Người giữ "hồn chiêng"

09:05, 31/05/2018

Nếu thần linh đã giao cho ai đó một nhiệm vụ nào trong cuộc đời này thì nó sẽ bất chợt đến một cách ngẫu nhiên. Ðó là điều mà ông Mơ Bon Ha Phăng - Thôn 2, xã Ðưng K'Nớ, nói về duyên nợ làm người chỉnh chiêng của mình.

Nếu thần linh đã giao cho ai đó một nhiệm vụ nào trong cuộc đời này thì nó sẽ bất chợt đến một cách ngẫu nhiên. Ðó là điều mà ông Mơ Bon Ha Phăng - Thôn 2, xã Ðưng K’Nớ, nói về duyên nợ làm người chỉnh chiêng của mình.
 
Mỗi khi chỉnh chiêng cần ít nhất 2 người để cùng so âm.  Ảnh: N.N
Mỗi khi chỉnh chiêng cần ít nhất 2 người để cùng so âm. Ảnh: N.N

Chỉnh chiêng như một duyên nợ
 
Không phải già làng, người có uy tín hay càng không phải một người già đạo mạo trong trang phục truyền thống, Mơ Bon Ha Phăng 54 tuổi, còn mạnh khỏe nhưng cả cái Đưng K’Nớ này người ta tôn trọng Ha Phăng bởi ông là người hiếm hoi ở nơi này còn biết chỉnh chiêng. 
 
Ha Phăng được truyền nghề chỉnh chiêng từ bố của mình - ông Cơ Liêng Ha Bang. Ngày ấy ông Cơ Liêng Ha Bang nổi tiếng là người chỉnh chiêng giỏi. 
 
Đưng K’Nớ nhiều năm về trước hầu như nhà nào cũng có chiêng. Có nhà có tới hai bộ. Người Cil vẫn gọi bộ chiêng là Đồng La. Ông Ha Bang không chỉ được người ở Đưng K’Nớ mà cả người trong Đầm Ròn, người ngoài Lạc Dương, người ở Tà Nung nhờ đi chỉnh chiêng có khi cả mấy ngày mới về. Ngày đó đi chỉnh chiêng, ông Ha Bang thường mang theo cậu con trai Ha Phăng. Cả tuổi thơ theo cha rong ruổi nên kỹ năng nghe chiêng, hiểu chiêng và “chữa bệnh” cho chiêng cũng vì thế mà ngấm vào Ha Phăng một cách tự nhiên từng ngày từng ngày một. Ngày ấy người ta trả công cho người chỉnh chiêng bằng hiện vật. Phải chỉnh thật giỏi như ông Ha Bang mới được bà con trả công bằng con heo ba gang (con heo đen có chiều dài bằng ba gang tay). Ngày đó Ha Phăng đã biết chỉnh chiêng nhưng chỉ phụ cha mình những lúc ông mệt hay bận rộn, còn trong đầu chàng trai trẻ ấy không hề nghĩ rằng rồi mình sẽ nối nghiệp cha.
 
Cũng như tư tưởng của nhiều thanh niên thời điểm ấy, rằng muốn đi đâu đó thật xa cho biết thế giới rộng lớn đến nhường nào, Ha Phăng rời buôn làng đi xa, mãi đến năm 1987 khi ông Ha Bang được Yàng gọi về với núi Ha Phăng mới quay về nhà.
 
Nhiều người ở xa không hay tin già Ha Bang đã về với núi, họ vẫn ghé về Đưng K’Nớ nhờ ông xem chiêng, sửa chiêng. Nhưng ông Ha Bang không còn. Nhiều người ở xa đến tìm rồi phải trở về trong vẻ mặt lo lắng “biết tìm ai chỉnh bộ chiêng”. Có người quen biết Ha Phăng chỉnh được chiêng thì năn nỉ nhờ giúp đỡ. “Thấy người ta năn nỉ quá không biết từ chối sao, cũng thương họ đi đường xa tới vất vả nên mình đành nhận lời, lấy bộ đồ nghề của “ông già mình” và tất cả những gì mình đã được dạy để làm. Ban đầu mình cũng lo lắm nhưng chỉnh xong thử chiêng thấy nó hòa hợp, rồi những người già cũng bảo “chiêng hết bệnh rồi” thế là yên tâm rồi”.
 
