Không nóng bỏng như các tỉnh nằm sát đường biên giới, song hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nội dung trọng tâm được đẩy mạnh tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng.
Không nóng bỏng như các tỉnh nằm sát đường biên giới, song hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nội dung trọng tâm được đẩy mạnh tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng.
|
Trẻ em và phụ nữ vùng sâu, vùng xa luôn là đích ngắm mà bọn buôn người tìm cách giăng bẫy |
Lợi dụng công nghệ để dụ dỗ, mua bán người
Ka Lương, Ka Hương, Ka Viên người dân tộc K’Ho và Giàng Thị Tồng người dân tộc H’Mông là những cô gái ở huyện Đam Rông mà nhiều năm về trước tên họ được gắn liền với sự trở về ngoạn mục từ các cuộc mua bán người.
Theo nhận định của cơ quan an ninh huyện Đam Rông, từ năm 2011 đến nay, tình hình mua bán người trở nên phức tạp do sự di cư tự do của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông từ các tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn... vào định cư trên địa bàn huyện. Các đối tượng hầu hết là người dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc vào móc nối, cấu kết với các đối tượng cũng là người Mông di cư tự do vào Tây Nguyên. Đời sống của người Mông di cư tự do nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung còn nhiều khó khăn. Vì nghèo nên nhiều người muốn đổi đời. Vì thiếu hiểu biết nên họ bị các đối tượng lừa bán qua biên giới. Do đặc tính của bà con thường sinh sống ở các khu vực rừng núi hẻo lánh, biệt lập và sự khác biệt về ngôn ngữ nên công tác theo dõi, nắm bắt và điều tra của cơ quan an ninh gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận tại Công an tỉnh, khi công nghệ phát triển, các đối tượng mua bán người đã mở rộng phạm vi và thay đổi chiêu thức hoạt động nên không chỉ Đam Rông, mà mọi địa bàn, mọi địa chỉ đều có thể trở thành mục tiêu của bọn buôn người. Hiện nay các đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội facebook, zalo... để liên lạc kết bạn sau đó dụ dỗ, bằng cách tìm việc làm, vờ yêu đương hẹn hò, du lịch lên các tỉnh biên giới, nhất là khu vực Sa Pa tỉnh Lào Cai và bán qua cửa khẩu. Và thực tế đã xảy ra trường hợp này vào đầu năm 2019, đối với hai nạn nhân nữ 14 tuổi và 16 tuổi cùng trú tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc để mang thai đẻ thuê. Gia đình đã trình báo cơ quan công an để được giải quyết.
Các đối tượng mua bán người trên địa bàn Lâm Đồng chủ yếu là các đối tượng hoạt động lưu động. Các đối tượng cầm đầu không phải là người địa phương nên trong quá trình điều tra, xác minh thu thập tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự làm nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác tổ chức điều tra, xác minh giải quyết dứt điểm các vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn tỉnh để có tác dụng răn đe. Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm mua bán người: Lâm Đồng đi các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và tuyến Lâm Đồng đi các tỉnh biên giới phía Bắc như các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn và ngược lại. Địa bàn trọng điểm được xác định gồm: Đam Rông, Lâm Hà, Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc... để khoanh vùng đối tượng, thu thập tài liệu làm căn cứ điều tra phá án.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nhiều năm qua, Lâm Đồng luôn chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm đấu tranh, phòng ngừa ngăn chặn loại tội phạm này. Hiện nay, ở cấp tỉnh hay huyện, công tác tuyên truyền vẫn được các cơ quan chức năng xác định là “xương sống” ngăn chặn loại tội phạm này.
Theo đó, hàng năm Ban Dân tộc tỉnh đã lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện Đề án 2 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” vào tất cả các chương trình, đề án tuyên truyền pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Các lớp tập huấn cũng được mở ra, trong đó đối tượng phụ nữ, trẻ em gái đồng bào DTTS được tập trung hướng đến nhằm thay đổi nhận thức của nhóm đối tượng dễ bị tác động nhất. Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền nội dung này. Nhờ việc thực hiện tổng hợp các biện pháp tuyên truyền, suốt 5 năm qua đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực. Bà con các DTTS đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giác đóng góp ý kiến vào các vấn đề nói chung, nâng cao hiểu biết pháp luật để bảo vệ bản thân và gia đình. Nhờ vậy những năm gần đây đã không còn xảy ra các vụ mua bán người trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo nhận định từ Ban Dân tộc tỉnh, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng trong vùng đồng bào DTTS nói chung và các vùng DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng. Để giải quyết tận gốc nạn mua bán người trong vùng đồng bào DTTS cần phải thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, sức khỏe, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đồng nghĩa với cơ hội thâm nhập của tội phạm mua bán người cũng từ đó sẽ giảm xuống, buôn làng nói chung và những người phụ nữ DTTS nói riêng sẽ được bình yên.
NGỌC NGÀ