Chợ là nơi kinh doanh, buôn bán đa dạng về các dịch vụ với nhiều mặt hàng dễ cháy. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Chợ là nơi kinh doanh, buôn bán đa dạng về các dịch vụ với nhiều mặt hàng dễ cháy. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được Ban Quản lý chợ, lực lượng chức năng và tiểu thương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm để không xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
|
Tập huấn phương án PCCC tại Chợ Đà Lạt |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 93 chợ truyền thống, dân sinh đang hoạt động với quy mô lớn cả về diện tích, ngành hàng, số lượng quầy, sạp kinh doanh,... với giá trị hàng hóa lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Chủng loại và khối lượng hàng hóa trong các chợ hiện nay đều rất đa dạng và rất lớn. Dịp cuối năm các chợ đều bị quá tải, số lượng người ra vào hàng ngày lên đến hàng chục ngàn lượt người, đặc biệt một số chợ trung tâm ở các đô thị có lượng hàng hóa và người tập trung về mua sắm phục vụ đón Tết Tân Sửu gia tăng theo từng ngày.
Trong những năm gần đây, tình hình cháy chợ trên cả nước vẫn xảy ra rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân các vụ cháy chợ do điện luôn chiếm tỷ lệ rất cao và tiếp theo đó là do vi phạm quy định trong việc sử dụng ngọn lửa trần trong chợ. Việc vi phạm quy định sử dụng các nguồn nhiệt, ngọn lửa trần trong chợ xảy ra dưới nhiều hình thức như sử dụng bếp gas, bếp dầu, bếp than, sửa chữa có sử dụng hàn cắt kim loại... Tình trạng này, hiện nay vẫn còn diễn ra khá nhiều ở hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh.
Trong các chợ thường tập trung số lượng lớn chất dễ cháy, nhiều hộ kinh doanh tự ý câu móc điện, tự ý cơi nới thêm quầy, sạp, sắp xếp hàng hóa để các vật dụng như tủ kệ, ghế, bao bì lấn chiếm lối đi chung làm giảm khoảng cách an toàn và gây khó khăn trong việc cứu chữa, thoát nạn; Ban Quản lý các chợ không quan tâm đầu tư hoặc thờ ơ với công tác PCCC, chỉ chú trọng việc kinh doanh. Chợ là nơi tập trung đông người nhưng lối thoát nạn thường không đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn, nhất là đối với các chợ xen kẽ trong khu dân cư tại các huyện, thị trấn.
Một số chợ mới được cải tạo, xây dựng mới với những kết cấu xây dựng kiên cố, hiện đại, diện tích rộng rãi đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về PCCC ngay từ khi đầu tư xây dựng ban đầu, còn phần nhiều chợ hiện nay trên địa bàn tỉnh được xây dựng cách đây hàng chục năm, đã xuống cấp nghiêm trọng và không còn phù hợp với tình hình đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội và tiêu chuẩn PCCC hiện hành. Trong khi đó, chợ tự phát hình thành khắp nơi theo tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa, đa số xây cất bằng vật liệu dễ cháy, tạm bợ, lấn chiếm lòng đường, xen lẫn trong khu dân cư, hệ thống điện không an toàn, thiếu các trang thiết bị chữa cháy nên nguy cơ cháy rất cao.
Hiện nay, ở các chợ, Ban Quản lý đã có những quan tâm nhất định trong đầu tư lực lượng và phương tiện PCCC , hồ sơ về công tác PCCC; một số mặt công tác được các cơ sở tham gia tích cực, đạt tỷ lệ khá cao như đã thành lập ban chỉ đạo công tác PCCC tại chỗ và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, đã có sự quan tâm đầu tư bổ sung trang thiết bị PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, lập hồ sơ quản lý công tác PCCC và tổ chức cho lực lượng tại chỗ tập huấn nghiệp vụ công tác PCCC theo quy định.
Bên cạnh sự cố gắng của các cơ sở vẫn còn tồn tại những thiếu sót ảnh hưởng đến công tác PCCC đó là: Khoảng cách giữa các quầy, sạp ở một số chợ không đảm bảo an toàn PCCC; việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm khoảng cách an toàn PCCC; việc câu mắc, sử dụng điện không tuân thủ theo các quy định về an toàn PCCC; chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy không tốt; lực lượng chữa cháy tại chỗ ứng trực sẵn sàng chữa cháy quá mỏng, nhất là về ban đêm; việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ chưa chặt chẽ;...
Để công tác PCCC tại các chợ được đi vào nền nếp nhằm hạn chế không để xảy ra cháy, nổ nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, lực lượng PCCC khuyến cáo các chợ phải hoàn chỉnh nội quy an toàn PCCC và hồ sơ theo dõi hoạt động về công tác PCCC của cơ sở, hồ sơ phải được bổ sung thường xuyên, kịp thời và phải do người đứng đầu cơ sở chỉ đạo lập và lưu giữ. Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC đối với từng hộ kinh doanh trong các chợ. Tổ chức và kiện toàn lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở đủ về số lượng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ca trực và từng đội viên bảo vệ, tăng cường tuần tra vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ... Tuyệt đối nghiêm cấm việc thắp nhang, đèn, thờ cúng trong chợ. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục kịp thời. Trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặt đúng nơi quy định, nâng cấp hoặc trang bị mới máy bơm chữa cháy để khi có cháy, vận hành được ngay; đồng thời kiểm tra, bổ sung nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy thường xuyên và đầy đủ. Kiên quyết giải tỏa việc xây thêm các quầy, sạp, làm thêm mái che lấn chiếm đường giao thông và khoảng cách an toàn PCCC. Thường xuyên phát loa, cảnh báo, nhắc nhở về công tác PCCC đối với khách hàng mua sắm, tham quan để nâng cao ý thức đảm bảo an toàn PCCC.
Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý chợ và lực lượng chức năng, sự chủ động của tiểu thương trong việc PCCC luôn là điều cần thiết để đảm bảo tính mạng, tài sản của bản thân và những người xung quanh, vì một cái tết an toàn và hạnh phúc.
HỒNG VINH - NGUYÊN THI