Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phú Ao

05:09, 07/09/2020

Phú Ao là thôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, lâu nay vẫn thường canh tác các loại cây trồng năng suất thấp, thu nhập bấp bênh...

Phú Ao là thôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, lâu nay vẫn thường canh tác các loại cây trồng năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Chính vì vậy, Khối Dân vận xã Tà Hine đã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
 
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Phú Ao, xã Tà Hine, Đức Trọng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Phú Ao, xã Tà Hine, Đức Trọng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích
 
Thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng có 165 hộ với 685 nhân khẩu. Hơn 86% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Lâu nay, người dân Phú Ao cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác tại địa phương thường gắn bó với cây trồng quen thuộc như lúa nước, đậu, bắp, cà phê… có năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Để người dân Phú Ao nâng cao đời sống và đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, thời gian qua, được sự chỉ đạo của Ban Dân vận Huyện ủy Đức Trọng và Đảng ủy xã Tà Hine, Khối Dân vận tại địa phương đã quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập đời sống. 
 
Đồng chí Mo Lom Thanh - Phó Bí thư, Trưởng Khối Dân vận Đảng ủy xã Tà Hine cho biết, với thói quen canh tác lâu nay nên bước đầu tuyên truyền, vận động người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất để tăng năng suất hiệu quả là rất khó. Do đó, Khối Dân vận Đảng ủy xã đã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể và Ban nhân dân thôn kiên trì đến từng hộ gia đình giải thích, vận động để người dân mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác; áp dụng cây trồng mới; sản xuất theo nhu cầu thị trường, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và thu nhập cao. Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập và làm theo. Từ thành công của mô hình điểm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Phú Ao đã mạnh dạn chuyển từ diện tích trồng lúa 1 vụ, hay diện tích trồng bắp, cà phê già cỗi sang trồng rau, củ, quả và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hiệu quả, bền vững.  
 
Theo thống kê của địa phương, nếu như cách đây khoảng 5 năm về trước trên địa bàn thôn Phú Ao, người dân chủ yếu trồng các loại cây trồng truyền thống, năng suất thấp và để tự cung, tự cấp là chính thì hiện nay đã có hơn 30 hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nông sản cung cấp cho thị trường. Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân địa phương cũng đã liên kết với doanh nghiệp để được cung cấp vốn, giống, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Trên địa bàn thôn Phú Ao hiện có hơn 80 ha diện tích sản xuất rau, củ thương phẩm và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Nếu như trước đây sản xuất các cây trồng truyền thống với lối canh tác cũ, thu nhập của người dân bấp bênh và thường bị thương lái ép giá, hoặc chịu cảnh “được mùa mất giá” thì nay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất nên thu nhập người dân không ngừng được nâng lên. Nông dân Ya Linh ở thôn Phú Ao, xã Tà Hine cho biết, trước đây gia đình ông trồng lúa 1 vụ có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha. Hiện nay, được tuyên truyền, vận động nên gia đình ông mạnh dạn chuyển sang trồng rau màu và liên kết sản xuất với doanh nghiệp do đó có thu nhập khoảng hơn 130 triệu đồng/ha/năm. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập nên người dân Phú Ao cũng có điều kiện để đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Năm 2019, thôn Phú Ao đạt chuẩn thôn văn hóa, có 145 hộ/165 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Là một xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng Tà Hine đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí chương trình xây dựng nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
 
Đồng chí Lê Công Tuấn - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đức Trọng cho biết, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập ở Phú Ao là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tại địa phương. Từ mô hình tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững và tích cực đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Mô hình vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phú Ao cũng đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy lựa chọn để đề nghị tuyên dương khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
 
DUY NGUYỄN