Cứ thế người này truyền tai người kia, người ta lại tới Đưng K’Nớ tìm người chỉnh chiêng nhưng người ấy là Ha Phăng chứ không phải Ha Bang như trước nữa. Bẵng cái đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày Ha Phăng chính thức làm nghề “giữ hồn chiêng” như một duyên nợ.
 
“Tiếng chiêng đánh lên không đúng sẽ là có tội với thần linh” 
 
Nói Ha Phăng đi “giữ hồn chiêng” có lẽ không sai, bởi chiêng nếu không có người chỉnh thì “chiêng đánh lên không có được cái hồn của rừng, của núi, của mặt trời, cây cỏ, của tâm hồn người Cil, thì không thấu được tới Yàng”. “Người chỉnh chiêng mà không chỉnh thật chính xác, tiếng chiêng đánh lên không đúng sẽ là có tội với thần linh” Ha Phăng nói. Chỉnh chiêng hiểu nôm na là làm cho những chiếc chiêng bị hư hỏng, lệch âm có được âm thanh chuẩn theo thang âm quy định của từng loại chiêng, ở từng dân tộc. Theo kinh nghiệm của những người già ở Đưng K’Nớ, chiêng sử dụng lâu ngày, hoặc để lâu quá không dùng tới, âm của chúng sẽ tự rút lại. Nên khi đánh tiếng sẽ âm âm không lên đúng chuẩn. Hoặc một bộ chiêng là sự ghép nối của nhiều chiếc chiêng từ nhiều bộ khác nhau âm thanh có thể bị lạc. Nếu không chỉnh cho chiếc chiêng đúng với âm thanh nguyên bản, cả dàn chiêng xem như đem “xếp xó”.
 
 Với người Cil, một bộ đồng la chuẩn là tiếng của từng cái đồng điệu nhau, chuyển mượt mà qua các nhịp trong một bài chiêng. Chỉnh chiêng là công việc rất khó khăn, đòi hỏi công sức, tâm huyết và tài năng thật sự. Bởi người chỉnh chiêng trước hết phải là người am hiểu về chiêng, đánh chiêng giỏi, nghe chiêng tốt để “bắt bệnh” chiêng. Do đó thế có thể rất nhiều người biết đánh chiêng nhưng chỉnh được chiêng thì không có nhiều. “Ha Phăng gần như là người duy nhất ở đây làm được mọi thứ với chiêng” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ Phi Srỗn Ha Nràng quả quyết.
 
