Khẩn trương khắc phục nợ gần 100 tỷ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

10:05, 14/05/2018

Ngày 8/5, làm việc với Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, theo Phó Cục trưởng Trần Phương, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn tỉnh còn nợ từ năm 2017 trở về trước (bao gồm cả các giấy phép đã hết hiệu lực khai thác) là 99.546 triệu đồng. Tính đến ngày 31/3/2018 còn nợ hơn 95.662 triệu đồng. Đâu là nguyên nhân và hướng tháo gỡ bằng cách nào?

Ngày 8/5, làm việc với Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, theo Phó Cục trưởng Trần Phương, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn tỉnh còn nợ từ năm 2017 trở về trước (bao gồm cả các giấy phép đã hết hiệu lực khai thác) là 99.546 triệu đồng. Tính đến ngày 31/3/2018 còn nợ hơn 95.662 triệu đồng. Đâu là nguyên nhân và hướng tháo gỡ bằng cách nào?
 
Một mỏ khai thác khoáng sản ở huyện Bảo Lâm. Ảnh: M.Đ
Một mỏ khai thác khoáng sản ở huyện Bảo Lâm. Ảnh: M.Đ
Nếu tính đến ngày 31/12/2017, tổng số tiền cấp quyền KTKS ra thông báo là 255.976 triệu đồng, đã nộp ngân sách nhà nước 157.649 triệu đồng; số tiền còn nợ là 99.546 triệu đồng. Còn tính đến ngày 31/3/2018, có 55 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, được cấp 61 giấy phép KTKS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; số tiền nợ là hơn 95.662 triệu đồng. Trong tổng số nợ trên, ông Trần Phương cho biết một số DN nợ lớn rơi vào các trường hợp sau: có diện tích khoáng sản nằm trên đất lâm nghiệp nay không thể khai thác theo Thông báo 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”. Các DN này chiếm 70% trên tổng số nợ. Các trường hợp DN khác hoặc gặp khó khăn chưa khai thác; hoặc chưa thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng được nên chưa thể lập các hồ sơ, thủ tục khai thác; hoặc đã trả một phần diện tích đã có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh nhưng chưa thực hiện đầy đủ tiền cấp quyền KTKS theo quy định nên chưa được cấp giấy phép (GP) mới để điều chỉnh tiền cấp quyền KTKS. Cũng theo ông Phương, đa số hồ sơ còn vướng những thủ tục nêu trên đều thuộc những GP cấp từ năm 2015 trở về trước. Ngoài ra, số nợ gần 100 tỷ đồng nêu trên còn rơi vào một số DN có tình trạng chây ỳ không chịu thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của Nhà nước.  
 
Để tháo gỡ và khẩn trương thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách cho địa phương ở lĩnh vực KTKS, cuối tháng 3/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã chỉ đạo các sở liên quan và các UBND huyện, thành phố phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Theo đó, đối với thu tiền cấp quyền KTKS, Sở TN&MT, Cục Thuế thực hiện thu, tạm thu theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh (tại điểm 3, Văn bản số 5257/UBND-TC ngày 11/8/2017) và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 1/6/2018. Đối với GP KTKS đã được UBND tỉnh cấp, nhưng các đơn vị không làm thủ tục nộp tiền cấp quyền KTKS và chưa tác động trên diện tích đất của dự án, Sở TN&MT lập thủ tục thu hồi GP theo quy định. Riêng đối với những GP KTKS đã được cấp nhưng nay không được phép tiếp tục thực hiện vì vướng rừng tự nhiên (theo Thông báo số 191/TB-VPCP), Cục Thuế tính toán xác định và lập thủ tục giảm nợ số tiền cấp quyền KTKS (phần không được tiếp tục thực hiện). Trong khi chờ Bộ TN&MT, UBND tỉnh cho phép các DN được tạm nộp tiền cấp quyền KTKS trên trữ lượng khoáng sản thực tế trong thời gian chờ thẩm định, phê duyệt, cấp phép lại GP mới với một số yêu cầu như Văn bản số 1855 của UBND tỉnh ban hành ngày 4/4/2018. Theo đó, tỉnh giao 2 sở TN&MT và Công thương phối hợp với DN để khẩn trương triển khai thực hiện. 
 
