Những người lái tàu trên cao nguyên

08:12, 13/12/2018

Ðà Lạt là thành phố có nhiều thứ riêng và nhất mà không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được. Những triền thông ngàn gió vi vu, những ngàn hoa, những dã quỳ, những ngày se se lạnh… Và Ga Ðà Lạt có thời gian lâu đời nhất ở Việt Nam và Ðông Dương. 

Ðà Lạt là thành phố có nhiều thứ riêng và nhất mà không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được. Những triền thông ngàn gió vi vu, những ngàn hoa, những dã quỳ, những ngày se se lạnh… Và Ga Ðà Lạt có thời gian lâu đời nhất ở Việt Nam và Ðông Dương. 
 
Lái tàu Vũ Nam Thái thực hiện công việc tác nghiệp, kiểm tra đầu máy. Ảnh: Đ.T
Lái tàu Vũ Nam Thái thực hiện công việc tác nghiệp, kiểm tra đầu máy. Ảnh: Đ.T

Tôi còn nhớ như in nhịp điệu con tàu khi băng qua những cung đèo đó là lần tôi có dịp vượt Hải Vân Quan bằng tàu hỏa.
 
Thế nhưng, đến với Đà Lạt, một lần nữa nhịp điệu ấy lại vang lên khi lướt trên tuyến đường sắt đi từ trung tâm thành phố Đà Lạt đến  Trại Mát. Có thể nói tuyến đường 7 km là một hành trình ngắn, nhưng nó sẽ không ngắn với du khách bốn phương sau khi được “mục sở thị” các cảnh quan dọc tuyến đường. 
 
Lái tàu Vũ Nam Thái (SN 1977) là người quê Thanh Hóa dành cho tôi một lượng thời gian quý báu để chuyện trò. 
 
Năm 2002, anh Thái nhận nhiệm vụ lái tàu trên tuyến Đà Lạt - Trại Mát, trước đó anh đã làm việc tại Ga Tháp Chàm (Ninh Thuận). Lên với xứ sở ngàn hoa, điều khác biệt trong công tác của anh chính là hằng ngày giúp con tàu lăn bánh để phục vụ bè bạn bốn phương thỏa chí ngao du. “Khác chứ, dĩ nhiên rồi”! Đó là nhận định chắc chắn của anh khi tôi muốn anh so sánh điểm khác biệt giữa tuyến đường sắt trên cao nguyên Lâm Viên này với những tuyến khác hay những tuyến mà anh đã từng công tác, từ người trong cuộc. 
 
Anh Thái phân tích tựa hồ một hướng dẫn viên du lịch lâu niên: Sự khác biệt chính là nhà ga, từng toa tàu, đầu máy là điểm để du khách tham quan, chụp ảnh rồi chính con tàu lại cho du khách những hành trình khám phá mới. Ở đây, đến với Ga Đà Lạt và tuyến trung tâm thành phố Đà Lạt - Trại Mát, mọi người sẽ không có cảm giác “xô bồ” mà trái lại là một khung cảnh nên thơ, nên nhạc. 
 
Còn giống nhau thì đặc điểm của “cánh” lái tàu chúng tôi chính là nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn trên mọi tuyến đường. Đó là nói chung, còn nói riêng thì ở đây chúng tôi không lái đêm. 
 
Và, để đảm bảo an toàn trên tuyến đường, anh Thái và các đồng nghiệp phải có mặt từ 6 giờ sáng để tác nghiệp kỹ thuật, kiểm tra đầu máy, toa tàu. Rời tàu lúc 6 giờ tối để dành thời gian kiểm tra một lần nữa khi tàu về ga chuyến thứ 5 trong ngày lúc 17 giờ 35 phút. 
 
Công việc vất vả, thời gian làm việc tương đối dài nhưng có lẽ niềm động viên khích lệ đối với anh Thái và các đồng nghiệp chính là niềm vui của du khách khi họ lên tàu và rời tàu. Để rồi khi rời cabin đầu máy trong ánh mắt của anh Thái bắt gặp những nụ cười hạnh phúc, những cái gật đầu vì đã có một chuyến đi thú vị.
 
Ít nói và điềm đạm chính là nét chính của anh và hai đồng nghiệp và đấy cũng là nghề nghiệp đã hun đúc nên những con người hết lòng vì công việc. 
 
Chia tay. Tôi đề nghị chụp chung một bức ảnh. Nhưng, sự ngại ngùng thể hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Mặc dù, trong khung cảnh ấy, tại nhà ga ấy, tại con tàu ấy có rất nhiều người đang chụp hình trong thời đại mà ảnh tự chụp hay ảnh do người khác chụp cũng quá thịnh hành. Phải chăng đó cũng là sự thầm lặng của một  tổ đầu máy ba người đã đưa biết bao du khách trải nghiệm trên tuyến đường thú vị này. 
 
ÐỨC TÚ