Nhà Ha Phăng cũng bình dị như những ngôi nhà khác ở Thôn 2, xã Đưng K’Nớ. Đúng tâm hồn gắn bó với cỏ cây của người Cil, ở trước hiên nhà của Ha Phăng có nhiều loại lan rừng khác nhau. Đôi ba giò đã đơm hoa, tỏa hương như kéo lại chút mát lành trong cái nắng giữa trời Đưng K’Nớ. Nói về chỉnh chiêng, Ha Phăng bảo “chỉnh chiêng cũng như chỉnh dây đàn, nếu không chỉnh đánh sẽ không hay, không đúng. Chỉnh chiêng không phải nhiều người làm được nên người ta đâu làm sẵn công cụ như làm cái cuốc, cái xà gạc đâu. Mình đi sửa thấy cái gì tiện lợi cho mình thì mình dùng thôi. Ngày xưa ông già mình làm sao giờ mình làm lại vậy”. Cũng như cha mình, đồ nghề chỉnh chiêng của Ha Phăng đơn giản do ông tự làm lấy. Nó gần giống với cái đục gỗ của người Kinh, có lưỡi dùng để cạo đi những nơi mặt đồng dày, chiếc búa nhỏ dùng để gõ vào mặt hoặc vành chiêng đưa âm thanh về chuẩn và một hòn đá mài để điều chỉnh khi sự lệch âm chỉ còn rất mong manh. Tùy theo chiếc chiêng “bệnh” nặng hay nhẹ, cần kéo âm lên cao hay hạ xuống thấp mà Ha Phăng dùng dụng cụ và cường độ chỉnh thích hợp. Công việc cần nhiều kinh nghiệm, cần cái tai thẩm âm bẩm sinh thật tốt. “Trước hết, phải dò coi chiêng như thế nào, mỏng dày ra sao, nếu hai chiêng còn “xa nhau” phải dùng đục để cạo xung quanh tâm của chiêng, sau đó dùng búa gõ nhẹ cho phẳng. Tiếp tục so thử, nếu âm của hai cái đã về “gần nhau” thì dùng tới đá mài. Nếu chiêng còn cao thì dùng đá mài, mài nhẹ xung quanh vành đồng la cho nó xuống thấp. Và ngược lại, dùng đá mài mài nhẹ quanh tâm của đồng la tiếng chiêng sẽ cao lên. Sau đó lại tiếp tục thử, nếu tiếng hai chiêng hòa hợp với nhau nghĩa là chiêng “hết bệnh”. Chỉnh phải êm tay, cạo đều nếu, không sẽ dễ làm nứt, gãy chiêng…”, Ha Phăng giới thiệu một phần nhỏ trong hàng loạt công đoạn mà không thể gọi tên hết để chỉnh xong bộ chiêng. 
 
Có những bộ chiêng lệch cả 6 chiếc, Ha Phăng phải mất vài ngày mới chỉnh xong. Mỗi khi chỉnh chiêng phải cần ít nhất hai người cùng thử để so âm. Cứ lần lượt hai chiếc chiêng được so âm với nhau, chiêng đầu tiên được gọi là chiêng mẹ (cơng me). “Chiêng mẹ chỉnh với chiêng thứ 2 (cơng rơ ndul) hợp rồi, chiêng thứ 2 chỉnh với chiêng thứ 3 (cơng ndờn) hợp rồi, cứ thế chỉnh tiếp đến chiêng thứ 6”. Trên đôi bàn tay của Ha Phăng có nhiều vết chai sần trong lòng và cả mép ngoài của hai bàn tay. Đó là những dấu ấn còn lại của hàng chục năm làm nghề chỉnh chiêng và đánh chiêng. 
 
Một bài chiêng hay phải có một bộ đồng la chuẩn và người đánh chiêng thật am hiểu để có thể chuyển được khoảng 10 nhịp trong một bài chiêng. Ông Bon Niêng Ha Sào - một người nặng lòng với văn hóa truyền thống nơi này nói “ở Đưng K’Nớ bây giờ  Ha Phăng là một trong những người giỏi đánh chiêng hiếm hoi ở đây đánh được đủ tất cả các nhịp”. Ông Ha Sào nhắc nhớ những nhịp chiêng thường có như: Tờr iềr Nro (tiếng gà gáy), Tờr Ro Dà (tiếng suối chảy), Pek Tôr phun (tiếng nai kêu)… Ha Phăng không chỉ nghe chiêng tốt, chỉnh chiêng giỏi mà ông còn là người dạy đánh chiêng cho những người khác trong vùng. 
 
Anh K’Vâng - hướng dẫn viên du lịch phụ trách các tour khám phá văn hóa bản địa thuộc Công ty Trekker cho biết: Công ty đã đầu tư để những người níu giữ văn hóa người Cil ở nơi này như ông Ha Phăng sưu tầm một bộ chiêng đầy đủ như người Cil xưa. Trekker đã gửi lại nó cho bà con nơi này, không mang chiêng về Sài Gòn, bởi “ở phố xá phồn hoa, chiêng không lên được thành tiếng. Mọi thứ phải ở đúng vị trí của nó mới phát huy được hết giá trị. Chiêng phải đánh ở rừng và phải có những con người thật sự hiểu chiêng, chăm chiêng và chỉnh chiêng được như Ha Phăng thì tiếng chiêng mới vang lên với tất cả ý nghĩa của nó”. 
 
NGỌC NGÀ