Đam Rông với việc xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS

09:05, 28/05/2018

Những năm trở lại đây, huyện Đam Rông đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn đổi mới tư duy, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong lao động, sản xuất nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những năm trở lại đây, huyện Đam Rông đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn đổi mới tư duy, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong lao động, sản xuất nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. 
 
Đồng bào huyện Đam Rông tham gia trò chơi dân gian. Ảnh: Văn Tâm
Đồng bào huyện Đam Rông tham gia trò chơi dân gian. Ảnh: Văn Tâm
Trước đây, gia đình ông Đa Cát Ha Tư, ở thôn Đa Nhinh, xã Đạ Tông thuộc diện khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào lúa nước và hơn 1 ha cà phê năng suất và sản lượng thấp. Nhận thấy các loại giống cũ không phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên từ việc tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành ở địa phương ông đã mạnh dạn đưa giống lúa mới vào gieo trồng; lai ghép, cải tạo diện tích cà phê già cỗi; tận dụng diện tích đất canh tác để nuôi thêm gà, vịt, heo nhằm nâng cao thu nhập, tạo nguồn phân bón để chăm sóc cây trồng. Nhờ cần cù chịu khó làm kinh tế, đến nay, gia đình ông đã có hơn 3 sào lúa nước, 2 ha cà phê giống mới, hằng năm cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Tư thường xuyên hướng dẫn người dân trong thôn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu. “Từ những kết quả đạt được của gia đình, thời gian qua, tôi luôn luôn tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn phong tục tập quán tốt, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, nhất là mê tín dị đoan”, ông Đa Cát Ha Tư chia sẻ.
 
Là địa phương có hơn 73% là đồng bào DTTS sinh sống nên các phong tục tập quán lạc hậu trong đời sống, lao động, sản xuất đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân ở Đam Rông trong nhiều thập kỷ qua. Trước thực tế đó, lãnh đạo huyện Đam Rông đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng các mô hình thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở cộng đồng dân cư, như mô hình 3 sạch “sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp”; mô hình không sinh con thứ 3, không thách cưới; mô hình phát triển kinh tế gia đình; chăn nuôi có chuồng trại và các mô hình về bảo vệ môi trường sinh thái. 
 
Bên cạnh đó, huyện còn phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Theo đó, các già làng đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để cầm tay, chỉ việc cho bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tuyên truyền cho người dân ăn ở hợp vệ sinh, không nghe theo kẻ xấu chống phá các chính sách của Đảng, Nhà nước. Ông K’pang - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đạ K’Nàng cho biết: “Các phong tục ma chay, lễ hội lạc hậu đã ăn vào tiềm thức và tồn tại nhiều đời nay trong vùng đồng bào DTTS ở Đam Rông, nhưng đến nay không còn kéo dài như trước nữa. Cũng từ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền mà trực tiếp là Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động nhân dân, đến bây giờ việc canh tác lạc hậu của bà con nhân dân xã Đạ K’Nàng từng bước được xóa bỏ. Đồng thời, bà con từng bước biết áp  dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập”.
 
Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ giàu, khá ngày càng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt; bà con không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên, ổn định đời sống. 
 
Nhờ thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, đến cuối năm 2017, toàn huyện có 49/56 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa, gần 12 ngàn gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 96% số hộ dân được sử dụng điện thắp sáng; 90% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh... Ông Nguyễn Quốc Hương, UVBTV Huyện ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện Đam Rông cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay, các phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đam Rông đã giảm rõ rệt. Nhận thức của người dân từng bước được cải thiện, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao”.
 
Có thể nói, các phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã từng bước được đẩy lùi - thay vào đó là cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng bào các dân tộc đang tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương Đam Rông ngày càng phát triển.
 
VĂN TÂM