Sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh

09:05, 02/05/2018

Mặc dù sản xuất nông nghiệp thực hiện theo đúng thời vụ và kế hoạch đặt ra, nhưng tình hình dịch bệnh trên cây trồng tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại trên một số cây trồng. 

Mặc dù sản xuất nông nghiệp thực hiện theo đúng thời vụ và kế hoạch đặt ra, nhưng tình hình dịch bệnh trên cây trồng tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại trên một số cây trồng.   
 
Sản xuất bắp sú theo VietGAP ở Đơn Dương. Ảnh: Ngọc Thanh
Sản xuất bắp sú theo VietGAP ở Đơn Dương. Ảnh: Ngọc Thanh

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, tính đến cuối tháng 4/2018, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào thu hoạch vụ đông xuân, đồng thời sản xuất vụ hè thu đối với cây hàng năm. Qua đó, toàn tỉnh thu hoạch được gần 25.892 ha, tăng 6,61% so với cùng kỳ. Cụ thể, đối với cây lương thực đã thu hoạch 4.200 ha lúa, giảm 1,1% so với cùng kỳ, năng suất bình quân chung trên diện tích đã thu hoạch ước đạt trên 62,7 tạ/ha, tăng 6,8% so với cùng kỳ; ngô thu hoạch 1.389 ha, tăng 8,6%, năng suất ước đạt 68,9 tạ/ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ; khoai lang thu hoạch gần 141 ha, tăng 10,4%, năng suất ước đạt 154,7 tạ/ha, tăng 7,7% so với cùng kỳ; đậu các loại thu hoạch gần 268 ha, tăng 6% so với cùng kỳ. Riêng đối với các loại rau đã thu hoạch được gần 15.667 ha, tăng 8,8% so với cùng kỳ. 
 
Bên cạnh việc thu hoạch vụ đông xuân, đến nay toàn tỉnh đã tiến hành xuống giống gieo trồng vụ hè thu đảm bảo kịp thời vụ theo đúng kế hoạch, bao gồm: Gieo cấy 1.586,5 ha lúa, đạt 26,8% kế hoạch; gieo trồng 427 ha ngô, đạt 6% kế hoạch và 89,7 ha khoai lang, tăng 38,2% so với cùng kỳ; đậu các loại gieo trồng được 82 ha, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Cùng đó, trên địa bàn tỉnh đã xuống giống gieo trồng 3.792 ha rau các loại, đạt 16,2% kế hoạch, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Với tiến độ triển khai sản xuất cây hàng năm nêu trên, trong vụ hè thu này, toàn tỉnh đã xuống giống gieo trồng với diện tích hơn 5.977 ha, do đó công tác đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cần được quan tâm sát sao. Và không chỉ đối với cây trồng hàng năm, ngay cả đối với cây lâu năm cũng đang được tiếp tục đầu tư chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh bảo đảm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đưa ra chỉ dẫn, khuyến khích người dân tận dụng những đợt mưa sớm tiến hành trồng mới cây lâu năm như cà phê, chè, dâu tằm và một số cây ăn quả khác.
 
Mặt khác, theo UBND tỉnh, mặc dù các ngành và địa phương thường xuyên theo dõi, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra trên một số cây trồng gồm: cây lúa, cây cà chua, cây rau họ thập tự, hoa cúc, cây cà phê, cây chè, cây điều. Bởi trên thực tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 1.125 ha lúa bị gây hại, trong đó rầy nâu gây hại 398,6 ha, bệnh đạo ôn lá nhiễm 363,7 ha và bệnh khô vằn nhiễm 363 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Tương tự, trên cây cà chua bị bệnh xoăn lá virus gây hại nhiễm 360,8 ha; bệnh mốc sương nhiễm 346,4 ha; còn đối với cây rau họ thập tự bị bệnh sưng rễ nhiễm 304,8 ha và 76 ha cây hoa cúc nhiễm (virus) bệnh héo vàng. Tình trạng dịch bệnh cũng được ghi nhận trên các loại cây công nghiệp dài ngày mà điển hình có tới 4.796 ha điều tại các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông bệnh thán thư bị hại (nhiễm nặng 129,8 ha); bọ xít muỗi gây hại 3.771,1 ha (nhiễm nặng 340 ha). Cây cà phê có tới 11.114 ha bị sâu bệnh, trong đó sâu đục thân gây hại 100 ha, bọ xít muỗi 623 ha, rệp sáp gây hại 3.258 ha, mọt đục cành nhiễm 3.550,2 ha, bệnh khô cành, khô quả nhiễm 3.583 ha. Riêng cây chè bị bọ cánh tơ gây hại 2.008 ha và bọ xít muỗi gây hại nhẹ 2.636,5 ha.
 
Trước tình hình dịch bệnh trên cây trồng diễn ra trong những  tháng qua, cùng với thời tiết biến đổi khó lường, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện công tác điều tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại cho cây trồng, nhất là vụ hè thu. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng không những đảm bảo nguồn thu cho nông hộ mà còn góp phần vào đạt mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo kế hoạch đặt ra trong năm 2018.                 
 
KHẢI NHIÊN