Người giữ rừng Du sam quý hiếm

01:01, 15/01/2021

Trong khi đâu đó vẫn ghi nhận những vụ lâm tặc xẻ rừng lấy gỗ, thì tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà có một người dân tộc thiểu số là ông Lâm Văn Quyền (59 tuổi),...

Trong khi đâu đó vẫn ghi nhận những vụ lâm tặc xẻ rừng lấy gỗ, thì tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà có một người dân tộc thiểu số là ông Lâm Văn Quyền (59 tuổi), thôn R’teng 2 đang chăm sóc thành công rừng gỗ quý. Cánh rừng này được người dân ưu ái đặt tên là rừng “ông Quyền” vì ông là người hơn 30 năm giữ cánh rừng Du sam quý hiếm.
 
Ngoài diện tích Du sam lớn trên phần diện tích giữ rừng của ông Quyền còn có hàng trăm cây nhỏ mọc xanh tốt
Ngoài diện tích Du sam lớn trên phần diện tích giữ rừng của ông Quyền còn có hàng trăm cây nhỏ mọc xanh tốt
 
Dẫn chúng tôi lên khu rừng Du sam rộng 6 ha, ông Quyền giới thiệu: Toàn bộ khu rừng gỗ Du sam này do ông bảo vệ suốt 30 năm nay. Cây gỗ Du sam ở đây có đường kính từ 30 - 50 cm, tất cả là gỗ tái sinh.
 
Ông kể, gia đình ông từ ngoài Cao Bằng vào vùng Phú Sơn năm 1987, khi ấy còn chưa có chủ trương đóng cửa rừng nên mọi người mặc sức khai phá, ai khai phá được khoảnh nào thì lấy khoảnh ấy, gia đình ông lựa chọn vùng đất ở thôn R’teng 2 để sinh sống. Thấy khu rừng nguyên sinh trước nhà bị khai thác nham nhở, trọc trụi, ông nghĩ nếu như người dân cứ tiếp tục khai thác như thế thì chắc chắn không bao lâu nữa cánh rừng này sẽ không còn cây xanh, thiên tai vì thế mà ập tới lúc nào không hay. Ông Quyền cho biết: “Là người Nùng vốn quen sống gần rừng, tôi hiểu được giá trị của rừng xanh, xem rừng là báu vật, là nguồn sống, thấy rừng bị tàn phá là tôi xót xa lắm. Thế là, năm 1990, tôi quyết định mua khu đất được người ta khai phá để khoanh nuôi và bảo vệ rừng”.
 

Cây Du sam (còn gọi là ngô tùng, tô hạp, mạy kinh) thuộc họ Thông là cây thân gỗ lớn, cao từ 23-40 m, thường mọc trên núi đá vôi với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Gỗ Du sam trước đó được xếp vào nhóm IA, thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng. Tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP, gỗ Du sam thuộc nhóm IIA trong Danh mục thực vật rừng quý hiếm, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại.

Ngày xưa rừng Du sam này được người dân khai phá nên trên đất chỉ còn cây dầu và dẻ, ông Quyền tiến hành trồng thêm thông 3 lá, sau này, thấy chồi cây Du sam mọc lên mới biết đó vốn là rừng gỗ quý, ý định giữ rừng của ông càng thêm mãnh liệt hơn.

Khu rừng Du sam chỉ rộng vài ha, nhưng khi chúng tôi vào thăm lại có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm gốc cây Du sam đường kính gần đủ người ôm. “Mỗi khi tôi mệt mỏi, nóng bức trong người, chỉ cần vào trong rừng này là cảm thấy sảng khoái, dễ chịu hẳn, mọi bực dọc nhờ đó cũng hoàn toàn tan biến”, ông Quyền như lắng lại một vài phút để cảm nhận thành quả. 
 
Đi dưới tán rừng Du sam xanh mát, ông Quyền nhớ lại những ngày gian nan chăm sóc: “Thời điểm đó, trong khi nhiều người không ngừng khai phá rừng để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp thì tôi đi ngược lại, hằng ngày đùm cơm gạo lên rừng để phát cây dại, cỏ tranh, để chăm sóc số cây gỗ rừng còn lại”. 
 
Hiện, khu rừng của ông Quyền có khoảng trên 400 cây Du sam lớn và khoảng 500 cây nhỏ đang thi nhau vươn lên, và trong rừng vẫn còn gỗ thông 3 lá tự nhiên, dổi, dầu, dẻ... 
 
Khi cây rừng đã lên cao, nhiều đối tượng lăm le vào phá, ông Quyền báo với chính quyền địa phương xin được bảo vệ rừng. Sự quyết liệt của ông, khiến chính quyền yên tâm, lực lượng chức năng lên khoanh đo, đếm cây giao cho ông bảo vệ. 
 
Từ ngày được giao cho khoanh nuôi bảo vệ cánh rừng Du sam, ông Quyền thường xuyên ở rừng, vì nhà sát cạnh khu rừng nên ngày nào ngoài việc thăm rẫy cà phê ông đều lội quanh khu rừng để kiểm tra, cuộc sống của ông gắn bó với cây rừng. Từng gốc, từng cây ở khu vực nào ông đều nằm lòng, bởi ông yêu chúng như sinh mạng của mình. “Có những lần vừa từ rẫy về, nghe tiếng cưa máy, tôi vội chạy vào rừng xem xét, thấy người dân tới cưa cây dẻ về đốt than, tôi chỉ nói, dẻ thì chỉ được tỉa thưa, còn những cây gỗ quý như Du sam, thông thì không được đụng vào. Nhà nước giao rừng cho tôi bảo vệ, giờ rừng là của tôi, mọi người vào đây phải tuân thủ quy định”, ông Quyền cho hay. 
 
Trong suy nghĩ của ông Quyền, khu rừng như là báu vật của riêng mình, cũng là báu vật linh thiêng bảo vệ người dân. Chính vì việc làm của ông đã khiến nhiều người dân quanh vùng thay đổi suy nghĩ và đã tạo được sức lan tỏa trong việc giữ rừng ở Phú Sơn.
 
Ông Trương Quang Trung, Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà cho biết: Giá trị đất ngày càng tăng cao, trong khi nhiều người dân muốn có thêm đất, ông Quyền lại là người lấy đất của mình để phát triển rừng. Trước đây, diện tích này là đất nông nghiệp có rừng, khi Nhà nước đưa vào diện đất lâm nghiệp để quản lý, gia đình ông Quyền đồng ý ngay và xin được giữ cánh rừng này. Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo mà rừng Du sam ở đây lên xanh tươi tốt.
 
Việc ông Lâm Văn Quyền giữ được cánh rừng Du sam là một tấm gương sáng, điển hình trong công tác bảo vệ rừng gỗ quý, giúp bảo tồn nguồn gen quý hiếm và góp phần nâng cao độ che phủ của rừng. Vừa qua, ông Quyền được giao khoán quản lý từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cũng tiến hành đánh dấu số cây, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý.
 
HOÀNG YÊN