Phó Cục trưởng Trần Phương cho biết: Do chiếm khoảng 2/3 tổng số nợ nên ngành Thuế và ngành TN&MT tập trung giải quyết tháo gỡ đối với các DN rơi vào một trong các trường hợp: có diện tích liên quan rừng tự nhiên (theo Thông báo 191); xin điều chỉnh giảm quy mô do không đủ khả năng thực hiện; chưa thực hiện khai thác được vì còn vướng đến hồ sơ, giao thông... “Sắp tới, chúng tôi sẽ bàn bạc lại với Sở TN&MT đánh giá lại thực trạng ở các DN và tham mưu UBND tỉnh, có thể theo hướng điều chỉnh thời gian tính tiền cấp quyền KTKS bởi DN chưa thực hiện khai thác được do yếu tố khách quan”, ông Phương cho biết. Đối với các DN cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ thuế, ngành sẽ kiên quyết xử lý theo pháp luật quy định, một mặt áp dụng biện pháp cưỡng chế, mặt khác cung cấp cho Sở TN&MT danh sách để hoặc đình chỉ hoặc thu hồi có thời hạn về GP, ông Phương nói. 
 
Đến nay, ngành Thuế đã thành lập đoàn chống thất thu thuế, trong đó tập trung vào lĩnh vực cấp quyền KTKS. Cùng đó, Cục Thuế tổ chức hội nghị chuyên đề với Sở TN&MT, gửi văn bản để phối hợp với cơ quan Công an tỉnh và gửi thông báo đến các DN liên quan để triển khai cùng thực hiện giải quyết nợ đọng thuế. Đối với Cục Thuế và Sở TN&MT, lãnh đạo 2 đơn vị đã thống nhất những nhiệm vụ cụ thể chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc của mỗi bên. Ngày 19/4/2018, Cục Thuế cũng có Văn bản số 1503/CT-QLN gửi Sở TN&MT chuyển thông tin về xử phạt theo quy định tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ. Được biết, đến ngày 31/3/2018 có 44 DN không nộp tiền cấp quyền KTKS theo thông báo của cơ quan thuế trên 90 ngày. Với danh sách cụ thể, Cục Thuế đề nghị Sở TN&MT xử phạt tước quyền sử dụng GP KTKS theo quy định của Nghị định và thông báo cho Cục Thuế biết phối hợp. 
 
Đối với các DN, hiện có 12 DN có diện tích đất KTKS có đất rừng không được tác động, với số tiền cấp quyền KTKS còn nợ đọng là 67.789 triệu đồng; trong đó có 4 DN đã nộp hồ sơ trả lại diện tích và đã được Hội đồng tính tiền cấp quyền KTKS xác định lại tiền cấp quyền KTKS phải nộp năm 2018 sau khi trừ diện tích đất rừng gồm Công ty Phú Sơn, Công ty TNHH XDTM và dịch vụ Hà Hưng, Công ty TNHH Phượng Hùng và Công ty CP XD và KTKS Hoàng Phát; còn lại 8 DN chưa nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh GP, Cục Thuế đề nghị khẩn trương gửi hồ sơ cho Sở TN&MT trước ngày 30/5/2018. Đối với các DN điều chỉnh quy mô, diện tích do không đủ năng lực khai thác, Cục Thuế cũng đề nghị nộp hồ sơ đến Sở TN&MT để điều chỉnh theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ...
 
Vậy là đã có những giải pháp cụ thể để khắc phục việc nợ đọng tiền cấp quyền KTKS. Vấn đề là các cơ quan chức năng có liên quan và các UBND huyện, thành phố cùng vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt. 
 
MINH ĐẠO