Thị trường bất động sản Ðà Lạt đang bị thổi giá?!

08:06, 01/06/2018

Những tháng đầu năm 2018, nhà, đất tại TP Ðà Lạt bỗng dưng trở nên "sốt giá". Bất chấp những tiềm ẩn về rủi ro, nhiều người vẫn lao vào đầu tư càng đẩy giá bất động sản tại Ðà Lạt lên cao "chóng mặt"…

Những tháng đầu năm 2018, nhà, đất tại TP Ðà Lạt bỗng dưng trở nên “sốt giá”. Bất chấp những tiềm ẩn về rủi ro, nhiều người vẫn lao vào đầu tư càng đẩy giá bất động sản tại Ðà Lạt lên cao “chóng mặt”…
 
Thị trường nhà, đất bị thổi giá sẽ tạo nên “bong bóng” bất động sản, và hậu quả để lại cho xã hội thật khó lường. Ảnh: T.T
Thị trường nhà, đất bị thổi giá sẽ tạo nên “bong bóng” bất động sản, và hậu quả để lại cho xã hội thật khó lường. Ảnh: T.T

Thị trường bất động sản tại Đà Lạt “dậy sóng”, nhất là vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay. Cùng với đó là các tin đồn “rỉ tai” lan nhanh về các trường hợp chỉ bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà, đất chưa đầy vài ngày sau đã thu về lợi nhuận cả vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Trong khi, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn về nhà đất, hằng ngày cũng xuất hiện dày đặc các thông tin rao bán nhà, đất với giá “trên trời, dưới đất”. Chí ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều thì lên đến hàng chục tỷ đồng cho mỗi lô đất, căn hộ. Thị trường bất động sản Đà Lạt “nóng” đến nỗi nay chỉ cần vào google, gõ từ khóa “Thị trường nhà đất Đà Lạt”, trong vòng 0,61 giây đã cho ra 1.900.000 kết quả liên quan. 
 
Chị Nguyễn Thị Hằng, một người làm nghề môi giới về bất động sản tại Đà Lạt, bộc trực: Trong nhiều năm làm nghề này tại Đà Lạt, tôi chưa bao giờ thấy có nhiều người tham gia làm “cò” nhà, đất như hiện nay. Không chỉ có giới kinh doanh bất động sản ở Đà Lạt mà người người, nhà nhà, từ công chức, viên chức, cả nông dân cũng tham gia làm “cò” bất động sản.
 
Một viên chức làm trong ngành giáo dục của tỉnh Lâm Đồng (không muốn nêu tên), cho biết: Có giáo viên của một trường nghề tại Đà Lạt, sau nhiều năm tích cóp, vay mượn tậu được căn nhà để ở. Sáu tháng sau, có người đến trả giá cao hơn một tỷ đồng so với số tiền đã đầu tư nên chấp nhận bán… Thông tin này đến tai các đồng nghiệp, vậy là nhiều cán bộ, giáo viên đã chạy đôn chạy đáo huy động vốn, có người còn vay tiền ngân hàng để đầu tư vào bất động sản. Câu chuyện thực hư thế nào thì chưa rõ vì không thể kiểm chứng, nhưng qua đó cho thấy thị trường bất động sản tại Đà Lạt đã và đang bị đồn thổi rất nhiều.
 
Giá bất động sản tăng cao, một số người bất chấp cả pháp luật đã lấn chiếm, san ủi cả đất lâm nghiệp để trục lợi. Ảnh: T.T
Giá bất động sản tăng cao, một số người bất chấp cả pháp luật đã lấn chiếm,
san ủi cả đất lâm nghiệp để trục lợi. Ảnh: T.T

Anh N.T.P, (trú tại Q7, TP HCM), người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mua bán nhà đất tại Đà Lạt, khẳng định: Giá trị bất động sản tại Đà Lạt đang bị “cò” nhà, đất thổi phồng, đẩy giá để trục lợi. Trên thực tế, có người mua bán có lãi, nhưng không phải ai cũng thành công trong lĩnh vực đầu tư vào bất động sản, nhất là những người thiếu vốn, phải vay mượn thêm. Vậy nhưng, không hiểu sao thời gian gần đây lại có nhiều người vẫn cứ đổ tiền mua nhà, đất, thậm chí có người mua bán cả đất nông nghiệp với giá cao chỉ bằng một tờ giấy viết tay mà không lường hết những rủi ro và vấn đề pháp lý sau này? 
 
Theo anh P, để xác định giá trị thực của đơn vị nhà, đất, trước hết phải xác định được hệ số sinh lợi cộng với các yếu tố về môi trường, cảnh quan, hạ tầng giao thông, an ninh và an sinh, chưa kể các vấn đề quy hoạch, hoạch định phát triển khu vực đó của nhà nước. Không phải cứ muốn hô giá bao nhiêu cũng được.
 
Có cùng quan điểm, chị Phạm Thị Cúc, đại diện đơn vị kinh doanh giao dịch Địa ốc Ý Thu (32 Lương Thế Vinh, P3, TP Đà Lạt), cho rằng: Sau thời gian dài “ngủ đông” rồi đi ngang, thị trường bất động sản tại Đà Lạt giờ đang bị “sóng ảo”… Theo lý giải của chị Cúc, rất có thể người dân nghe thông tin đồn thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành đang “sốt” giá, trong khi Đà Lạt lại có khí hậu mát mẻ, là thành phố du lịch nổi tiếng nên nghĩ rằng giá trị bất động sản của Đà Lạt cao như các tỉnh, thành khác. Song song với đó, có một số người ngoài tỉnh đến Đà Lạt mua nhà, đất với giá cao để đầu tư cơ sở lưu trú, hoặc làm nông nghiệp công nghệ cao…; nhiều người thấy vậy nên dự đoán giá trị bất động sản Đà Lạt cũng sẽ tăng trong tương lai gần nên mới đổ xô vào đầu tư. 
 
Theo chị Cúc, người dân không nên mạo hiểm vì những người không chuyên đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, khi tham gia vào lĩnh vực này sẽ không tính được đầu ra. Đặc biệt, khi mua bán qua “cò”, không qua các đơn vị chuyên nghiệp sẽ rất phức tạp về giấy tờ pháp lý, cũng như những quy định của nhà nước, mỗi lô đất cần phải tìm hiểu, áp dụng tới 3 đến 4 tấm bản đồ qui hoạch chồng lên nhau, không khéo khi mua bán xong lại không xây được nhà. Đối với những người phải vay vốn ngân hàng, khi cơn “sốt” nhà, đất tạm lắng, thị trường bình ổn sẽ không thể cầm cự được lâu, phải bán tháo, và hậu quả thì không thể lường được.
 
THỤY TRANG