Xe ôm truyền thống trước "cơn bão" Grabbike

09:05, 10/05/2018

Khoảng vài tháng nay, ngày nào cũng vậy, ở khu vực Hòa Bình, đầu đèo Prenn hay ở Ngã tư Phan Chu Trinh, Ngã 5 Ðại học… (TP Ðà Lạt), cảnh các tài xế xe ôm truyền thống ngồi trên xe đìu hiu đốt thuốc đợi khách hàng giờ đã không còn hiếm gặp. Trong khi đó, cánh xe ôm công nghệ (Grabbike) với những ưu điểm vượt trội đã ngày một thu hút số lượng người dùng, đặc biệt là những người trẻ sử dụng thành thạo smartphone.

Khoảng vài tháng nay, ngày nào cũng vậy, ở khu vực Hòa Bình, đầu đèo Prenn hay ở Ngã tư Phan Chu Trinh, Ngã 5 Ðại học… (TP Ðà Lạt), cảnh các tài xế xe ôm truyền thống ngồi trên xe đìu hiu đốt thuốc đợi khách hàng giờ đã không còn hiếm gặp. Trong khi đó, cánh xe ôm công nghệ (Grabbike) với những ưu điểm vượt trội đã ngày một thu hút số lượng người dùng, đặc biệt là những người trẻ sử dụng thành thạo smartphone.
 
Xe ôm công nghệ từ khi xuất hiện tại Đà Lạt đang dần thu hút khách từ giới xe ôm truyền thống. Ảnh: C.Phong
Xe ôm công nghệ từ khi xuất hiện tại Đà Lạt đang dần thu hút khách từ giới xe ôm truyền thống. Ảnh: C.Phong

Không như các thành phố lớn, giới xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đã xảy ra nhiều vụ xô xát; ở nơi phố núi Đà Lạt, những người chạy xe ôm cũ dường như cuộc mưu sinh cũng yên ả, ít khốc liệt hơn khi “cơn bão” Grabbike ùa lên thành phố này vào cuối năm 2017.
 
“Nồi cơm” vơi đi
 
Ngã tư Phan Chu Trinh (Phường 9, TP Đà Lạt) nếu như mới đây vài năm luôn có tầm 8-9 xe ôm luôn đứng túc trực đợi khách từ 6h sáng tới 20h tối thì giờ đây chỉ còn lác đác 4-5 người. Cao điểm thì tầm 19h cũng chỉ còn 1-2 xe đứng chờ vì khách đi đã ít hẳn. Chiều se lạnh cuối tuần ông Nguyễn Xuân Trường (68 tuổi, quê xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngồi co ro, nép mình dưới một cửa hàng bán điện thoại. Ông cho hay cả ngày nay mới được một cuốc xe 40.000 đồng khách đi Trại Mát và những buổi trước đó cũng không khá hơn. Ngày khách đi nhiều cũng chỉ được 200.000 đồng. Chia bình quân tháng, mỗi ngày ông thu nhập khoảng 70.000 đồng, chưa trừ chi phí xăng xe. “Trước kia kiếm cơm ngày cũng được khoảng trên dưới 100.000 đồng là bình thường nhưng mọi thứ đã qua rồi. Giờ xe ôm công nghệ xuất hiện nhiều quá, tôi và một số anh em kiếm chưa nổi 100.000 đồng/ngày” - ông Trường chia sẻ. 
 
Chạy xe ôm có thâm niên 13 năm, ông Trường hiện giờ sống một mình trong căn gác trọ tại Phường 9, TP Đà Lạt với giá 600.000 đồng/tháng. Thế nên với thu nhập “lèo tèo” như hiện nay, nhiều bữa ông phải mua bánh mì ăn thay cơm để dành tiền trả cho chủ nhà trọ. “Giờ cơ chế thị trường là vậy, “nồi cơm” vơi đi mình cũng đành chịu, trước khác giờ khác đâu thể giống nhau. Còn chuyển sang chạy xe công nghệ mắt kém rồi, xe cũ mèm lại không biết sử dụng điện thoại thông minh thì chuyển sao được” - ông Trường ngậm ngùi trả lời khi chúng tôi hỏi lý do sao ông không chuyển sang chạy Grab.
 
Đồng nghiệp với ông Trường, ông Phan Văn Hơn (65 tuổi, nhà ngụ Phường 10, TP Đà Lạt) chạy xe ôm ngót nghét 10 năm tại khu Hòa Bình thì chọn cách thay vì ngồi ở các ngã ba, ngã tư lại lâu lâu chịu khó chạy xe rảo quanh các con phố kiếm thêm khách. Ông Hơn bảo giờ xe công nghệ quá hiện đại, chỉ cần nhấn nút là có người tới đón, nếu ngồi yên một chỗ thì thu nhập còn giảm sút thê thảm hơn. “Từ lúc xe ôm công nghệ lên thành phố này, cuộc sống của chúng tôi nhìn chung khó khăn thấy rõ. Giờ mười người khách, thì chúng tôi chỉ chạy được khoảng ba bốn người, bảy người còn lại họ đi xe ôm công nghệ ” - ông Hơn chia sẻ thẳng thắn và cho biết thêm, sở dĩ ông vẫn chưa chuyển nghề vì vẫn còn một số đối tượng khách chọn đi xe ôm truyền thống. Đó là những người già tầm tuổi như cánh xe ôm, họ đã đi quen khách nhiều năm qua và không muốn thay đổi thói quen. Tương tự, nhiều người đi chợ, du khách đi quãng đường ngắn họ vẫn chọn đi xe ôm tập trung gần chợ Đà Lạt bởi tính tiện lợi. “Nhưng để có thể trụ lại được tôi và nhiều anh em cũng đang nhắc nhở nhau trong thái độ với khách hàng, cách phục vụ, giảm bớt giá chạy... để có thể bám với nghề lâu hơn” - ông Hơn nhận định.
 
