Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và những vấn đề cần quan tâm

09:05, 22/05/2018

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là dự án luật khó, phức tạp, trong đó có nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thời hạn sử dụng đất. Rất nhiều ý kiến góp ý xây dựng nhằm hướng đến xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thu hút đầu tư, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội.

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là dự án luật khó, phức tạp, trong đó có nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thời hạn sử dụng đất. Rất nhiều ý kiến góp ý xây dựng nhằm hướng đến xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thu hút đầu tư, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội.
 
Ông Hoàng Bình góp ý xây dựng luật. Ảnh: N.T
Ông Hoàng Bình góp ý xây dựng luật. Ảnh: N.T
Bà Hoàng Thị Khiêm - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Về hoạt động giám sát trong dự thảo luật quy định việc chủ tịch UBND đặc khu được giao quá nhiều thẩm quyền mang tính vượt trội, nhiều lĩnh vực không nằm trong tầm quản lý, chịu trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng cơ chế giám sát như thế nào chưa được định hình trong Dự thảo luật. Đặc biệt, việc có nhiều ưu đãi, quyền hạn mà không kiểm soát được cũng sẽ dẫn đến hiệu quả không cao, do vậy việc giám sát cụ thể nhằm để hạn chế các vi phạm của chính quyền đặc khu là rất cần thiết. Để tạo tính đột phá nên bỏ cơ chế HĐND đặc khu vì theo như Dự thảo thì HĐND đặc khu mang tính hình thức và tính chất phục vụ với mục đích để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương… 
 
Về thời hạn sử dụng đất, tại Điều 32 quy định: Tính vượt trội ở các khu hành chính - kinh tế đặc biệt chính là tổng hợp các chính sách ưu tiên, ưu đãi và cơ chế thực hiện thuận lợi và nhanh chóng, chứ không chỉ là ở thời hạn sử dụng đất. Vì vậy, đối với thời hạn sử dụng đất trong luật này nên theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm), trong đó giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn cụ thể cho từng dự án đầu tư một cách phù hợp. Không nên đưa trường hợp đặc biệt “không quá 99 năm” vào Dự thảo Luật, vì như vậy sẽ tạo ra cơ chế đặc thù xin -  cho ở cả 2 cấp (thẩm quyền chủ tịch đặc khu và Thủ tướng Chính phủ).
 
Trao đổi về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật, ông Hoàng Bình - thành viên Tổ Tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH Lâm Đồng chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Thiết nghĩ, xây dựng luật là hoạt động lập pháp của Quốc hội, còn việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nào, thời gian nào là việc của Chính phủ, chúng ta không nên nhập nhằng hoạt động lập pháp với công việc hành pháp của Chính phủ. Hơn nữa, có ai lường trước những diễn biến nhanh chóng của bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới để khẳng định rằng Việt Nam chỉ phát triển có 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên. “Dự thảo Luật vẫn quy định có văn phòng HĐND và văn phòng UBND đặc khu riêng như vậy là không phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế theo tinh thần của Nghị quyết TW 6 khóa XII, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu” - ông Hoàng Bình nhấn mạnh.
 
 Luật gia Bùi Thanh Long thì cho rằng, tại Khoản 2 không ghi “thủ tục hành chính thuận lợi” mà nên quy định là “thủ tục hành chính đặc biệt” thành “Chính quyền địa phương ở đặc khu có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân”. Vì nếu chỉ nói là thủ tục hành chính thuận lợi thì chẳng lẽ các thủ tục hành chính khác lâu nay là không thuận lợi trong khi Nhà nước chủ trương là cải cách thủ tục hành chính sao cho thuận lợi? 
 
Còn Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phân tích: Điều 75 quy định Tổ chức và hoạt động của viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đặc khu, so với quy định về tổ chức và hoạt động của TAND đặc khu thì VKSND đặc khu Dự thảo Luật quy định rút gọn quá, chưa chặt chẽ, do đó đề nghị Ban soạn thảo thiết kế phần tổ chức và hoạt động của VKSND đặc khu phải tương đồng với quy định về tổ chức và hoạt động của TAND đặc khu. Tại Điều 65 quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu đề nghị Ban soạn thảo viết lại như sau: “Chính quyền địa phương ở đặc khu và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin...”.  Nếu quy định chủ tịch UBND đặc khu xây dựng đề án vị trí việc làm tại các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc của HĐND… là mâu thuẫn với khoản 5 Điều 59. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo giao thẩm quyền xây dựng Đề án vị trí việc làm tại cơ quan văn phòng HĐND đặc khu cho chủ tịch HĐND đặc khu.
 
NGUYỆT THU