuộc ngay từ yếu tố đầu tiên “nhất giống” này càng kéo dài thì các khâu sản xuất tiếp theo khó có thể đảm bảo được tính bền vững. Nhất là trong thời đại hội nhập như hiện tại, các đơn hàng quốc tế đòi hỏi không chỉ ở chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng mà còn cả việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. 
 
Không phải Việt Nam không quan tâm đến sản xuất trứng giống tằm. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã từng giao cho Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng duy trì tập đoàn giống tằm với hơn 50 bộ giống gốc. Hàng năm, Bộ cấp kinh phí để duy trì và nghiên cứu mở rộng bộ giống này. Thế nhưng, đến nay nguồn kinh phí không được tiếp tục cấp, việc nghiên cứu bị gián đoạn. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hiện tại các cơ sở sản xuất giống tằm tại Bảo Lộc, Lâm Đồng chỉ có thể cung ứng khoảng 10 đến 15% trứng giống tằm có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 1.000 bộ giống gốc và trở thành nơi cung cấp trứng giống tằm quy mô lớn cho Việt Nam.
 
Nghề “ăn cơm đứng” ngày nay không còn làm khó người trồng dâu nuôi tằm. Họ đã có những sáng kiến, cải tiến để việc nuôi tằm được thuận lợi và hiệu quả hơn. Dâu giống mới được lựa chọn nhân giống, tằm được chuyển từ nong, né tre sang nuôi dưới nền nhà, bắt kén trên né gỗ cho chất lượng kén cao hơn hẳn. Các cơ sở ươm tơ, dệt lụa đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Câu chuyện ươm tơ, dệt lụa đã vẽ nên một bức tranh với gam màu tươi sáng ngay tại thủ phủ tơ tằm vang bóng một thời. Thế nhưng, nguồn giống tằm vẫn là điều trăn trở không chỉ đối với nhà quản lý vĩ mô mà ngay cả với những người nông dân trực tiếp sản xuất. Đã đến lúc, giấc mơ chủ động giống tằm Việt cần được hiện thực hóa. Điều này đòi hỏi sự hoạch định chiến lược mang tầm quốc gia.  
 
ÐÔNG ANH