Chính thức triển khai Đề án "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng giai đoạn năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030"...
Chính thức triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng giai đoạn năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục vào cuộc phối hợp đồng bộ và hiệu quả hơn.
|
Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng ở Lâm Đồng phấn đấu đạt khoảng 56% |
Phát triển 20.000 ha các mô hình nông lâm kết hợp
Đề án đặt ra đến năm 2025 phải đạt 4 mục tiêu trọng tâm: Thứ nhất, mỗi năm giảm từ 10-15% trở lên số vụ phá rừng; 15-20% diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại; tăng dần tỷ lệ số vụ vi phạm được phát hiện đối tượng vi phạm. Thứ hai, các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật. Thứ ba, kiên quyết giải tỏa, thu hồi 334 ha rừng bị phá từ năm 2016 và những năm sau (nếu có) để trồng lại rừng. Thứ tư, phát triển các mô hình nông lâm kết hợp trên tổng diện tích 20.000 ha đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng độ che phủ rừng.
Và 3 định hướng đến năm 2030 là: Không để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến dư luận; giảm 50% tỷ lệ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp so với giai đoạn năm 2020-2025; trồng rừng tập trung, trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích với mật độ phù hợp…
Để đạt mục tiêu định hướng nêu trên, Đề án đề ra 8 nhóm giải pháp huy động sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cấp, ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp triển khai nhóm giải pháp quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, hoàn thành cắm mốc xác định ranh giới rừng, trong đó ưu tiên cắm mốc trên diện tích giáp ranh với đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 8 công ty lâm nghiệp. Riêng diện tích đất sản xuất đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp cũng được tiếp tục đo đạc, cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị phối hợp chính quyền địa phương các cấp vào cuộc với nhóm giải pháp vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng, môi trường rừng; phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, ngăn chặn phá rừng.
UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và cấp xã, phường trực thuộc với trách nhiệm chủ trì phối hợp giải quyết ổn định sản xuất, đời sống đối với dân di cư tự do. Cụ thể, hoàn thành các dự án ổn định dân di cư tự do tập trung, xen ghép gắn với việc thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến nông, chuyển đổi giống cây trồng, giảm nghèo bền vững, nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng, ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp…
Khôi phục khoảng 52.000 ha rừng bằng trồng xen
Với nhóm giải pháp nâng cao năng lực và điều kiện triển khai nhiệm vụ trên hiện trường cho lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, chuyển Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng. Đồng thời, bổ sung nguồn nhân lực kiểm lâm địa bàn trực tiếp tuần tra, truy quét. Đối với các chủ rừng từ năm 2021 trở đi phải đạt từ 90-95% lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng được đào tạo tập huấn chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cũng với chức năng cơ quan đầu mối triển khai Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tham mưu Tỉnh ủy ban hành chuyên đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng”. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành các giải pháp chính sách về lâm nghiệp như: Quy trình giải tỏa và trồng lại rừng sau giải tỏa; trách nhiệm đối với chủ rừng, kiểm lâm, ban lâm nghiệp xã; cơ chế hỗ trợ, vay vốn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất nông nghiệp sang trồng rừng, trồng xen cây lâm nghiệp; cơ chế hỗ trợ người cung cấp tin báo tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp…
Đáng kể với nhóm giải pháp về vốn thực hiện Đề án giai đoạn năm 2020-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất gần 260 tỷ đồng huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước (35%); vốn doanh nghiệp và người dân (52%); lồng ghép kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (13%).
Còn lại 2 nhóm giải pháp cũng đã được giao trách nhiệm cho đơn vị chuyên trách trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức nhân rộng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ GIS và thiết bị số, để hỗ trợ theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm các điểm phá rừng. Và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng rà soát các điều kiện cần và đủ đối với hộ dân cư trú hợp pháp, canh tác nông nghiệp ổn định, trồng cây đa mục đích thì được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Triển khai đồng bộ 8 nhóm giải pháp khả thi với tinh thần quyết tâm, Đề án sẽ mang lại kết quả “duy trì và phát triển 536.680 ha rừng bền vững hiện có; khôi phục khoảng 52.000 ha rừng bằng giải pháp trồng xen. Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng ở Lâm Đồng phấn đầu đạt khoảng 56%...”.
VĂN VIỆT