Công tác quản lý cư trú góp phần phòng ngừa tội phạm

09:05, 24/05/2018

Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú không những có ý nghĩa trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự nói chung mà còn phục vụ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.

Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú không những có ý nghĩa trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự nói chung mà còn phục vụ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.
 
Hàng năm, Công an thành phố Đà Lạt tổ chức 5 đợt lưu động làm giấy CMND và kết hợp tuyên truyền Luật Cư trú cho nhân dân. Ảnh: H.T
Hàng năm, Công an thành phố Đà Lạt tổ chức 5 đợt lưu động làm giấy CMND và kết hợp tuyên truyền Luật Cư trú cho nhân dân. Ảnh: H.T
Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San, ngay sau khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành (1/7/2007), UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã, các đơn vị vũ trang và công dân triển khai thi hành Luật Cư trú. UBND thành phố Đà Lạt đã giao Công an thành phố là lực lượng nòng cốt tham mưu và thực hiện việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hội nghị triển khai đến các đơn vị chức năng. Đồng thời, Công an thành phố chỉ đạo công an phường, xã tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức hội nghị triển khai các nội dung có liên quan thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn.
 
Để Luật Cư trú thực sự đi vào cuộc sống, UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật Cư trú; UBND thành phố cũng ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cư trú đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều hình thức tuyên truyền đạt kết quả tốt như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua họp tổ dân phố, khu dân cư… Đáng chú ý, thông qua Cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú đã thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân ở mọi lứa tuổi, thành phần tham gia.
 
Kết quả, qua 10 năm thực hiện Luật Cư trú, Công an thành phố đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký, quản lý và cấp 20.158 sổ hộ khẩu, 41.880 sổ tạm trú. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực, lao động từ nơi khác đến địa bàn thành phố Đà Lạt lao động và học tập được thuận lợi. Mặt khác, qua công tác quản lý nhân hộ khẩu, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các phường, xã chủ động nắm tình hình từng hộ, từng người, nắm 4 nội dung về nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện, hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn. Đồng thời, thông qua công tác đăng ký quản lý cư trú đã phục vụ cho công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hàng nghìn lượt thanh niên đảm bảo tiêu chuẩn và đúng đối tượng chính sách.
 
Ngoài ra, thông qua công tác quản lý cư trú, nhân dân đã tự giác thông báo lưu trú cho cơ quan công an trên 54 triệu lượt, trong đó thông báo trực tiếp trên 21 triệu lượt, thông báo qua điện thoại gần 609 nghìn lượt và thông báo qua mạng internet trên 32 triệu lượt. Thông qua công tác đăng ký quản lý cư trú, công an các phường đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thực hiện phân loại nhân khẩu và lập danh sách quản lý các loại đối tượng. Trong 10 năm qua, qua công tác quản lý lưu trú, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 trường hợp là bị can, bị cáo đang tại ngoại; 1 trường hợp là người bị kết án tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; 9 trường hợp là người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; 2 trường hợp là người bị phạt cải tạo không giam giữ; và 7 trường hợp là người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
 
Đánh giá về kết quả thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Luật Cư trú, quyền tự do cư trú của công dân được đảm bảo, phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, thông qua công tác đăng ký, quản lý cư trú, lực lượng công an và các cơ quan chức năng nắm chắc những thông tin cơ bản của từng con người cụ thể về nơi cư trú, các mối quan hệ xã hội, tiền án, tiền sự… trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp phù hợp nhằm tuyên truyền, vận động quần chúng trong việc thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ an ninh, trật tự cũng như có biện pháp phòng ngừa tội phạm. Việc đăng ký quản lý cư trú một cách chặt chẽ giúp cho lực lượng công an các cấp có điều kiện, chủ động phát hiện kịp thời các loại tội phạm, nhất là các đối tượng trốn lệnh truy nã, góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế phát sinh tội phạm…
 
Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú không những có ý nghĩa trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự nói chung mà còn phục vụ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
LÊ HỮU TÚC