Siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước

08:04, 23/04/2018

Ngày 24/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Theo Nghị định này, từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải được chuẩn hóa thông tin (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp,…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.

Ngày 24/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Theo Nghị định này, từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải được chuẩn hóa thông tin (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp,…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.
 
Đăng ký thông tin tại Cửa hàng Mobile phone Đức Trọng. Ảnh: D.Thương
Đăng ký thông tin tại Cửa hàng Mobile phone Đức Trọng. Ảnh: D.Thương
Ngoài việc quy định giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các tổ chức, cá nhân, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp viễn thông phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện; Chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện đăng ký thông tin.
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo Nghị định này, đối với các thuê bao trả trước đã đăng ký trước ngày 24/4/2017 phải được chuẩn hóa thông tin trước 24/4/2018.
 
Ghi nhận của phóng viên, tại các cửa hàng dịch vụ của các nhà mạng Viettel, Mobile phone, Vinaphone… những ngày qua tại thành phố Đà Lạt đều quá tải. Đa số khách hàng đều hiểu và đến đăng ký thông tin đầy đủ theo quy định của Nghị định. Ông Phùng Bá Thắng - Phó Giám đốc Viettel Lâm Đồng cho biết: Hiện tại, Viettel Lâm Đồng có hơn 2 triệu thuê bao trả trước, trong đó có hơn 80% đã chuẩn hóa thông tin. Với Nghị định 49, công ty cũng đã tuyên truyền cho khách hàng thông qua tin nhắn, truyền thông và cả trên các loa phát thanh ở xã vùng sâu, vùng xa để người dân biết và hiểu về quy định này.
 
Ông Nguyễn Huy Hà - Phó Giám đốc MobiFone Lâm Đồng chia sẻ: Ngay khi có quy định mới, MobiFone đã lập tức triển khai nghiêm túc. Với nhà mạng MobiFone, các thuê bao mới thì phải chụp ảnh chân dung. Các thuê bao cũ sẽ nhận được tin nhắn theo từng đợt, và cũng phải đến các chi nhánh, đại lý được ủy quyền để bổ sung ảnh chụp, nhưng do lượng thuê bao lớn nên phải chia nhỏ lộ trình thực hiện. Trong quá trình triển khai cũng gặp không ít ý kiến trái chiều từ phía khách hàng.
 
Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý thuê bao di động trả trước trên địa bàn tỉnh. Đoàn sẽ tiến hành thanh kiểm tra tại các doanh nghiệp viễn thông di động, các cửa hàng, đại lý, điểm bán sim điện thoại trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Nội dung thanh tra bao gồm việc hoạt động kích hoạt, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, các hoạt động khuyến mại nạp thẻ thuê bao di động trả trước, các hoạt động khuyến mại hoặc chiết khấu đối với sim thuê bao di động trả trước và trả sau.
 
Thực tế, tại các cửa hàng dịch vụ viễn thông, nhiều khách hàng vẫn băn khoăn và tỏ ra bất ngờ với việc phải bổ sung ảnh chụp chân dung mặc dù đã được nhắc đến rất nhiều từ năm 2017. Trong quy định của Chính phủ, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, thông tin người dùng di động còn phải bao gồm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động).
 
Ông Đặng Kim Tuấn - Phó Trưởng phòng Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng cho hay: Đến hết năm 2017, các nhà mạng trên toàn quốc đã thu hồi hơn 24,3 triệu sim điện thoại kích hoạt sẵn. Số lượng tin nhắn rác chặn được đạt 214 triệu tin. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn còn buông lỏng tình trạng đăng ký thông tin đối với thuê bao trả trước đã khiến nhiều người lợi dụng để nhắn tin quảng cáo, lừa đảo… Do vậy quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Trước đó, từ cuối năm 2016, Bộ TT-TT cũng đã siết chặt hoạt động khuyến mãi của các nhà mạng, đồng thời yêu cầu giảm mức khuyến mãi tối đa cho các thuê bao di động từ 100% xuống còn 50%.
 
Để kiểm tra thông tin của số điện thoại di động đang sử dụng, chủ thuê bao soạn tin nhắn: TTTB gửi đến 1414. Nếu thông tin không đúng, chủ thuê bao đến các điểm đăng ký thông tin của doanh nghiệp để đăng ký lại cho chính xác; nếu không chuẩn hóa thông tin, thuê bao sẽ bị thu hồi.
 
Có thể nhận định, với những quy định mới được sửa đổi và bổ sung tại Nghị định 49 tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ về việc quản lý thông tin thuê bao di động trả trước. Đây thực sự là một chế tài mạnh mẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai quản lý hiệu quả hơn thuê bao trả trước, góp phần hạn chế tối đa tình trạng sim rác, sim ảo trên thị trường, bảo vệ thông tin khách hàng, an ninh quốc gia.                             
DIỄM THƯƠNG