Tâm huyết với những đề xuất, kiến nghị về nông nghiệp

06:01, 25/01/2021

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hành động, xứng đáng với niềm tin của cử tri...

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, không ngừng đổi mới, sáng tạo, hành động, xứng đáng với niềm tin của cử tri; các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã chủ động tham gia những hoạt động của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH, góp phần vào kết quả chung của Quốc hội. Một trong những nội dung góp ý xây dựng pháp luật tâm huyết, sát thực tiễn của Đoàn ĐBQH đó là xoay quanh vấn đề “Nông nghiệp bền vững”.
 
Đoàn ĐBQH trong một chuyến khảo sát thực tế
Đoàn ĐBQH trong một chuyến khảo sát thực tế
 
Đây được coi là một trong những chủ đề nhất quán, xuyên suốt được các ĐBQH của Đoàn ĐBQH đề cập, tập trung thảo luận nhằm hướng đến “phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ”. Nội dung này đã được đề cập tại Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 
 
Ông Ngô Kiểm - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, người theo sát các hoạt động của Đoàn tại các kỳ họp Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 2, các ĐBQH Đoàn ĐBQH Lâm Đồng khóa XIV đã tập trung kiến nghị các giải pháp tái cơ cấu nền nông nghiệp: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất; liên kết 4 nhà gồm: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và “nhà băng” - ngân hàng; giảm thiệt hại do đóng cửa rừng, giải quyết đất sản xuất; tín dụng nông nghiệp; gói tín dụng cho tưới tiết kiệm... Tại kỳ họp thứ 3: Đề xuất một số giải pháp đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Vấn đề về nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản; cần có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), “doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp”. Kỳ họp thứ 4 tập trung vào các nội dung: Nghiên cứu góp ý về nội dung phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) trong lĩnh vực nông nghiệp với những quan điểm mới về kinh tế tập thể và hợp tác xã; xem xét sửa đổi Luật Hợp tác xã; cơ chế thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức tín dụng, HTX, nông dân xây dựng chuỗi giá trị nông sản...; xây dựng chính sách vĩ mô, dành nguồn lực phát triển toàn diện nông nghiệp gắn với nông thôn mới; khởi nghiệp sáng tạo, liên kết hợp tác, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sau thu hoạch... Đây là những nội dung rất sát thực tiễn, phản ánh rõ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. 
 
Qua theo dõi tại kỳ họp thứ 5, ĐBQH Lâm Đồng đã tập trung đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: thay đổi tư duy, cần có cách tiếp cận mới về kinh tế thị trường trong nông nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo lập các mô hình liên kết; thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản...
 
Vấn đề thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng được quan tâm. Từ đó tại kỳ họp thứ 6 đã kiến nghị phải kết hợp chặt chẽ giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; có cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp phù hợp, tạo sinh kế thực sự cho người dân ở các địa phương có rừng, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững; ổn định cuộc sống cho dân di cư tự do, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu. Còn tại kỳ họp thứ 7 đi sâu vào các vấn đề thủ tục hành chính, bất bình đẳng đối với kinh tế tư nhân, những nút thắt quá trình ban hành và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; cân nhắc các tiêu chí để bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án cấp bách, chiến lược trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
 
Tại kỳ họp thứ 8, từ thực trạng của thương hiệu nông sản Việt nói chung và thương hiệu nông sản một số địa phương, vùng miền nói riêng, đặt ra những thách thức mới cho bài toán xuất khẩu, tiêu thụ nội địa nông lâm thủy sản. Qua đó, Đoàn ĐBQH kiến nghị các nội dung: Thúc đẩy thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030; đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trong nước, khu vực và quốc tế; chế tài mạnh để phòng, chống vi phạm thương hiệu ở cấp độ quốc gia; hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường.
 
Riêng kỳ họp thứ 9 đã dành thời gian nghiên cứu, xem xét điều chỉnh kịp thời chương trình kế hoạch xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cho phù hợp với tình hình diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh; không để lúng túng, bị động; nhanh chóng ổn định và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ổn định thị trường trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 10, Đoàn ĐBQH đã đề xuất tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, phối hợp, lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình, dự án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
 
Những ý kiến góp ý tâm huyết có sự nghiên cứu tìm hiểu kỹ lưỡng và trên cơ sở tiếp nhận, lắng nghe kiến nghị cử tri, các ĐBQH, trong đó vai trò đại biểu chuyên trách đã thể hiện rõ nét và tạo hiệu ứng tốt cho chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng nói chung. Qua đó, góp phần định hướng, tạo ra những cơ chế, chính sách pháp luật, hành lang pháp lý cơ bản, phù hợp thực tiễn đời sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân vì sự phát triển nông nghiệp bền vững.
 
NGUYỆT THU - NGÔ KIỂM