Vai trò của cha mẹ trong việc định hướng nghề nghiệp cho con

09:04, 17/04/2018

Hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng chọn nghề cho thế hệ trẻ. Làm tốt công tác hướng nghiệp sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ những đòi hỏi, yêu cầu của nghề đối với người lao động cũng như hiểu được những yếu tố tác động tới bản thân từng người trong quá trình chọn nghề. Nhờ đó, các em sẽ chọn được nghề phù hợp với bản thân để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

Hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng chọn nghề cho thế hệ trẻ. Làm tốt công tác hướng nghiệp sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ những đòi hỏi, yêu cầu của nghề đối với người lao động cũng như hiểu được những yếu tố tác động tới bản thân từng người trong quá trình chọn nghề. Nhờ đó, các em sẽ chọn được nghề phù hợp với bản thân để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.
 
Tuy nhiên, trong thực tế, công tác giáo dục hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên ở nước ta vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Việc chọn nghề của các em chủ yếu dựa vào cảm tính hoặc theo trào lưu của xã hội. Hậu quả là nhiều em thiếu hứng thú, thiếu động lực và khả năng trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo nghề, kể cả tại trường đại học đã lựa chọn. Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không xin được việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Thậm chí có em phải nghỉ học giữa chừng vì không có đủ khả năng theo học… 
 
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác hướng nghiệp mới chỉ triển khai và thực hiện ở phạm vi trường học nên chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng, các lực lượng xã hội và cha mẹ học sinh - những người hiểu rõ về con em mình hơn ai hết.
 
Để giúp con hướng nghiệp, điều quan trọng nhất là cha, mẹ biết được các bước cần làm và cách thực hiện từng bước một cách hiệu quả nhất. Theo chúng tôi, các bậc phụ huynh cần nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả 4 bước sau:
 
Bước 1, liệt kê các ngành nghề trẻ yêu thích: đưa ra câu hỏi gợi ý cho trẻ như sau này con muốn làm việc gì? Khi lớn lên con muốn trở thành người như thế nào? Lập danh sách ngành nghề theo thứ tự ưu tiên (trẻ biết, sở thích của trẻ…), mỗi ngành nghề cần xác định các yếu tố: công việc, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, tính chất công việc, tính phù hợp xã hội.
 
Bước 2, tìm hiểu ngành nghề: Tìm hiểu các nghề trong danh sách, các yêu cầu của từng ngành nghề: đầu vào, đầu ra; năng lực, tính cách, điều kiện lao động, nhu cầu xã hội. Mỗi nghề đòi hỏi những tố chất riêng, chẳng hạn như: Nghề y thì phải có lòng nhân hậu, thương người; có sự kiên trì và nhẫn nại; sự can đảm (không yếu bóng vía, không sợ máu, không sợ bẩn); tính cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực; biết cách tạo sự tin cậy, cảm thông chia sẻ với bệnh nhân; khả năng quan sát, phán đoán tốt, nhạy bén; đôi bàn tay khéo léo; có sức khỏe. Ngành công nghệ thông tin là một ngành  đòi hỏi bạn phải là người thông minh và có óc sáng tạo thì bạn sẽ dễ thành công hơn trong lĩnh vực công nghệ thông tin; có khả năng làm việc dưới áp lực lớn; kiên trì, nhẫn nại; tính chính xác trong công việc; ham học hỏi, trau dồi kiến thức; khả năng làm việc theo nhóm, có niềm đam mê công nghệ thông tin và để trở thành chuyên gia công nghệ thông tin giỏi bạn phải khá thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu. Nghề báo, phải có năng khiếu phát hiện thông tin; có năng khiếu truyền tin; có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng; phải thường xuyên bồi dưỡng cho mình vốn văn hóa, vốn sống phong phú; có trình độ ngoại ngữ và tin học; ưa thích vận động.
 
Bước 3, chọn nghề tối ưu: Dựa trên danh sách đã được liệt kê hãy xác định ngành, nghề phù hợp với trẻ theo các yếu tố: Ngành, nghề trẻ yêu thích: nội dung công việc; điều kiện lao động; giá trị và ý nghĩa đối với bản thân và các cơ hội phát triển. Ngành nghề trẻ có năng lực đáp ứng: sức khỏe, tính cách; năng lực học tập, làm việc và điều kiện gia đình. Ngành nghề phù hợp nhu cầu xã hội (không chọn nghề xã hội hết nhu cầu).
 
Bước 4, cùng trẻ xây dựng và thực hiện kế hoạch đạt mục tiêu nghề nghiệp: Dựa trên nghề đã lựa chọn, tìm hiểu thông tin và xác định xem ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào, các môn học chính và có những nơi nào đào tạo. Xây dựng kế hoạch và xác định mục tiêu học tập để trẻ phấn đấu, để kế hoạch này tại bàn học của trẻ. Lập danh sách các trường đào tạo theo hệ đã lựa chọn: công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu, uy tín, địa điểm, học phí, khối xét tuyển… Trong quá trình này, theo định kỳ (1 năm, 5 tháng…) cùng trẻ đánh giá kết quả đề ra.
 
Có thể nói, những thành quả trong nghề nghiệp của mỗi người phụ thuộc chủ yếu vào các khả năng thực có và sự nỗ lực vươn lên của chính người đó, giúp người đó bước từng bước vững chắc trên đôi chân của mình. Là những người làm cha mẹ, bạn hãy bày tỏ rõ tình yêu thương và sự quan tâm của bạn đối với con bằng việc hỗ trợ con tìm hiểu sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp của con; tìm hiểu những ngành nghề mà con yêu thích và có khả năng phù hợp; cùng con xây dựng kế hoạch nghề nghiệp tương lai để con bạn có cơ sở vững chắc trong việc chọn nghề và trở thành người thành đạt trong nghề nghiệp, đóng góp được nhiều nhất cho gia đình, xã hội và cộng đồng.
 
NGUYỄN THỊ XUYẾN