Cách nào cùng “mưu sinh” với nhau?
 
Là một trong số các xe ôm công nghệ xuất hiện tại TP Đà Lạt dăm tháng nay, anh  Trần Văn Nguyên (31 tuổi, ngụ huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) cho biết, chạy xe Grabbike có nhiều điểm lợi cho cả khách và tài xế. Dễ nhận thấy nhất với xe công nghệ là việc giá cả khi chạy được minh bạch, rẻ hơn so với xe ôm thông thường nên khách hàng rất thích. Khi khách chọn cuốc xe trên điện thoại thông minh ở nhà hay chỗ làm việc… thì tài xế ở gần nhất sẽ được nhân viên Grab thông báo thông tin và gọi điện xác nhận khách đặt. Thậm chí xe di chuyển tới nơi đón trên đường khách có thể theo dõi trên điện thoại và có thể yên tâm khi biết tên tuổi, lý lịch người sắp chở mình,…
 
Theo anh Nguyên chia sẻ, trung bình một ngày anh chạy từ 10 cuốc xe, trừ chi phí thì thu nhập bình quân của anh cũng gần 200.000 đồng/ngày chưa trừ tiền chiết khấu 15% cho công ty Grab. Tính ra một tháng cũng được tầm 7 triệu, trừ hết toàn bộ chi phí xăng xe, ăn uống mỗi tháng anh cũng dư được hơn 2 triệu đồng.
 
“Tụi mình chỉ chở khách đặt qua phần mềm, còn khách đi ngoài đường muốn đi trực tiếp thì mình khước từ vì còn phải để phần cho mấy bác chạy xe ôm truyền thống. Nhưng về lâu dài nghề nào cũng có quy luật cung cầu, khách hàng sẽ là người lựa chọn đi loại hình nào có lợi cho mình nhất” - anh Nguyên phân tích.
 
Một tài xế Grabbike khác còn khá trẻ chạy cùng nhóm anh Nguyên là N.T.Th (25 tuổi, ngụ huyện Lâm Hà) cho chúng tôi biết do chưa có việc làm ổn định nên khi biết Grab triển khai hoạt động tại Đà Lạt đã nghe bạn bè đăng ký đi làm. “Nghề này với nữ giới tụi em chạy khá an toàn bởi các thông tin tài xế và khách công ty đều kiểm soát được, em chỉ tránh chạy ban đêm, còn ban ngày thì chạy toàn thời gian. Khi Grab triển khai tại Đà Lạt được hai tháng, nhiều người cho rằng xe công nghệ chạy nhiều sẽ lấy hết khách của xe ôm thông thường không chính xác lắm. Thực tế thu nhập cả tháng cũng chỉ đủ nhu cầu sinh hoạt cơ bản, tiền nhà trọ, lo cho gia đình như các nghề bình dân khác” - Th. nói. 
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tình (67 tuổi), người lái xe ôm truyền thống khu vực Hòa Bình chia sẻ: quy luật cung cầu không thể theo ý muốn chủ quan nên mong muốn của anh em chạy xe ôm là mọi người cùng nhường nhịn nhau để chạy, không ai giành “nồi cơm” của ai. Xe ôm công nghệ không nên mời khách dọc đường mà chỉ chạy theo cuốc đặt trên mạng. Hiện anh em xe ôm tự quản, thỏa thuận với khách ở mức giá trung bình, không o ép khách. Đồng thời anh em cũng tự ra giá có khuyến mãi nếu đi hai chiều thì giảm giá chẳng hạn.
 
Tài xế xe ôm Trần Huy (50 tuổi) thường chạy trước Quảng trường Lâm Viên thì cho rằng, thực tế hầu hết cánh xe ôm ở khắp thành phố vẫn chạy tự phát, chưa có nghiệp đoàn xe ôm như các thành phố khác. Do đó, để hỗ trợ nhau, gắn kết để phát triển còn thiếu tính chuyên nghiệp. “Nếu thành lập được tổ xe ôm được tổ chức thống nhất mặc về đồng phục, giá cả, tác phong đón khách, giảm giá chạy…thì xe ôm thông thường nói chung vẫn có thể cạnh tranh, sống được trước  xe ôm công ty, xe ôm công nghệ” - ông Huy chia sẻ.
 
CHÍNH PHONG